Khai thác giá trị kinh tế từ thắng cảnh hang động

Trước mắt là gìn giữ

08:31 - Thứ Tư, 15/06/2016 Lượt xem: 2976 In bài viết
ĐBP - Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh ta hiện có 7 hang động lịch sử và thiên nhiên được công nhận cấp tỉnh, quốc gia, điển hình như: Động Xá Nhè, Pa Thơm (danh lam thắng cảnh); hang Mường Tỉnh (di tích lịch sử)... Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ có động Pa Thơm (thuộc địa phận bản Pa Xá Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) được khai thác về dịch vụ du lịch. Các hang động còn lại hiện chưa được quy hoạch, đầu tư... Kế hoạch, ngân sách hiện nay chưa cho phép phát huy tiềm năng của những thắng cảnh, di tích hang động, vì vậy, việc cần thiết lúc này là bảo vệ, gìn giữ.
Những thắng cảnh hang động chưa được quy hoạch chi tiết đầu tư khai thác đồng bộ đang rất cần được bảo vệ Người dân tham quan hang động Xá Nhè. Trong ảnh:.(xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa).

Ông Nguyễn Văn Năm,Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Thực hiện Đề án Bảo tồn và Phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể đã được quan tâm, triển khai, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công tác trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị bước đầu được quan tâm. Vừa qua, công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, khoanh vùng, tu bổ phục hồi di tích đạt nhiều kết quả, cụ thể: Đã xếp hạng bổ sung 23 điểm di tích thành phần của Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nâng tổng số di tích thành phần của di tích này lên 45 điểm và xếp hạng thêm 9 di tích. Trong đó riêng về hang động đã có 5 di tích được xếp hạng quốc gia (hang động Xá Nhè, hang động Khó Chua La ở huyện Tủa Chùa; động Há Chớ, hang Thẳm Khương ở huyện Tuần Giáo và di tích hang động Chua Ta ở huyện Điện Biên), 1 di tích cấp tỉnh (hang động Mùn Chung ở huyện Tuần Giáo); trong số các di tích được quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo có hang Mường Tỉnh và động Pa Thơm. Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc đã gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là lĩnh vực du lịch, trong đó có du lịch khám phá, tham quan hang động sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, để cộng đồng, người dân trực tiếp tham gia và hưởng lợi.

Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng hiện nay, phát triển kinh tế từ các di tích, thắng cảnh hang động vẫn chỉ là tiềm năng. Bởi ngay cả thắng cảnh hang động Pa Thơm, được công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia ngày 22/1/2009 và đến năm 2013 được duyệt quy hoạch, đầu tư (theo Quyết định số 01/QĐ - UBND của UBND tỉnh) các công trình, cơ sở hạ tầng, khu nghỉ dưỡng sinh thái… với nguồn kinh phí khoảng trên 50 tỷ đồng cũng chưa phát huy được tiềm năng du lịch. Đây là di tích có giá trị đặc biệt về mặt địa chất, địa mạo và sự đa dạng về sinh học, sinh thái môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Cùng với đó là cộng đồng các dân tộc (Lào, Khơ Mú, Cống...) cùng sinh sống trên địa bàn, tạo nên tiềm năng trở thành khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa... Đến nay, các hạng mục đã cơ bản hoàn thành, đường giao thông cũng được đầu tư, thuận lợi hơn trước nhưng việc phát huy tiềm năng, đưa khu thắng cảnh hang động Pa Thơm trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn là điều xa xôi. Du khách đến thăm hiện nay chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên đi tham quan vào ngày nghỉ, ngày lễ và các nhóm khách đi “phượt” (du lịch bụi), nhu cầu cung cấp dịch vụ ăn, nghỉ, hướng dẫn... là rất thấp.

Một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sức hấp dẫn của thắng cảnh là tính toàn vẹn, nguyên sơ. Có hấp dẫn, níu chân được du khách, quảng bá được thương hiệu hay không bởi chính yếu tố này. Tuy nhiên, kể từ khi được phát hiện (năm 1996) đến khi được quan tâm đầu tư, thắng cảnh động Pa Thơm đã bị con người tàn phá khá nhiều; công tác phục dựng, bảo dưỡng cũng chỉ được một phần, bởi có những chi tiết được thiên tạo sau hàng nghìn, hàng triệu năm, việc phục hồi ngay là điều không thể. Cùng với đó, công tác truyền thông quảng bá về thắng cảnh hiện cũng chưa được đầu tư đồng bộ; tìm hiểu trên internet, cũng chỉ có vài thông tin, bài báo viết về động Pa Thơm mà trong đó có đến một nửa nhắc đến việc: “thắng cảnh đang bị xâm hại, cần bảo vệ”!

Đó là thắng cảnh cấp quốc gia động Pa Thơm, đã được tỉnh quyết định đầu tư, khai thác, còn nhiều hang động cũng thuộc tầm cỡ quốc gia như: Động Xá Nhè, hang Mường Tỉnh, hang Mùn Chung… việc khai thác du lịch hoàn toàn mang tính tự phát và công tác bảo vệ, trông coi chưa thể đáp ứng yêu cầu. Như tại hang động Xá Nhè, đã có trường hợp người dân tự ý vào hang bẻ nhũ đá về làm vật trang trí... bể cá cảnh. Các hang động khác cũng cùng chung số phận, bị xâm hại từng ngày mà chưa có biện pháp bảo vệ khả quan.

Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch của tỉnh ta là rất lớn, định hướng có thể khai thác, phát huy thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có hệ thống hang động phong phú. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, những khó khăn “ngoài tầm với” khiến chúng ta chưa thể quy hoạch, khai thác ngay được, điều khẩn thiết nhất lúc này là sự vào cuộc thực tâm, đồng bộ của cơ quan chuyên môn, địa phương và người dân cùng chung tay gìn giữ, thậm chí cần đưa ra những chế tài phù hợp để bảo vệ hệ thống hang động.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top