Mường Lay khai thác tiềm năng về văn hóa để phát triển du lịch

00:00 - Thứ Sáu, 03/06/2016 Lượt xem: 3707 In bài viết
ĐBP - Nằm ở vị trí ngã ba sông: Sông Đà, Nậm Lay, Nậm Na, TX. Mường Lay có vị trí thuận lợi phát triển giao thông đường thủy. Từ khi công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành, nước lòng hồ khu vực thị xã Mường Lay dâng cao; tạo cảnh quan thiên nhiên "sơn thủy hữu tình". Cách thị xã Mường Lay không xa là di tích Dinh thự Đèo Văn Long, đền thờ vua Lê Lợi. Dọc 2 bờ sông Nậm Lay là những bản làng của đồng bào dân tộc Thái, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Những yếu tố trên là tiềm năng, lợi thế để TX. Mường Lay khai thác phát triển kinh tế du lịch.

Lòng hồ Thủy điện Sơn La, khu vực TX. Mường Lay giúp người dân đi lại bằng thuyền máy thuận tiện để chuyên chở hàng hóa, đánh bắt thủy sản.

Trải qua nhiều năm, tháng, biến động của lịch sử và thực hiện Dự án Di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay được di chuyển lên cao, nhưng đồng bào các dân tộc vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. TX. Mường Lay trước đây là thủ phủ của tỉnh Lai Châu, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái trắng. Người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, thêu dệt thổ cẩm, đan lát. Ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND TX. Mường Lay, cho biết: Với tiềm năng lợi thế về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc, những năm gần đây TX. đã đầu tư nhiều cho xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông, thiết chế văn hóa; có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng ăn uống, phương tiện vận tải... Cơ chế, chính sách hợp lý trong đầu tư và thu hút đầu tư cùng với động viên, khuyến khích người dân tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, vật chất cho cộng đồng và phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Cụ thể, tuyên truyền vận động và hỗ trợ một phần kinh phí để người dân duy trì phát triển múa xòe Thái, Lễ hội Kin Pang Then, phong trào xây dựng tổ dân phố, bản văn hóa. Trong 2 di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội Kin Pang Then đang được làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa nhân loại. Lễ hội Đua thuyền đuôi én trên sông Đà của đồng bào dân tộc Thái TX. Mường Lay cũng được khôi phục và tổ chức thường niên từ năm 2015, thu hút đông đảo du khách và người dân trong vùng, tạo nên đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, TX. Mường Lay hiện có 34/49 tổ dân phố, bản có đội văn nghệ, thường xuyên luyện tập, biểu diễn giao lưu và tham gia hội diễn khi UBND TX. và ngành Văn hóa - Thể thao, Du lịch tổ chức.

Ông Vàng Văn Vượng, Bí thư Chi bộ bản Quan Chiên, phường Na Lay cho biết: Sau khi tái định cư, đất ở, đất sản xuất của bà con bị thu hẹp, đời sống kinh tế còn khó khăn do phải chuyển đổi ngành nghề, nhưng phong tục tập quán bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được duy trì. Đồng bào dân tộc Thái vẫn ở nhà sàn, dệt vải thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, làm bánh khẩu xén. Đặc biệt, các bản vẫn duy trì đội văn nghệ biểu diễn múa xòe, múa quạt, múa nón, hát tiếng dân tộc Thái... phục vụ bà con vào những dịp lễ, tết, sự kiện chính trị quan trọng của TX., tỉnh, đất nước và du khách đến tham quan du lịch.

Đầu tư và có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển dịch vụ du lịch, xã hội hóa duy trì bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, TX. Mường Lay đang khai thác tiềm năng thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử để phát triển kinh tế du lịch, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng khu tái định cư đổi mới, trở thành điểm đến du lịch trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top