Mù Cang Chải: Những “nấc thang” lấp lánh

15:51 - Thứ Tư, 21/09/2016 Lượt xem: 3061 In bài viết
Đến Mù Cang Chải những ngày tháng 9, trong nắng sớm còn se lạnh, xa xa tầm mắt đã thấy một màu vàng sẫm mềm mại ôm quanh những sườn núi. Màu vàng của sự ấm no ấy với hương lúa thơm nồng hòa với không khí trong lành của vùng cao càng thôi thúc chúng tôi khám phá vẻ đẹp của mảnh đất này.

Ngược quốc lộ 32 trên đường đến trung tâm huyện Mù Cang Chải  chúng tôi đến xã La Pán Tẩn, một xã được biết đến với diện tích ruộng bậc thang nhiều nhất huyện vùng cao này. Dừng chân tại bản Háng Sung, Pú Nhu nơi những thửa ruộng bậc thang như những chiếc thang vàng từ chân núi đến tận trời xanh.

 

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Mùa lúa chín.

Những sóng lúa mênh mang vô tận ấy còn mang đến sự ấm no cho người dân vùng cao này. La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình nằm sát cạnh nhau như 3 chân kiềng, cách nhau bởi con suối Nậm Kim. Diện tích canh tác trên 500 ha được giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hoá, phản ánh phương thức canh tác độc đáo của người Mông Mù Cang Chải. Năm 2007, ruộng bậc thang tại 3 xã này của Mù Cang Chải được công nhận là Danh thắng quốc gia.

Ông Lý Khua Sang người trong bản Háng Sung, xã La Pán Tẩn chia sẻ: “Ruộng bậc thang là thành quả hàng ngàn năm nỗ lực đưa cây lúa nước lên đồi của người dân địa phương với việc tận dụng nguồn nước từ các khe suối chảy từ trên cao xuống để khai hoang ruộng. Không cần đến thước đo, hay thiết kế, những bàn tay lao động của người Mông đã tạo nên những ruộng bậc thang mang đến no ấm này”.

Trải qua nhiều năm với bàn tay, khối óc của người dân nơi đây mà những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp xen giữa những khe nước lớn nhỏ bên cạnh là đồi thông bạt ngàn. Càng lên cao càng thấy thú vị bởi cảnh quan kỳ vĩ của núi rừng. Chẳng thế mà mỗi năm có hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước, những nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên đã đến đây để thưởng ngoạn và săn những bức hình đẹp.

Du khách Nguyễn Văn Hải ở Hà Nội đã lên với Mù Cang Chải nhiều lần trong 3 năm gần đây, anh cho biết: “Tôi thường lên Mù Cang Chải vào mùa lúa chín, mùa đẹp nhất trong năm, khi những sóng lúa vàng óng bên nắng thu, đi giữa miên man bất tận ấy, tôi thấy những lo toan bộn bề cuộc sống bỗng tan biến. Không chỉ có vậy mà mùa nước đổ (sang xuân) ruộng bậc thang Mù Cang Chải cũng như những kiệt tác.

Khi những cơn mưa rào đầu tiên của mùa hạ và nắng chưa kịp gay gắt, người Mông dẫn nước về các thửa ruộng. Lúc này những thửa ruộng bậc thang như khoác lên mình một tấm áo mới, lấp lánh tuyệt đẹp với màu đất nâu, màu trời xanh và mặt nước như một chiếc gương khổng lồ, óng ánh dưới nắng vàng rực rỡ.

Sáng sớm, khi ông mặt trời còn chưa kịp tỏa nắng thì những chàng trai, cô gái Mông đi dẫn nước vào ruộng cày bừa cho kịp vụ cấy, những đứa trẻ ríu rít nô đùa… càng điểm tô thêm sắc màu của ruộng bậc thang mùa nước đổ. Bởi vậy mà ngày mùa cày cấy hay mùa lúa chín vàng những “nấc thang” ấy đều vô cùng hấp dẫn với chúng tôi”.

Mù Cang Chải những năm trở lại đây đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước không chỉ bởi những món ăn độc đáo, những nụ cười hồn hậu mà du khách còn được đắm mình trong những sóng lúa vàng, xanh còn lấp lánh nét hoang sơ - một sự phối hợp nhuần nhuyễn của tạo hoá và bàn tay lao động khéo léo, tài tình của người Mông vùng Tây Bắc.

Theo Báo Yên Bái
Bình luận
Back To Top