Cần chính sách đột phá cho du lịch

09:16 - Thứ Ba, 08/11/2016 Lượt xem: 3453 In bài viết
Theo cơ quan thẩm tra dự án Luật Du lịch (sửa đổi), dự án Luật chưa có chính sách đặc thù, đột phá để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong khi cơ quan soạn thảo cho biết Điều 16 Luật Đầu tư, du lịch là ngành nghề, lĩnh vực không được hưởng ưu đãi.

Chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện- người đứng đầu cơ quan soạn thảo dự án Luật Du lịch nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Du lịch nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch. Đặc biệt là nội dung quy định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng năm 2016 nêu rõ: “Có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao. Tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và bảo đảm an toàn, an ninh. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Khai thác hiệu quả, bền vững các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và giữ gìn vệ sinh môi trường. Phát triển các khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn và chất lượng cao”; “Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển..., du lịch biển, đảo”.

Theo Thống kê của Tổng cục Du lịch, cả nước có hơn 7.400 hướng dẫn viên (HDV) nội địa; trên 9.900 HDV quốc tế. Số lượng này chỉ đáp ứng được lần lượt 15% và 40% nhu cầu thực tế.
Mỗi năm cả nước có khoảng 50.000 sinh viên du lịch ra trường (60% là hệ đại học); nhưng chỉ 5% của hệ đại học, 30% hệ cao đẳng, trung cấp ra trường làm việc gắn với ngành học.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khi thẩm tra dự án Luật cũng đồng tình với lý do sửa đổi dự án Luật Du lịch của Bộ VHTT&DL.

Ông Bình cho biết cơ quan thẩm tra cũng thống nhất với nội dung quy định tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật: “Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để bảo đảm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” nhằm khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của du lịch với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng.

Tuy nhiên ông Phan Thanh Bình cho rằng chính sách phát triển du lịch quy định tại Điều 5 còn chung chung, chưa được cụ thể hóa thành các quy phạm tại các điều khoản cụ thể trong Luật. Dự thảo Luật cũng chưa đưa ra được những chính sách đặc thù, mang tính đột phá để bảo đảm cho du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chưa thể chế hóa sự tham gia của các bộ ngành liên quan để hỗ trợ cho du lịch như một ngành kinh tế tổng hợp.

Do đó, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định pháp luật liên quan về ưu đãi đầu tư (theo Luật Đầu tư 2014), về doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp 2014), đồng thời nghiên cứu chi tiết hóa các chính sách phát triển du lịch, huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch; lồng ghép phát triển du lịch trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tốt tiềm năng du lịch.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết theo Luật Đầu tư 2014, du lịch là lĩnh vực, ngành nghề không được hưởng ưu đãi (theo Điều 16 Luật Đầu tư), nên các quy định về ưu đãi đầu tư tại Điều 6 Luật Du lịch hiện hành không còn phù hợp.

Riêng về ưu đãi phát triển du lịch, cơ quan soạn thảo chỉ nêu Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển du lịch tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm sử dụng lao động, hàng hóa và dịch vụ tại chỗ, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần xác lập rõ vai trò trung tâm, động lực của doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, dự án Luật phải loại bỏ những yếu tố cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý thực sự thông thoáng để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước xây dựng thể chế, chính sách, môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tốt nghiệp trung cấp là được cấp thẻ hướng dẫn viên

Một điểm mới của dự án Luật Du lịch (sửa đổi) là điều chỉnh yêu cầu trình độ chuyên môn của hướng dẫn viên theo chương trình du lịch từ trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch xuống trình độ trung cấp chuyên ngành hướng dẫn du lịch.

Theo dự luật, người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên theo chương trình du lịch phải đáp ứng các điều kiện sau: Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện; có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; đối với người có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành khác trở lên cần có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; sử dụng thành thạo ngôn ngữ đăng ký hành nghề.

Theo Bộ VHTT&DL, quy định mới này dự kiến là một trong những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên trong mùa du lịch cao điểm như hiện nay.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định phân loại hướng dẫn viên theo bậc chuyên môn. Đây là động lực khuyến khích hướng dẫn viên không ngừng phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Cơ quan thẩm tra cũng cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng người có quốc tịch nước ngoài được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu quy định như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng hoạt động hướng dẫn du lịch xuyên tạc lịch sử, văn hóa… ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Trên thực tế, hầu hết các nước trên thế giới không cho phép người nước ngoài được hành nghề hướng dẫn viên du lịch trong phạm vi lãnh thổ.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top