Du lịch Điện Biên, “nhìn” từ di tích lịch sử

00:00 - Thứ Sáu, 13/05/2016 Lượt xem: 4039 In bài viết
ĐBP - Mấy năm gần đây trên địa bàn tỉnh ta, du lịch lịch sử đang là một hình thức hấp dẫn; thậm chí, là loại hình du lịch với những ưu thế vượt trội mà nhiều tỉnh thành “nằm mơ” cũng không có được. Đó là hệ thống các điểm di tích trong quần thể “Di tích lịch sử cấp quốc gia” chiến trường Điện Biên Phủ 1954. Hàng năm, khách du lịch theo nhau lên Điện Biên và đương nhiên, đem lại cho chúng ta nguồn thu nhất định từ du lịch và các dịch vụ du lịch...

Mới đây, trong buổi làm việc chiều ngày 11/5/2016 tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bà Vũ Thị Tuyết Nga (Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ), cung cấp cho chúng tôi một thông tin mới nhất để chứng minh sự hấp dẫn của loại hình du lịch lịch sử tỉnh ta. Theo đó, thống kê của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết: Tính riêng dịp nghỉ lễ từ 30/4 đến hết ngày 07/5/2016, có 33.677 lượt khách du lịch tham quan các điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ. Tuy thế, nếu nhìn rộng hơn ra địa bàn các tỉnh lân cận trong vùng Tây Bắc, ta sẽ thấy con số trên không phải là quá lớn; nhất lại đặt chúng trong một tương quan dựa trên những tiêu chí hơn hẳn của tỉnh ta, với quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ độc đáo.

Hầm Đờ-cát, nơi chứng kiến sự sụp đổ của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, nay trở thành điểm du lịch của khách thập phương.

Bằng kinh nghiệm của người từng mấy chục năm gắn bó với ngành Văn hóa - Du lịch nói chung và công tác du lịch nói riêng, bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết: Từ trước tới nay, trong định hướng phát triển kinh tế - văn hoá của thành phố Điện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung, du lịch (và các dịch vụ du lịch) luôn được xác định là “ngành kinh tế mũi nhọn”. Về lý thuyết, đó là một quan điểm đúng đắn, dựa trên các lợi thế lịch sử của địa phương bắt nguồn từ cuộc kháng chiến thần thánh 56 ngày đêm. Tuy nhiên, trên thực tế, còn rất nhiều vấn đề đặt ra mà trước hết là tầm nhìn chiến lược. Cụ thể ở đây là sự quan tâm đầu tư và chỉ đầu tư nhiều mới có thể khai thác lớn. Đó là một chân lý, rất đơn giản và ai cũng biết, nhưng thực hiện lại là chuyện khác...

Thật vậy, ngay lần đầu đến thành phố Điện Biên Phủ, dù khách trong nước hay quốc tế, ai cũng có sẵn trong hành trang tinh thần ý niệm về chuyến du lịch tới một địa danh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nói cách khác, lịch sử chống xâm lăng của dân tộc đã có “nhã ý” dành riêng cho tỉnh Điện Biên một quần thể di tích lịch sử độc nhất vô nhị, giá trị của nó không thể cân đong đo đếm bằng những đại lượng thông thường. Xét theo nghĩa ấy, có thể ví quần thể di tích lịch sử Điện Biên như của để dành, là khối tài sản càng sử dụng lại càng sinh lợi, là “bảo vật” mà thế hệ trước tin cậy chuyển giao cho thế hệ sau.

Với những lợi thế đó, nhiều năm qua được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, chúng ta đã tôn tạo được một số di tích lịch sử - văn hóa quy mô và tầm cỡ, thu hút được đông đảo khách du lịch đến với Điện Biên, là nền tảng để phát triển du lịch. Tiếp tục nhiệm vụ, từ nay đến năm 2020, một bản quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Điện Biên Phủ đang được hình thành. Theo đó, ngoài việc đầu tư tôn tạo các điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, tạo nên hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, thì công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Điện Biên Phủ cũng như đón tiếp du khách khi đến tham quan, hay nói cách khác hoạt động du lịch của tỉnh phải được đặt lên hàng đầu. Một trong những yêu cầu đặt ra, là nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên phục vụ khách du lịch nói chung và đặc biệt tại các điểm di tích lịch sử là việc làm cần thiết và cấp bách để góp phần cho du lịch Điện Biên phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng du lịch phong phú của địa phương.

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện quản lý 45 điểm di tích, thuộc quần thể di tích cấp quốc gia Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong đó, 7/45 điểm tham quan có thu phí (bán vé) vì lẽ Nhà nước đã bỏ tiền trùng tu tôn tạo. Trong 7 điểm di tích thu phí có 4 điểm di tích ở lòng chảo Mường Thanh, là: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (trên đồi D1), di tích Đồi A1 và di tích hầm ngầm Sở chỉ huy quân viễn chinh Pháp (thường gọi hầm Đờ cát). Còn lại 3 điểm di tích có thu phí gắn với khu du lịch Mường Phăng nơi đóng đại bản doanh của quân ta, là: Rừng Mường Phăng (điểm chính), Công viên Chiến thắng Mường Phăng và Đường kéo pháo vào trận địa của quân ta (dốc Nà Nhạn). Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Tuyết Nga, điểm di tích rừng Mường Phăng vẫn thường xuyên thu được phí, nhưng hai điểm di tích là Công viên Chiến thắng Mường Phăng và Đường kéo pháo vào trận địa, số phí thu được không đáng bao nhiêu (riêng điểm di tích Đường kéo pháo vào trận địa đến nay chưa bán được vé nào do rất hãn hữu có khách tham quan).

Ông Vũ Nam Hải - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ - cho hay: Hơn sáu thập niên qua, thung lũng Mường Thanh từ chỗ là một thị trấn nông trường, nâng cấp lên thành thị trấn huyện lị, rồi thị xã tỉnh lị và hiện là thành phố trực thuộc tỉnh. Lẽ dĩ nhiên, đi cùng với đó là tốc độ xây dựng rất nhanh bởi các công trình của cả tập thể lẫn tư nhân. Năm 1958, lúc một Nông trường quốc doanh quân đội được xây dựng ở đây, cả vùng lòng chảo Mường Thanh chỉ gồm những nếp nhà tường đất, mái gianh, dần dần nâng cấp lên cột gỗ, mái ngói và bây giờ như mọi người đang thấy, rất nhiều ngôi nhà cao tầng bề thế chen nhau trong không gian kiến trúc tự phát của một đô thị miền núi. Quá trình đô thị hoá với các bước kỹ thuật không được tốt, thiếu sự tính toán cẩn trọng và chu đáo nhiều mặt. Hậu quả là chỗ này chỗ khác, chúng ta đã phạm những sai lầm mà lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được hoặc ít ra cũng hạn chế được.

Tiếp đó, ông Vũ Nam Hải chia sẻ: Để từng bước nâng cao hiểu biết về “khối tài sản di tích chiến trường Điện Biên Phủ” mà mình đang được giao đồng quản lý, bản thân ông Hải đã tìm đọc rất nhiều tư liệu, sách báo, xem rất nhiều phim ảnh liên quan tới trận Điện Biên Phủ trước đây và quần thể di tích quốc gia Điện Biên Phủ hiện nay. Theo các hồi ức của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp (do cố nhà văn Hữu Mai chấp bút), thì Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được Pháp bố trí với 49 cứ điểm hợp thành và đây là phương thức phòng thủ tập đoàn - một lối phòng thủ hiện đại nhất trong kỹ thuật chiến tranh trên bộ thời đó. Cứ như tâm nguyện của hầu hết các cựu chiến binh Điện Biên Phủ - những người trực tiếp góp phần xương máu và mồ hôi cho chiến dịch Điện Biên Phủ - thì giá kể ngay từ đầu trong công tác trùng tu, tôn tạo quần thể di tích chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã có kế hoạch bảo tồn và phục chế toàn bộ 49 cứ điểm ấy. Nếu được làm một cách kịp thời, chu đáo, khoa học và có trách nhiệm như thế, đương nhiên trận Điện Biên Phủ sẽ được tái hiện với tất cả tầm vóc hoành tráng của chiến dịch, sự dữ dội vốn có và hơn nữa, mới lột tả hết tính khốc liệt của hình thái chiến trường ngày ấy; mới thể hiện hết tài thao lược chỉ huy cũng như lòng quả cảm của quân ta, trong cuộc đối đầu quân sự lớn nhất trên toàn cõi Đông Dương.

Sau ngần ấy năm gắn bó với Bảo tàng chiến thắng nói riêng, với di tích trận Điện Biên Phủ nói chung, ông Vũ Nam Hải nghiệm ra rằng “trong con mắt của du khách cả trong nước lẫn ngoài nước, sức hút du lịch Điện Biên không gì khác ngoài di tích lịch sử. Mà di tích lịch sử ở Điện Biên, trước tiên và trên hết, chính là lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Đó là tâm tư và cũng là lời khẳng định mà ông Hải dành để tiễn tôi ra về, đến tận hàng phượng vĩ đang trổ bông với màu đỏ chói chang như những quầng lửa, bên đường Võ Nguyên Giáp. Tới nhà, việc trước tiên là tôi trân trọng mở cuốn sách mà ông Hải vừa tặng, với dòng chữ đề xúc động: “Thân quý tặng anh cuốn sách mới nhất và rất hay về chiến dịch Điện Biên Phủ”. Đó là cuốn: “Điện Biên Phủ - Nhớ lại để suy ngẫm”, của tác giả Trần Thái Bình, do Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ tổ chức tái bản, NXB Trẻ (thành phố Hồ Chí Minh) ấn hành đầu năm 2014...

Bài, ảnh: Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top