Thuyết minh viên du lịch cần có kiến thức sâu rộng

08:54 - Thứ Năm, 27/10/2016 Lượt xem: 5056 In bài viết
ĐBP - Để chào đón sự kiện kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (05/1954 - 05/2004), kể từ đầu năm 2003 tỉnh ta xúc tiến mạnh mẽ việc trùng tu, tôn tạo quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ phục vụ cho công tác du lịch. Theo đánh giá của ngành chủ quản (Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch), sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, hoạt động du lịch đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch Điện Biên...

Bà Vũ Thị Tuyết Nga - Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (Bảo tàng CTĐBP) - cho biết: Tiếp tục công cuộc đó, từ nay đến năm 2020, một bản quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch Điện Biên Phủ đang được cấp thẩm quyền phê chuẩn. Ngoài việc đầu tư tôn tạo các điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, tạo nên hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về Điện Biên Phủ cũng như đón tiếp du khách khi đến tham quan, hay nói cách khác hoạt động du lịch của tỉnh cần được đặt lên hàng đầu. Một trong những công tác đó là nâng cao chất lượng đội ngũ Thuyết minh viên (TMV) phục vụ khách du lịch nói chung tại các điểm di tích lịch sử là việc làm cần thiết và cấp bách để góp phần cho du lịch Điện Biên phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng du lịch của địa phương.

 

Đồi A1 với vai trò “điểm nhấn” của tour du lịch di tích chiến thắng Điện Biên Phủ trong lòng chảo Mường Thanh.

Theo quy chế của Tổng cục Du lịch Việt Nam: “Hướng dẫn viên du lịch là những cán bộ chuyên môn, làm việc cho các doanh nghiệp lữ hành, thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn khách tham quan theo chương trình du lịch đã được kí kết”. Luật Du lịch Việt Nam cũng nêu rõ: “Thuyết minh viên là người thuyết minh tại chỗ cho khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch”. Như vậy có thể hiểu nhiệm vụ của TMV phải là những người có kiến thức chuyên sâu về khu du lịch, điểm du lịch được giao quản lý. Họ là những người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn, giới thiệu tuyên truyền - giáo dục tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, các khu bảo tồn thiên nhiên, các bảo tàng... Hiện nay cả nước có hơn 100 khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, gần 5.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 3.200 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 72 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 127 bảo tàng, 13 di sản thế giới... điều đó đồng nghĩa với việc có hàng chục nghìn TMV đã và đang hoạt động tại các điểm du lịch, các bảo tàng, khu di tích. Đội ngũ này đang âm thầm đóng góp công sức, trí tuệ của mình nhằm mục đích phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu với du khách trong nước và bạn bè quốc tế về những nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam ngày càng phát triển.

Đối với đội ngũ TMV của Bảo tàng CTĐBP - đơn vị quản lý di tích cấp quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ - đương nhiên thuyết minh, hướng dẫn phải là những người có kiến thức sâu rộng về cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là những nội dung có liên quan đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngoài ra, phải am hiểu về mảnh đất, con người Điện Biên để có thể truyền tải cho khách tham quan những kiến thức lịch sử, những đặc trưng văn hóa, đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa của du khách khi đến với Điện Biên. Hơn thế nữa, đó là lòng yêu ngành, yêu nghề, muốn được phục vụ và cống hiến nhiều hơn nữa cho du lịch Điện Biên. Với nhiều đối tượng khách đa dạng, họ cần có khả năng hiểu biết về nhu cầu khách du lịch từ đó phân nhóm người nghe và có kỹ năng điều chỉnh nội dung thuyết minh, phù hợp với nhu cầu và thời gian của từng đối tượng khác nhau.

Thông tin từ bà Vũ Thị Tuyết Nga, được biết tại thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 3 công ty kinh doanh du lịch lữ hành, nhưng chỉ 2 cơ sở đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế là khách sạn Công đoàn và khách sạn Him Lam, 1 khách sạn đăng ký kinh doanh lữ hành nội địa là công ty Hồng Kỳ, trong đó chưa có hướng dẫn viên nào trên địa bàn tỉnh đủ tiêu chuẩn để được cấp thẻ hướng dẫn viên. Khách du lịch đến Điện Biên hầu hết đều thông qua các hãng lữ hành ngoại tỉnh và có hướng dẫn viên đi cùng, tuy nhiên họ chưa thực sự hiểu sâu, hiểu hết giá trị của các điểm di tích, các danh lam thắng cảnh của địa phương. Việc tham quan và tìm hiểu về khu di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh, hệ thống di sản của Điện Biên chủ yếu qua các TMV của Bảo tàng CTĐBP, là những TMV tác nghiệp trực tiếp tại các điểm du khách tham quan.

 

Nghĩa trang Liệt sỹ A1 là nơi rất nhiều người thường tới dâng hương.

Thực tế nhiều năm qua, quan niệm của chính những người làm công tác quản lý và công tác thuyết minh tuyên truyền tại 2 Bảo tàng tỉnh, mới chú trọng về phục vụ mục đích chính trị, chưa gắn kết với hoạt động du lịch, chưa xác định đúng vai trò của người hướng dẫn du lịch, thuyết minh tuyên truyền, là cầu nối đưa nội dung trưng bày, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích, di sản đến với công chúng và du khách. Mặt khác, việc nghiên cứu, xây dựng chương trình tham quan và những biện pháp thu hút khách tham quan chưa thành hệ thống. Chưa có sự kết hợp giữa các cơ sở kinh doanh du lịch với những đơn vị quản lý hệ thống di tích, di sản để xây dựng những tour du lịch về Điện Biên Phủ với nhiều loại hình, chủ đề khác nhau. Do sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ có độ lùi thời gian khá dài (tính đến cuối tháng 10/2016 là trên 62 năm), các nhân chứng lịch sử tuổi đã cao, việc sưu tầm, lưu giữ những tư liệu lịch sử những năm qua chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, những thông tin chính xác liên quan đến di tích còn thiếu và chưa thật khoa học, từ đấy ảnh hưởng không nhỏ đến nội dung và chất lượng thuyết minh. Thêm vào đó, hệ thống các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của 19 dân tộc cùng với các tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng của địa phương chưa được nghiên cứu khai thác trở thành những tài liệu chính thống để xuất bản các ấn phẩm, các tập gấp, tờ rơi, phục vụ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất cho hoạt động du lịch.

Đề cập những giải pháp nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn du lịch, thuyết minh tuyên truyền, bà Vũ Thị Tuyết Nga có vẻ trải lòng khi cho rằng với số nhân lực hiện có chưa thể đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách du lịch, nhất là vào thời kỳ cao điểm kỷ niệm các ngày lễ lớn (30/4 và 7/5). Hiện tại mới chỉ có một số điểm di tích tiêu biểu như: Đồi A1, Bảo tàng CTĐBP (nhà trưng bày bổ sung), Hầm chỉ huy của Đờcát, Sở chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng, Tượng đài chiến thắng D1, di tích Đường kéo pháo... cùng với một số danh lam thắng cảnh của địa phương là đã được bảo tồn, tôn tạo và đưa vào khai thác phát huy giá trị. Vì vậy lực lượng làm công tác hướng dẫn du lịch, thuyết minh tuyên truyền rất cần được quan tâm bổ sung, đào tạo ngay từ bây giờ. Việc lựa chọn, tuyển mới cán bộ làm công tác thuyết minh, hướng dẫn du lịch phải dựa trên các tiêu chí: Có trình độ chuyên môn, hình thức ưa nhìn, đặc biệt phải có năng khiếu, phát âm chuẩn và phải có sức khỏe tốt. Các hướng dẫn viên và TMV cần phải được đào tạo về kỹ năng nắm bắt được tâm lý của từng đối tượng tham quan, cần phải hiểu biết các quy ước giao tiếp quốc tế và có trình độ ngoại ngữ nhất định.

Khép lại cuộc trao đổi, bà Vũ Thị Tuyết Nga khẳng định: Xây dựng đội ngũ cộng tác viên có chất lượng, đây là việc làm cần thiết đối với đặc thù du lịch mùa vụ như ở tỉnh Điện Biên. Thực tế hàng năm, mùa du lịch Điện Biên lượng khách đông nhất thường tập trung từ tháng 3 đến tháng 8. Để đáp ứng nhu cầu của khách, mỗi ngày cần có ít nhất 20 TMV làm việc. Các tháng còn lại lượng khách ít, chỉ cần duy trì số cán bộ thuyết minh hàng ngày từ 5 - 7 người là đủ. Vì thế, nếu xây dựng được đội ngũ cộng tác viên có chất lượng để đáp ứng cho “mùa du lịch”, sẽ đảm bảo cho mọi đoàn khách đều được cung cấp thông tin, thuyết minh chi tiết về các điểm mà họ tham quan...

Bài, ảnh: Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top