Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn:

Phải quyết tâm thay đổi, tự làm mới

16:07 - Thứ Hai, 06/02/2017 Lượt xem: 3271 In bài viết
Trong những năm qua, Ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa 11,8%/năm. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch vẫn chưa thực sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh còn hạn chế...

Để Ngành Du lịch phát triển xứng tầm với tiềm năng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TƯ về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là cơ hội lớn nhưng để hiện thực hóa đòi hỏi quyết tâm rất cao, với cách làm sáng tạo, trước hết để làm mới mình, đa dạng sản phẩm du lịch nhằm tăng sức hút, cạnh tranh.

 

Với tư duy, cách làm bài bản cùng sự đầu tư hợp lý, Khu du lịch Tràng An - Bái Đính ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Chưa phát huy hết tiềm năng

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhờ điều kiện tự nhiên và nền văn hóa phong phú, hấp dẫn: 24 di sản thế giới được Tổ chức UNESCO vinh danh, 72 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3.300 di tích cấp quốc gia; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bờ biển dài trên 3.200km với những vịnh, bãi biển và đảo ven bờ được nhiều tổ chức bình chọn là đẹp hàng đầu thế giới như: Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... Uy tín, thương hiệu du lịch Việt Nam được ghi nhận ngày càng rõ nét, thể hiện qua kết quả bình chọn của các tổ chức truyền thông quốc tế có uy tín.

Điển hình là nhật báo The Star của Malaysia đã công bố những điểm đến hàng đầu năm 2015 mà du khách nên tham quan, trong đó Việt Nam giữ vị trí đầu bảng. Danh sách được The Star công bố gồm 5 điểm đến, trong đó "mảnh đất hình chữ S" là đại diện duy nhất ở Châu Á. Năm 2014, Tạp chí Du lịch Travel&Leisure (Mỹ) bình chọn Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách 20 điểm đến tốt nhất thế giới, dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch lẻ...

Hội nhập với thế giới về du lịch, trong khuôn khổ hợp tác du lịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau hơn mười năm tham gia, Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác du lịch cấp Chính phủ với cả 9 nước thành viên khác. Du lịch nước ta đã cùng các thành viên ASEAN ký kết Hiệp định hợp tác du lịch ASEAN với mục tiêu xây dựng cộng đồng này trở thành một điểm du lịch chung hấp dẫn.

Việt Nam và các nước ASEAN đã xây dựng một kế hoạch hành động để triển khai hiệp định, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Du lịch Việt Nam đã cam kết phân ngành dịch vụ lưu trú, cho phép đối tác ASEAN tham gia liên doanh đầu tư trong lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ tổng hợp; cho phép đối tác nước ngoài liên doanh với đối tác nước ta, từng bước tham gia kinh doanh lữ hành quốc tế tại Việt Nam.

Vừa là cơ hội, vừa là thách thức

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị mở ra cơ hội lớn để Ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, bởi Ngành Du lịch nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém, khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

 

Du khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Có thể kể ra những hạn chế: Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch chưa cao; môi trường du lịch, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch vừa thiếu, lại vừa yếu; doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý hạn chế; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy... 

Với những điểm yếu đó, theo người đứng đầu Ngành Du lịch đánh giá, năng lực cạnh tranh của ngành còn hạn chế trong khi cạnh tranh giữa các nước trong khu vực ngày càng gay gắt. Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2015 đã xếp hạng 141 nền kinh tế, thì Việt Nam đứng thứ 75. Đối với các chỉ số cụ thể, Việt Nam đứng thứ 132 về sự bền vững của môi trường; 119 về mức độ ưu tiên dành cho du lịch...

Với xuất phát điểm đó, để thực hiện được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra, Việt Nam cần phải vượt qua cả những khó khăn nội tại và liên ngành. Trước hết, đó là khó khăn đến từ nhận thức. Tư duy về phát triển du lịch với tư cách là một ngành kinh tế tổng hợp còn chưa thống nhất nên du lịch khó có thể vận hành theo quy luật thị trường, không huy động được các cấp, các ngành và các thành phần tham gia. Tiếp đến, các chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch hiện nay đã không còn phù hợp với các quan điểm đột phá của Nghị quyết.

Do vậy, cần có sự điều chỉnh, định hướng, tái cơ cấu lại theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Rồi phải giải quyết các vấn đề liên ngành, nhất là về hạ tầng giao thông và thị thực nhập cảnh. "Năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, nhưng các sân bay quốc tế như Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Đà Nẵng đã có dấu hiệu quá tải... Ngoài ra, chính sách thị thực nhập cảnh chưa thực sự cởi mở, thông thoáng. Hiện tại, Việt Nam đang miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 22 nước, trong khi Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ; Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines đều miễn thị thực cho công dân trên 150 nước và vùng lãnh thổ" - ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Rõ ràng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, chỉ có quyết tâm làm mới mình thì du lịch Việt Nam mới có thể hội nhập và ngày càng vươn xa trên trường quốc tế.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top