Để du lịch thực sự là “ngành kinh tế mũi nhọn”

08:31 - Thứ Năm, 18/08/2016 Lượt xem: 3174 In bài viết
ĐBP - Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngày 23/5/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

 

Du khách tham quan di tích lịch sử Đồi A1. Ảnh: Xuân Tư

Để có những thông tin cụ thể hơn, sâu hơn và đa dạng hơn, chúng tôi có buổi làm việc với người đứng đầu ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh nhà, đó là ông Phạm Việt Dũng - Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Điện Biên. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về những nét khái quát nhất của Nghị quyết 03-NQ/TU, ông Phạm Việt Dũng cho biết: Nội dung Nghị quyết đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu của Tỉnh ủy, đó là xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại, trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng đồng bộ với tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch. Phấn đấu đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm dịch vụ trọng điểm của khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, đến năm 2020, tỉnh Điện Biên đón 870.000 lượt khách, trong đó có 220.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng. Trong tầm nhìn xa hơn, đến năm 2025 đón 1.300.000 lượt khách trong đó có 300.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.400 tỷ đồng.

Với ý định làm rõ hơn những chủ trương, đường hướng phát triển du lịch tỉnh nhà, ông Phạm Việt Dũng cho biết đến thời điểm này của UBND tỉnh Điện Biên đã hoàn thiện Dự thảo “Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích chiến thắng Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025”. Từ đầu tháng 7/2016, Đề án đã được trình lên Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch để xin ý kiến thẩm định. Di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xếp hạng là Di tích cấp quốc gia từ ngày 28/4/1962 (gồm 22 điểm); tại thời điểm đó do được xét đặc cách nên toàn bộ Di tích chưa có hồ sơ pháp lý. Năm 2009, với tầm vóc và giá trị đặc biệt tiêu biểu cần phải được quan tâm đặc biệt, di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Từ năm 2004 đến năm 2013, qua quá trình nghiên cứu, điền dã, khảo sát thực tế, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Điện Biên đã cùng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mời các nhân chứng lịch sử xác minh thực địa, phát hiện thêm 23 điểm có liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, vì vậy đã tiến hành lập lý lịch và các thủ tục pháp lý, đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào danh sách các di tích thành phần của Di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung 23 di tích vào danh sách các di tích thành phần của Di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ. Như vậy tính đến thời điểm này toàn bộ Di tích chiến thắng Điện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần. Năm 2007, công tác nghiên cứu lập hồ sơ khoa học cho các di tích thành phần được bắt đầu triển khai, tuy nhiên đến thời điểm này có 23 điểm di tích mới được xếp hạng bổ sung có đầy đủ hồ sơ khoa học, còn lại 22 điểm di tích được xếp hạng trước đây chỉ có phần lý lịch và một số bản đồ khoanh vùng cắm mốc.

 

Hầm Đờ Cát cũng là một điểm thu hút khách du lịch ở Điện Biên Phủ.

Về công tác khoanh vùng, cắm mốc các khu vực bảo vệ của Di tích, ông Vũ Nam Hải - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ - cho biết: Công tác khoanh vùng, cắm mốc các khu vực bảo vệ của Di tích chiến thắng Điện Biên Phủ đã được quan tâm từ rất sớm; ngay sau khi được xếp hạng, trong những năm 1963-1964 tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) đã triển khai cắm các bia ghi nhận sự kiện ở một số điểm di tích quan trọng như: Đồi A1, E1, D1, C1, C2, Him Lam. Năm 2002, UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) đã ban hành Quyết định số 591/QĐ-UB ngày 03/5/2002 về việc phúc tra điều chỉnh quy hoạch khoanh vùng bảo vệ khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ; theo đó có 22 di tích được tiến hành điều chỉnh quy hoạch và khoanh vùng bảo vệ, trong đó với 22 di tích có khu vực bảo vệ I và 21 di tích có khu vực bảo vệ II. Sau khi phát hiện thêm 23 điểm có liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cũng đã tiến hành xác định rõ khu vực bảo vệ cho từng điểm và từng bước tổ chức khoanh vùng, cắm mốc cho những điểm quan trọng nhất. Tính đến thời điểm này, 45/45 điểm di tích thuộc Di tích chiến thắng Điện Biên Phủ đã xác định được khu vực bảo vệ I, 30/45 điểm di tích có khu vực bảo vệ II, 28/45 di tích được cắm mốc trên thực địa, còn lại 17 di tích chưa được cắm mốc bảo vệ. Tuy nhiên hiện nay diện tích khu vực bảo vệ II của một số điểm di tích tiếp tục bị thu hẹp, do có sự xâm lấn trong quá trình phát triển hạ tầng đô thị.

Trong tiềm năng du lịch đa dạng của Điện Biên, quần thể di tích quốc gia Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ có vai trò quan trọng nhất chứ không phải duy nhất. Chính vì lẽ đó, sáng 14/3/2016, tại Khách sạn Mường Thanh thành phố Điện Biên Phủ, UBND tỉnh Điện Biên phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) tổ chức Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tại đây, bài phát biểu khai mạc Hội thảo của ông Lê Văn Quý - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - chỉ rõ: Điện Biên là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội gắn liền với bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc và hệ thống di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ; phong cảnh núi non hùng vĩ, địa hình đa dạng là cơ sở để phát triển du lịch sinh thái. Với lợi thế có đường biên giới quốc gia và hệ thống cửa khẩu đường bộ với Lào và Trung Quốc, trong thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng phát triển du lịch, xác định đây là hướng kinh tế mũi nhọn quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, ngành du lịch Điện Biên vẫn còn không ít hạn chế như: Số lượng du khách đến Điện Biên tăng, song thời gian lưu trú còn ngắn. Du khách đến chỉ xem lễ hội, tham quan các điểm di tích Chiến trường Điện Biên Phủ chứ ít người lưu lại thời gian dài, một phần vì Điện Biên chưa có sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách. Việc liên doanh, liên kết xây dựng các tua du lịch có điểm đến là Điện Biên còn không ít hạn chế.

 

Hình thái du lịch lịch sử, đã và đang là một ưu thế vượt trội trong thiết chế du lịch - văn hóa - lịch sử tỉnh Điện Biên.

Người Điện Biên nói chung và người làm du lịch Điện Biên nói riêng, hẳn chưa ai quên bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ - tại đêm khai mạc Lễ hội Hoa ban năm 2016 và Lễ công bố Quyết định 1465/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang. Đặc biệt khi Thủ tướng nhấn mạnh: “Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cùng với định hướng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trong mũi nhọn của tỉnh; nhân buổi lễ hôm nay tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp với tỉnh Điện Biên xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung hợp tác và tổ chức triển khai thực hiện tốt, hiệu quả để cùng với tỉnh Điện Biên đưa các hoạt động trong lĩnh vực du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Điện Biên, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Đây chính là việc làm tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng”.

Từ trước tới nay, trong định hướng phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của thành phố Điện Biên Phủ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung, du lịch (và các dịch vụ du lịch) luôn được xác định là “ngành kinh tế mũi nhọn”. Về lý thuyết, đó là một quan điểm đúng đắn, dựa trên các lợi thế lịch sử của địa phương. Muốn thế, điều mà ai cũng biết là Điện Biên hãy bắt đầu từ việc trùng tu, tôn tạo đầy đủ 49 điểm di tích trận Điện Biên Phủ, tiếp sau đó là phải quản lý thật tốt và phát huy cao nhất công năng hữu dụng của chúng...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top