Phát triển du lịch Điện Biên

Vấn đề là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

08:20 - Thứ Tư, 23/11/2016 Lượt xem: 3534 In bài viết
ĐBP - Điện Biên là tỉnh có tiềm năng để phát triển du lịch, tuy nhiên hiện nay ngành “công nghiệp không khói” này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch vẫn còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng... Do đó, để thu hút khách du lịch đến với Điện Biên ngoài việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên (TMV) đang là vấn đề cấp thiết hiện nay...

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện đang quản lý và điều hành 45 điểm di tích thành phần, trong đó 7 điểm đã được cải tạo, chỉnh trang đưa vào phục vụ khách tham quan... Với số lượng các điểm di tích “đồ sộ” như vậy, nhưng hiện nay Bảo tàng mới có 11 TMV hướng dẫn trực tiếp tại các điểm tham quan; đa số TMV đều học trái ngành và chưa qua đào tạo về nghiệp vụ thuyết minh. Đây là thách thức không nhỏ đối với Bảo tàng nói riêng và sự phát triển du lịch của tỉnh ta nói chung. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, quan niệm của người làm quản lý TMV là phục vụ mục đích chính trị, chưa gắn kết với các hoạt động du lịch và xác định đúng vai trò của người hướng dẫn du lịch. TMV tuyên truyền chính là cầu nối đưa nội dung trưng bày, giá trị lịch sử, văn hóa... của các di tích, di sản đến với công chúng và du khách.

 

TMV Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thuyết minh cho du khách tham quan tại Bảo tàng.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cho biết: Để tuyển chọn TMV du lịch có trình độ chuyên môn tốt phải trải qua rất nhiều khâu khắt khe; đòi hỏi TMV phải có năng khiếu, sự hiểu biết, giọng nói, ngoại hình... trong đó, quan trọng nhất là khả năng truyền tải thông tin truyền cảm đến với công chúng và du khách. Nhưng trên thực tế, hiện nay đa số TMV khi được tuyển chọn chưa có trình độ chuyên môn, vốn hiểu biết về các điểm di tích, đặc trưng văn hóa của từng dân tộc còn hạn chế... Điều này, đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng, chưa tạo được phong cách chuyên nghiệp, dấu ấn đẹp đối với du khách khi đến với mảnh đất và con người Điện Biên.

Với những đổi mới căn bản, mạnh mẽ và cách làm du lịch trong thời kỳ mới, cùng với việc trùng tu, tôn tạo và đổi mới phong cách phục vụ... Bảo tàng luôn xác định công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chính là việc cần làm trong lộ trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2015, Bảo tàng đã cử gần 100 lượt cán bộ, công chức, viên chức, TMV, người lao động tham gia các khóa đào tạo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)... tổ chức. Trong đó, chú trọng xây dựng đề án, chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ hướng dẫn viên, TMV; tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các bảo tàng chuyên ngành, như: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... Đặc biệt, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, khai thác thông tin bổ sung cho nội dung các bài thuyết minh thêm phong phú và hấp dẫn du khách.

Cùng với đó, Bảo tàng chủ động tiến hành các cuộc khảo sát thực tế, trên cơ sở đó xây dựng chương trình đào tạo, bổ sung những yêu cầu phù hợp với thực tế du lịch địa phương; thường xuyên sát hạch, đánh giá chất lượng TMV, tập trung vào kiến thức, thái độ phục vụ, khả năng giao tiếp, ứng xử và xử lý tình huống phát sinh... Đối với những TMV chưa đạt yêu cầu, tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo hoặc luân chuyển vị trí. Bên cạnh bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị xác định cần chú trọng mở các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ cho các TMV nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách quốc tế. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại (loa, mic mini...) để tăng hiệu quả công tác thuyết minh, giới thiệu và hướng dẫn. Đặc biệt, cần xây dựng quy chế đối với TMV tại điểm, có những chế độ đãi ngộ hợp lý, bồi dưỡng làm việc ngoài giờ, nhất là đối với những người làm thuyết minh ở điểm di tích, khu du lịch ở vùng sâu, vùng xa nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm công tác, phát huy hết khả năng, trí tuệ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Hy vọng với những đổi mới căn bản và đề ra giải pháp cụ thể, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẽ tạo tiền đề vững chắc để du lịch Điện Biên phát triển, hội nhập với các tỉnh trong khu vực. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở xây dựng thương hiệu du lịch Điện Biên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top