Tin ở hoa hồng

14:37 - Thứ Ba, 17/01/2017 Lượt xem: 3663 In bài viết
ĐBP - Chúng tôi lên đồi A1 vào ngày nắng. Cái nắng dễ làm nản lòng người. Đồng hành cùng đoàn, hướng dẫn viên Nguyễn Ngọc Linh của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vừa giới thiệu về các di tích vừa kể những chuyện về xúc cảm của những đoàn khách lên Điện Biên đã đến đây. 

Câu chuyện như đưa chúng tôi thoát khỏi con dốc thoải dưới những tán lá tếch nhanh hơn. Trước mắt bỗng thấy trời xanh trong veo, thanh thoát tiếng cười thiếu nữ giữa một vườn hoa nhiều loại, giữa nắng ngọt và gió đồi phóng khoáng. Tôi không khỏi ngỡ ngàng trước đổi thay trên điểm di tích này. Hướng dẫn viên Linh chia sẻ, đây là một trong những nỗ lực  tự làm mới, làm đẹp thêm cho điểm di tích của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

 
Nguyễn Ngọc Linh là hướng dẫn viên mới, cũng là một trong số ít hướng dẫn viên nam của Bảo tàng. Cậu nói, Bảo tàng bố trí hướng dẫn viên nam là để khách có thêm sự lựa chọn người sẽ đồng hành cùng mình tại các điểm di tích. Không gian mới trên đỉnh đồi khiến chúng tôi chưa muốn rời đi. Nấn ná tận hưởng gió trời và tranh thủ chụp cho mình những tấm ảnh đẹp bên những khóm hoa đủ màu mọc xen giữa những di tích sẫm màu thời gian. Trong không gian thanh bình ấy, chúng tôi gặp cụ già cần mẫn nhặt vỏ chai, lọ và rác khách vô ý để lại. Cụ Mai Sinh, nguyên là chiến sỹ Điện Biên Phủ. Cụ kể mình không trực tiếp tham gia “đánh” đồi A1 nhưng cũng góp phần chia lửa cho đồng đội trên này ở mặt trận Hồng Cúm. 30 năm sau giải phóng Điện Biên, Hội Cựu chiến binh huyện Điện Biên phát động trồng cây trên đồi A1, cụ cùng đồng đội đã trồng trên 200 cây nhãn trên đỉnh đồi này. Khi ấy việc lựa chọn trồng cây gì cũng khá giản đơn. Để vừa cho bóng mát vừa có quả. Và vườn nhãn cũng mang lại nguồn thu nhỏ để các cựu chiến binh Điện Biên Phủ năm xưa có tiền hỗ trợ, động viên nhau trong cuộc sống. Nay xen lẫn giữa những di tích còn nguyên bản và đã được phục dựng, bảo vệ là rặng cây xanh mát và những thảm hoa nhiều loại. Cựu chiến binh Mai Sinh bày tỏ sự trân quý tấm lòng của ban giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng cán bộ nhân viên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong nỗ lực làm mới điểm di tích này. Ông bảo, nếu không trải qua những giây phút sinh tử, những trải nghiệm khốc liệt trong những năm tháng chiến tranh, chứng kiến người phải ra đi vì bom đạn thì không hiểu được sự trân quý ấy đâu.

 

Trên đường xuống mé phía đông đồi A1, Linh chỉ cho chúng tôi những điểm mà tới đây Bảo tàng sẽ đặt hệ thống loa chìm để phát nội dung giới thiệu về từng di tích, điểm di tích; phát những bản nhạc phù hợp giúp du khách vơi bớt mỏi mệt sau hành trình vượt dốc. Ý tưởng là vậy, song để thành hiện thực thì còn phải chờ, bởi nó không chỉ đòi hỏi phải dành nhiều tâm sức mà còn ở kinh phí thực hiện.

Đón chúng tôi ở điểm dừng chân dưới chân đồi, chị Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kể về những ngày đầu sau khi tiếp nhận ý tưởng chỉ đạo trực tiếp của ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về làm mới điểm di tích A1. Ngày đầu gian khó ấy, chị cùng cán bộ điểm di tích đã lăn lộn tìm người hỗ trợ kinh phí, rồi liên hệ với Lữ đoàn 82 cho cán bộ, chiến sỹ tới cùng cải tạo đất đồi và quy hoạch trồng hoa, tạo mặt bằng xây dựng điểm dừng chân… Để ý tưởng thành hiện thực mất chừng nửa năm. Ngày 1/10/2016, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thực hiện khai thác các dịch vụ trải nghiệm cho khách tham quan tại di tích đồi A1. Theo đó, khách tới di tích đồi A1 qua cổng chính hiện nay, tham quan theo lộ trình từ dưới lên trên đồi theo hướng dẫn của thuyết minh viên tại các điểm và trở ra ở cửa phía đông. Tại lối cửa ra, khu vực dịch vụ được bố trí với nhiều quầy hàng bán sản phẩm du lịch mang bản sắc địa phương. Tại đây cũng phục vụ đồ uống. Khách sẽ được trải nghiệm một số dịch vụ như: Tổ chức nấu ăn trên bếp Hoàng Cầm với chủ đề “Bữa cơm chiến sỹ”, đẩy xe đạp thồ vận chuyển hàng hóa, chụp ảnh lưu niệm trong trang phục bộ đội, dân công. Tùy thời điểm, Bảo tàng mời nhân chứng và các cựu chiến sỹ Điện Biên Phủ kể chuyện Điện Biên. Với những hoạt động trải nghiệm này, khách tham quan sẽ nghe thuyết minh về sự kiện, hướng dẫn cách thức thực hiện và tham gia vào sự kiện theo nhu cầu.

Trở ra trên lối đi nhỏ 2 bên hoa chiều tím và tầm xuân bung nở, chuyên gia đào tạo về du lịch của Dự án EU Đỗ Đình Cương - người đang cùng Trung tâm Xúc tiến Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng kỹ năng E - Marketing điểm đến tại Điện Biên khá tâm đắc về cách làm cho điểm đến đầu tiên là đồi A1. Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Sở đang nỗ lực trong công tác điều chỉnh cách thức khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử nhằm thu hút khách tham quan đến với di tích chiến trường Điện Biên Phủ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân. Mô hình ở đồi A1 thành công, Sở sẽ chỉ đạo áp dụng tại các điểm di tích đang phục vụ khách tham quan. Tôi tin rằng, với quyết tâm đổi mới của lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, rồi đây sẽ có nhiều điểm đến thú vị; các điểm di tích sẽ có cách kể những câu chuyện của riêng mình và du khách sẽ thêm nhiều trải nghiệm ở Điện Biên. Niềm tin mạnh mẽ như những đóa tầm xuân trên đất cằn A1 dẫu nhỏ nhoi vẫn lặng lẽ ngát hương.

Bài, ảnh: Nguyên Hà
Bình luận
Back To Top