Điện Biên Phủ một ngày trải nghiệm

09:15 - Thứ Năm, 27/10/2016 Lượt xem: 3885 In bài viết
ĐBP - Chuyến bay VN 1704 Hà Nội - Điện Biên của hãng hàng không Vietnam Airlines gần đến giờ bay bỗng nhiên có thông báo hủy chuyến. Tin cáo lỗi phát trên loa khiến hành khách sửng sốt, ai nấy ngơ ngác. Trời cao xanh. Gió nhẹ nhàng. Nắng dịu dàng... Không có lý gì lỗi tại thời tiết. Cũng không thấy hàng không nêu sự cố về kỹ thuật. Hành lý gửi vào băng chuyền cả rồi, kiểm tra an ninh con người cũng xong rồi. Tay cầm vé, chỉ còn đợi giờ ra cửa số 2 và gần 1 tiếng sau sẽ đặt chân xuống sân bay Điện Biên để hưởng nắng gió cánh đồng Mường Thanh rộng nhất miền Tây Bắc, nhìn thấy hầm tướng bại trận, đồi A1 và bao dấu tích khác mình hằng ước ao. Vậy mà máy bay hủy chuyến, chuyển sang chiều hôm sau cũng vào giờ này.

Đoàn chúng tôi là những giáo chức đi thăm chiến trường Điện Biên để mắt thấy tai nghe chiến công lịch sử oai hùng mà cả một đời đứng trên bục giảng mình chỉ ca ngợi qua sách báo, nên dù hoãn chuyến cũng cố chờ bay bằng được. Bởi trở về có nghĩa là khó còn dịp lên Điện Biên - thực hiện một ước muốn cả đời. Ngày hôm sau, sau 3 lần tiếp tục lùi giờ bay thì cuối cùng chúng tôi cũng tiếp đất Mường Thanh lúc 5 giờ chiều với dòng chữ “Cảng hàng không Điện Biên Phủ” hiện ra trước mặt. Tôi giơ máy ảnh bấm vội cho cả đoàn lấy tấm hình có dòng tít địa danh để sau này chứng minh rằng mình đã từng lên Điện Biên bằng máy bay. Mặc dù cán bộ an ninh mặt đất nhắc nhở nhưng 2 kiểu ảnh “để đời” đã nằm trong máy ảnh. Bây giờ ngắm ảnh ấy mới thú vị làm sao.

 

Sau khi được trùng tu, tôn tạo, Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ trở thành điểm đến không thể thiếu với khách thập phương.

Điểm đầu tiên đoàn chúng tôi tới là Nghĩa trang liệt sỹ A1. Lễ mang từ Thủ đô lên thắp hương viếng các anh hùng liệt sỹ có bánh cốm Hà Nội, bánh chưng, giò chả Hà Nội, có thuốc lá Thăng Long và cam Canh ngoại thành. Tất cả những lễ vật này là lòng thành, là chủ ý từ nhà, là lòng tâm tâm niệm niệm rằng đến Điện Biên trước hết là vào nghĩa trang viếng những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây rồi hãy đi đâu thì đi. Chiều tuy muộn nhưng hôm nay mặt trời Tây Bắc còn lấn ná trên đỉnh núi Pu Đen Đinh để chiếu thêm ánh vàng xuống nghĩa trang cho chúng tôi thắp hương khấn vái hương hồn 644 liệt sỹ vô danh và 4 người anh hùng lừng danh tên tuổi là Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện và Trần Can. Không đủ hương thắp hết hàng trăm ngôi mộ, nhưng mỗi nén hương theo tay người cắm vào bát hương trên đài liệt sỹ là gửi gắm cả nỗi niềm tưởng nhớ, biết ơn đời đời. Trong tôi bỗng vọng về bài thơ “Viếng mộ chiều cuối năm” của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn, sao mà đúng với tâm trạng lúc này: “Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội / Nhang trầm một thẻ biết làm sao / Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió / Hương khói đừng quên nấm mộ nào”.

Chúng tôi rời Nghĩa trang liệt sỹ A1 lúc trời cũng vừa sẩm tối. Thành phố trong thung lũng vừa tắt hẳn màu hoàng hôn biên viễn, đó đây nhà nhà đã lác đác lên đèn. Theo đại lộ Võ Nguyên Giáp thênh thang phẳng đẹp như chiếc khăn piêu vắt qua thành phố, chúng tôi về nhà khách Tỉnh ủy Điện Biên do anh bạn người Điện Biên đặt trước giúp cho. Nghe anh kể, những ngày này của năm ngoái, tất cả khách sạn và nhà khách của thành phố Điện Biên chật ắp khách thuê phòng, có nhiều đoàn khách không còn chỗ ở phải vào các bản ngoài thành phố nghỉ ở nhà dân nhưng họ vẫn vui như. Đúng rồi. Năm ngoái kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014), Đảng và Nhà nước chủ trương kỷ niệm lớn nên công tác tuyên truyền khá hấp dẫn. Hơn thế nữa, dân mình vốn yêu nước và tự hào dân tộc, nhân dịp này ai cũng muốn tìm về với trang sử hào hùng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thế là người lên Điện Biên rầm rập như dân công hỏa tuyến qua dốc Pha Đin, vượt đèo Lũng Lô một thời. Có điều khác thời ấy, người lên Điện Biên bây giờ bằng ô tô, bằng máy bay, bằng cả xe máy, thong dong chứ chẳng gò lưng “chị gánh anh thồ” như ngày trước.

Tối ấy chúng tôi ăn cơm ở nhà hàng Ngọc Mai bên hồ và đêm dạo chơi thăm thú các phố trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Đèn điện sáng hết mình từ đường lớn cho tới ngõ hẻm. Cửa hàng cửa hiệu, khách sạn, tiệm ăn, trung tâm thương mại... mở ra sầm uất không khác gì những thành phố lớn dưới xuôi. Vậy là từ vùng đất “Xứ trời” (Mường Then) trong truyền thuyết, đến Mường Thanh, phủ Chiềng Lề, rồi châu Ninh Biên thời nhà Lê và phủ Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841, Điện Biên chỉ là vùng biên cương, biên ải xa xôi hoang viễn không có tên trên bản đồ, không ai biết đến. Thế mà qua chiến công đánh bại Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, Điện Biên đã trở thành điểm chói sáng của lịch sử dân tộc trên vùng cao Tây Bắc và bây giờ là thành phố du lịch với sản phẩm du lịch đặc thù: “Du lịch đỏ” - red tourism - du lịch lịch sử, cách mạng và kháng chiến.

Đúng như vậy. Nếu không có chiến thắng với chứng tích lịch sử hào hùng còn lại như đồi Him Lam, đồi A1, đồi Độc Lập, hầm Đờ Cát cùng với chiến trường chằng chịt giao thông hào và đặc biệt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ của Trung ương Đảng ta... thì có lẽ không nhiều người lên du lịch Điện Biên. Chúng tôi - những nhà giáo và nhà văn đang công tác ở Hà Nội và Sài Gòn - lên với Điện Biên cũng vì mục đích lớn nhất là được tận mắt nhìn thấy chiến trường lịch sử. Chúng tôi rời Mường Phăng lúc xế chiều để xuôi về Hà Nội. Nếu tính từ giờ bay lên chiều qua ở Nội Bài thì mới hết có một ngày. Một ngày cả đi lại, nghỉ ngơi, ăn uống, chứng tỏ chiến trường không rộng lớn lắm, chứng tỏ di tích lịch sử còn lại không nhiều (so với 49 cụm cứ điểm) và chưa thật sự hấp dẫn như mong muốn giữ chân được khách du lịch? Riêng tôi, tôi quan tâm đến những gì gây ấn tượng để người ta ghi nhớ mãi trong đời. Chợt nhớ đến bài viết của một nhà nghiên cứu nào đó tôi từng đọc trong Tạp chí nghiên cứu Văn hóa số 6. Tác giả đề xuất một sản phẩm du lịch tạo thương hiệu điểm đến cho Điện Biên Phủ. Đấy là ý tưởng xây dựng hình tượng lịch sử “Đêm chiến trường”, diễn ra trong không gian thành phố Điện Biên Phủ, trong thời gian đêm mồng 6 chuyển sang ngày mồng 7 tháng 5 hàng năm. Chúng ta sẽ phục dựng, tái hiện hình ảnh một đêm chiến trường khốc liệt đã từng diễn ra ở nơi đây vào những ngày đầu tháng 5 năm 1954. Dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia quân sự và công nghệ, bằng sự hỗ trợ của các trang thiết bị kỹ thuật điện tử cho phép, chúng ta sẽ có một đêm thành phố Điện Biên tối đen chìm trong khói súng, chỉ có ánh sáng từ những quả pháo sáng, đèn dù, ánh hỏa châu loé sáng rồi leo lét cháy, lơ lửng, những làn đạn vạch trên bầu trời, những ánh đèn pha quét rạp trên những mỏm đồi khô cháy, khét lẹt bom pháo. Trên bầu trời thành phố, có tiếng động cơ của các máy bay Đakota thả dù tiếp tế cho tàn quân Pháp đang thoi thóp dưới mặt đất.

Và trong không gian khét lẹt khói súng có ánh chớp lửa lập lòe của những chiếc máy bay vận tải, những vệt đạn đỏ rực nối đuôi nhau bắn lên từ mặt đất. Tại các cứ điểm, tiếng bộc phá, những làn đạn thẳng căng căm hờn và tiếng hô xung phong dậy đất của các chiến sỹ ta... Trong thời gian đó, toàn thành phố tắt điện. Du khách và người dân có thể đến các cứ điểm, các trận địa pháo năm xưa... tham dự các hoạt động tái hiện thời khói lửa. Tại nơi này có đoàn quân đang kéo pháo vào trận địa trong ánh sáng nhập nhòe của đêm chiến trường. Nơi kia, du khách sẽ được xem bộ đội tái hiện cảnh chiến đấu bằng những phục trang, đạo cụ tạo nên những hình ảnh như thật của trận chiến năm nào. Du khách còn có thể đóng vai những anh Vệ quốc đoàn trong trang phục như một chiến binh thực thụ, băng qua những đoạn chiến hào trong tiếng hô xung phong như thác đổ!

Sau một ngày với Điện Biên Phủ, chúng tôi càng thấy ý tưởng của nhà nghiên cứu ấy thật có lý. Bởi chúng tôi chỉ sợ một ngày nào đó, các vết tích thưa dần nơi chiến trường Điện Biên hùng tráng năm xưa. Thế hệ sau chúng ta sinh ra và lớn lên, làm sao họ hiểu câu thơ Tố Hữu: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt / Máu trộn bùn non / Gan không núng / Chí không mòn!” của hàng vạn bộ đội và dân công một thời gian nan, anh dũng làm nên niềm kiêu hãnh tự hào cho Điện Biên hôm nay...

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Mai
Bình luận
Back To Top