“Vịnh Hạ Long” trên sóng nước Đà giang

09:35 - Thứ Sáu, 30/12/2016 Lượt xem: 7777 In bài viết
ĐBP - Thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước từ năm 2010, lòng hồ thủy điện kéo dài trên 170km, thuộc địa phận 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Diện tích lòng hồ trên 200km2, có chỗ rộng tới 5km; vào mùa nước những hòn đảo nhỏ tự nhiên hiện ra giữa hồ, các hang động được tạo hóa hàng triệu năm nằm giữa những đỉnh núi cao hàng trăm mét, mùa nước lên tạo thành những cảnh đẹp mà không đâu có được. Nhiều du khách sau khi tham quan lòng hồ Thủy điện Sơn La đã ví đây như “Vịnh Hạ Long” thứ 2 của Việt Nam.

Lòng hồ Thủy điện Sơn La bắt đầu từ thị xã Mường Lay, kéo dài đến xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Du khách tham quan lòng hồ có thể trải nghiệm qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ ngắm cảnh thiên nhiên, hang động đến tham quan các bản của đồng bào các dân tộc dọc theo dòng Đà giang hùng vĩ , hay tham quan các điểm di tích lịch sử như: Khu Dinh thự Vua Thái Đèo Văn Long, Bia Lê Lợi...

 

Mùa nước cạn, càng tô thêm vẻ đẹp hùng vĩ của dòng Đà giang.

Từ thượng nguồn sông Đà, xuôi về hạ lưu, điểm dừng chân đầu tiên du khách đến là khu di tích Bia Lê Lợi được đặt tại xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Nơi đây vẫn còn nguyên bút tích của vị vua khai sinh nhà Lê, năm 1432 sau khi đi dẹp loạn vùng biên viễn Tây Bắc, Vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách núi bài thơ nhằm răn đe những kẻ phản loạn nơi phên giậu Tổ quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt thời bấy giờ.

Càng xuôi dòng, vẻ đẹp hùng vĩ của lòng hồ Thủy điện Sơn La càng cuốn hút khách du lịch ưa khám phá. Từ ngã ba nơi dòng Nậm Na hòa vào dòng Đà giang, qua cầu Hang Tôm - cây cầu treo từng là biểu tượng của tỉnh Lai Châu (cũ), bây giờ được thay thế bằng cầu bê tông, cốt thép. Từ đây du khách bắt đầu được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà mọi người đặt cho “Hạ Long cạn” giữa trời Tây Bắc.

Mặt hồ sóng sánh ánh hoàng hôn êm đềm như dải lụa vắt ngang núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Đi dọc lòng hồ, những bản làng người dân tộc sinh sống ven sông, họ đã hy sinh đất sản xuất, nơi ở cũ vì dòng điện của Tổ quốc. Người dân đã biết chuyển đổi ngành nghề, thay vì gieo cấy lúa nước, giờ đây họ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ và làm dịch vụ cho khách du lịch tham quan. Khách đi du lịch lòng hồ muốn thưởng thức bữa cơm mang phong cách dân tộc sẽ được bà con phục vụ với những món ăn đậm chất truyền thống của từng dân tộc. Họ đã thay đổi tư duy, với cách làm du lịch dù chưa thật chuyên nghiệp nhưng đã phần nào thu hút được du khách. Đêm đến, du khách được ngủ trong những ngôi nhà sàn của người Thái, người Dao, bên bếp lửa hồng, cùng uống rượu và tham gia những vòng xòe đậm chất dân tộc vùng Tây Bắc.

Dọc theo lòng hồ có đến hàng nghìn lồng, bè cá của bà con các dân tộc, họ nuôi, đánh bắt thủy sản. Đêm đến, ánh điện từ những lồng cá sáng lung linh, huyền ảo hắt xuống dòng sông càng tô đẹp thêm cho mặt hồ. Sáng sớm tinh mơ, khi những giọt sương còn chưa tan hết, ánh bình mình vừa ló rạng thì cũng báo hiệu thành quả của ngư dân sau một đêm lao động, đánh bắt cá, tôm. Thuyền cập bến, không biết từ bao giờ, Thủy điện Sơn La hình thành các chợ buôn bán tôm, cá dọc theo lòng hồ. Thuyền to, thuyền nhỏ tấp nập vào bến, với những thành quả của mình sau một đêm lao động, ánh mắt ngư dân ai nấy đều phấn khởi, rạng ngời.

Càng đi xuống hạ lưu, diện tích lòng hồ càng mở rộng. Đẹp nhất có lẽ phải kể đến khu vực cầu Pá Uôn, ở trung tâm huyện Quỳnh Nhai (cũ) tỉnh Sơn La, với những dãy núi đá xen vào nhau như bức tường thành, những hòn đảo nhấp nhô soi bóng xuống mặt hồ xanh biếc, vẽ nên một bức tranh thiên nhiên đầy quyến rũ. Giữa lòng hồ, nơi tiếp giáp 3  tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, người dân vẫn gọi là Huổi Só, những ngọn núi đá vôi cao sừng sững mở ra một vùng nước non hùng vĩ, đẹp đến lạ lùng.

Tại ngã ba sông Đà với sông Nậm Mức, địa danh này vẫn được những lái thuyền kỳ cựu đặt tên là thác 3 chồng. Theo ông Lò Văn Đạt, phường Na Lay, thị xã Mường Lay - người lái thuyền đưa chúng tôi đi tham quan kể lại: Khu vực này trước đây là nơi hợp nhất 2 dòng: Đà giang với Nậm Mức, nước chảy xiết quanh năm, thác ghềnh toàn đá ngầm. Lái thuyền không quen dễ bị lật thuyền vì nước chảy không theo quy luật. Trung bình mỗi năm tại khu vực này xảy ra vài vụ đắm thuyền, ai không may mắn sẽ bị hà bá dìm dưới lòng sông. Nhưng bây giờ lòng hồ lên, thuyền nhẹ lướt băng băng trên mặt hồ. Cũng theo ông Đạt, thì ông đã chở rất nhiều đoàn khách đến tham quan khu vực lòng hồ. Nhưng đến khu vực này ai cũng thốt lên trước vẻ đẹp thơ mộng và hùng vĩ của sông nước Đà giang. Những dãy núi cao vài trăm mét, với những hình thù kỳ quái đã tạo phong thủy hữu tình cho khu vực này.

Hiện nay, khách du lịch tham quan lòng hồ mới chỉ dừng lại ở mô hình tự phát, chưa có đơn vị nào đứng ra tổ chức, vì thế “Vịnh Hạ Long” trên vùng Tây Bắc vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Bài, ảnh: Vinh Duy
Bình luận
Back To Top