Để hang động Tuần Giáo phát huy hiệu quả du lịch

09:31 - Thứ Sáu, 16/12/2016 Lượt xem: 3805 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện có 3 hang động được công nhận di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, gồm: Hang Thẩm Khương (xã Chiềng Đông), Há Chớ (xã Pú Nhung), Mùn Chung (xã Mùn Chung)... Đây được ví như những “tài sản” vô giá được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho huyện nói riêng, tỉnh ta nói chung. Tuy nhiên hiện nay, việc bảo tồn, khai thác các sản phẩm du lịch từ hang động vẫn chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm…

Hang Thẩm Khương (xã Chiềng Đông) nằm dưới chân núi Hồng Cáy với chiều dài 25m, nơi rộng nhất là 6m, độ rộng mái đá 16m. Nằm ven quốc lộ 279 là vị trí thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm. Đặc biệt, căn cứ vào những phát hiện của các nhà khoa học, như: Cấu tạo văn hóa, bếp nguyên thủy, mộ tầng cùng nhiều di vật đá, xương răng động vật... Với những đặc điểm trên di tích Thẩm Khương được xếp vào loại hình di tích khảo cổ học nên có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá... Tuy nhiên, sau khi được xếp hạng di tích, việc “đánh thức” tiềm năng du lịch trải nghiệm, khám phá từ hang Thẩm Khương nói riêng và nhiều hang động trên địa bàn huyện Tuần Giáo chưa đạt hiệu quả cao.

Ông Đoàn Văn Hợp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo, cho biết: Được xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh nhưng đa phần các di tích, đặc biệt là hang động trên địa bàn huyện Tuần Giáo mới chỉ được đầu tư bảo vệ, khoanh vùng là chính... Nguồn lực kinh phí của huyện còn hạn hẹp nên việc đầu tư phát triển các loại hình du lịch từ hang động là “bài toán nan giải” đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác “xã hội hóa” hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các điểm di tích còn thiếu định hướng cụ thể, chưa khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân... Ở một số địa phương có di tích, ý thức của người dân chưa cao, có điểm vẫn bị xâm phạm, mai một theo thời gian.

Để phát huy tối đa các nguồn lợi, tạo “cú hích” mạnh mẽ trong phát triển du lịch hang động, rất cần sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh và các cấp, ngành trong việc trùng tu, tôn tạo, làm mới các tuyến đường tham quan, hệ thống chiếu sáng trong hang... quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của các hang động, phát triển hạ tầng cơ sở du lịch một cách đồng bộ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, kết hợp với các công ty du lịch giới thiệu hình ảnh kỳ vĩ, nét đẹp hoang sơ của hang động đến với du khách trong và ngoài nước; thông qua nhiều ấn phẩm đa dạng và phong phú về nội dung nhằm huy động nguồn lực “xã hội hóa” du lịch, hấp dẫn du khách đến với hang động. Bên cạnh đó, đảng bộ, chính quyền các địa phương có điểm di tích cần phát huy vai trò, tinh thần và trách nhiệm cao trong việc giữ gìn nguyên vẹn hiện trạng, những nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của hang động; kêu gọi sự đồng thuận của người dân trong việc chung tay bảo vệ các điểm di tích, tránh bị xâm hại, lấn chiếm; thậm chí, cần đưa ra những chế tài xử lý phù hợp để bảo vệ hệ thống hang động. Cùng với đó các thôn, bản cần gìn giữ và phát huy những giá trị và nét đẹp tinh túy từ nền văn hóa cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc, ẩm thực, du lịch thiên nhiên để níu chân du khách đến với địa phương.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top