Quản lý các di tích ở huyện Tủa Chùa:

Buông lỏng đến bao giờ?

10:48 - Thứ Sáu, 17/06/2016 Lượt xem: 3262 In bài viết
ĐBP - Với ¾ diện tích tự nhiên là núi đá tai mèo, Tủa Chùa được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt với hệ thống  hang động tự nhiên đã được khám phá, nghiên cứu và xếp hạng. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để Tủa Chùa đẩy mạnh phát triển du lịch. Tuy nhiên, điều đáng tiếc hiện nay các di tích và danh lam thắng cảnh lại đang trong tình trạng “vô chủ”, kể cả các di tích đã được cấp bộ và địa phương công nhận, xếp hạng.

Di tích bị lãng quên

Sau 20 phút di chuyển bằng xe máy từ trung tâm huyện Tủa Chùa, tôi đã có mặt tại bản Pàng Dề B, xã Xá Nhè. Những cơn mưa đầu mùa liên tục không ngớt nên khung cảnh ở đây khá u ám, không một bóng người. Trước mặt tôi là tấm biển chỉ dẫn màu xanh nổi bật cùng dòng chữ lớn: Di tích quốc gia. Phía dưới tấm biển là ký hiệu mũi tên chỉ về 2 phía, một bên là hang động Xá Nhè còn bên kia là hang động Khó Chua La. Tôi đi qua đi lại mấy lần nhưng không tìm được lối vào, mặc dù trên tấm biển chỉ dẫn ghi mỗi hang động chỉ cách hơn 100m. Tôi quyết định tìm đến nhà trưởng bản.

 

Trưởng bản Sùng A Páo chỉ cho phóng viên xem vết tích của những nhũ đá đã bị lấy mất.

Cách biển chỉ dẫn chừng 500m là bản Pàng Dề B, nhà trưởng bản nằm trên một sườn đồi dốc. Anh Sùng A Páo, mới nhận chức trưởng bản chưa lâu đang cho mấy con trâu ăn ngoài sân. Mặc dù vừa đi làm nương về, nhưng anh Páo rất vui vẻ nhận lời dẫn tôi đi thăm hang động. Tôi chở anh lao thẳng xuống sườn đồi theo con đường tắt mà người dân hàng ngày vẫn đi nương. Khi ra đến con đường lớn, anh bảo tôi rẽ vào một lối mòn quanh co và giải thích: đường chính ở bên kia nhưng người dân đã trồng ngô mất cả lối đi rồi. Tôi phải tập trung cao độ để lái chiếc xe không trượt ra khỏi đường mòn, bên cao bên thấp như đi trên bờ ruộng bậc thang.

Dừng xe tại một bãi đất khá bằng phẳng, anh Páo chỉ tay lên phía sườn đồi và bảo đó là hang động Khó Chua La. Cách đây chưa lâu, bãi đất này là nơi có hàng chục chiếc xe ô tô và hàng trăm quan khách về dự lễ công nhận di sản cấp quốc gia. Có một con đường rộng dẫn từ ngoài vào đây, hai ô tô có thể tránh nhau được, nhưng đây là đất nương của bà con, vì chưa được giải tỏa nên họ lại sử dụng để trồng ngô.

Theo chân anh Páo leo lên sườn dốc, trước mặt chúng tôi là vách núi đá dựng đứng, đến sát chân núi tôi căng mắt nhìn mà vẫn không thấy cửa hang đâu. Bước tiếp lên nơi anh Páo đứng, sau mấy tảng đá nằm ngổn ngang là một cái hố rộng chừng hơn miệng thúng. Anh Páo đem theo đèn pin và tụt xuống trước bằng một cái thang sắt cao khoảng 4m được người ta để sẵn, tôi phải ép mình vào sát thang thì chiếc balo đựng đồ nghề trên lưng mới lọt qua. Trong động tối đen như mực, lần theo ánh đèn pin chúng tôi vào bên trong, trên vách động, những phiến nhũ đá rủ xuống như những tấm rèm tuyệt đẹp. Đi tiếp vào khoang thứ 2 tôi lại càng choáng ngợp bởi vẻ đẹp kỳ thú, mái động hình vòm với các khối nhũ đá đủ hình thù đan xen, kết hợp với nhau tạo nên một không gian đầy mê hoặc…

Do không có sự chuẩn bị trước, sợ đèn hết pin chúng tôi đành phải quay ra. Lúc này tôi mới để ý, dưới chân có nhiều phiến nhũ đá nằm trơ trọi. Anh Páo bảo, thỉnh thoảng lại có vài người vào thăm động, họ đập gãy những phiến đá có hình thù lạ, đẹp đem về. Không chỉ ở hang Khó Chua La, mà hang Xá Nhè cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hướng theo ánh đèn pin, anh chỉ cho tôi xem những vết gãy vẫn còn mới nguyên trên vách động. Bằng giọng chậm rãi, anh kể: Chỉ cách đây mấy hôm, tôi cũng bắt gặp một nhóm người đến thăm hang động Xá Nhè, họ đem theo cả búa để đập nhũ đá. Do nhà có mấy khoảnh nương ở gần đó nên tôi đang đi làm thì phát hiện và kịp đến khuyên bảo, sau đó họ đã bỏ đi… Sinh ra và lớn lên ở đây, tôi và nhiều người dân, đặc biệt là những người già trong bản xót xa lắm khi phải chứng kiến những phiến đá đẹp trong hang cứ bị đập vỡ dần mà không làm gì được. Vừa đi, vừa chuyện, tôi và anh Páo tiếp tục ra phía cửa hang, lập lòe trong ánh đèn yếu ớt, rất nhiều những vỏ chai, lon nước ngọt, vỏ hộp sữa và túi bánh kẹo vứt la liệt khắp nơi trong hang động.

Chính quyền địa phương nói gì?

Tình trạng cố ý xâm hại các di tích ở Tủa Chùa đã xảy ra từ nhiều năm nay, có thể nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu hiểu biết. Nhưng cũng có trường hợp lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Người đứng đầu của cơ quan quản lý văn hóa huyện Tủa Chùa, ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa huyện cũng thừa nhận: Chúng tôi cũng đã nắm được thông tin về việc người dân lấy nhũ đá tại hang động Xá Nhè và Khó Chua La. Không những vậy, cả hang động Pơ Rang Ky ở xã Huổi Só mới được phát hiện và đang trong giai đoạn khảo sát, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ngoài ra, tại di tích thành Vàng Lồng ở xã Tả Phìn (Di tích cấp tỉnh ở hạng mục Công trình kiến trúc) cũng như vậy. Người dân tự do lấy đá trên thành về làm tường rào. Về mặt quản lý nhà nước thì theo quy định là giao cho chính quyền xã, nơi có di tích thành lập ban quản lý, do vậy để xảy ra tình trạng nói trên là thuộc trách nhiệm của ban quản lý tại địa phương.

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã đến UBND xã Xá Nhè, trong căn phòng chật chội tại trụ sở UBND xã, ông Quàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tháng 3/2014, hang động Xá Nhè được công nhận di sản cấp quốc gia, đến tháng 12/2015, hang động Khó Chua La lại tiếp tục được công nhận là di sản quốc gia. Nhưng đến nay, chính quyền xã cũng chưa nhận được văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý 2 di tích trên. Do vậy chúng tôi cũng chưa có cơ sở để triển khai thành lập ban quản lý di tích tại địa phương. Mong nhà báo có tiếng nói với các cấp chính quyền để địa phương sớm có cơ sở và điều kiện để thành lập ban quản lý và bảo vệ 2 di tích quốc gia này…

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Tuyết Ban, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc thành lập ban quản lý tại các điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh là một điều cần thiết, tuy nhiên việc này lại không nằm trong thẩm quyền của UBND huyện. Chúng tôi cũng đã có đề nghị với Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao xin ý kiến, vì vậy mọi việc vẫn phải chờ cho đến khi có quyết định.

Chính quyền địa phương thì trả lời như vậy trong khi đó, tại Khoản 5, Điều 14, Luật Di sản văn hóa nêu rõ: “Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa”. Hơn nữa, trong các quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với hang động Xá Nhè và Khó Chua La đã quy định: UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng, trong phạm vi và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Quy định thì đã rõ ràng như vậy nhưng công tác quản lý, bảo vệ các điểm di tích đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Tủa Chùa thì lại chưa được triển khai. Cấp xã thì chờ chỉ đạo của huyện, cấp huyện lại chờ tỉnh... trong khi đó các di tích thì vẫn trong tình trạng vô chủ và bị xâm hại từng ngày. Mỗi hang động phải trải qua quá trình hình thành, kiến tạo hàng nghìn, đến hàng triệu năm mà vẫn tiếp tục bị con người tàn phá thì sẽ mất đi mãi mãi. Nếu các cơ quan chức năng không sớm có giải pháp cụ thể và kịp thời thì chẳng bao lâu nữa các di tích nói trên sẽ chỉ còn là dấu tích mà thôi.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top