Địa danh câu chuyện dài và vô cùng thú vị (bài 3)

08:57 - Thứ Năm, 09/02/2017 Lượt xem: 4183 In bài viết
Bài 3: Sáng 18/01/2017, tại Nhà khách Tỉnh ủy, diễn ra “Hội nghị hội viên năm 2016” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Điện Biên tổ chức. Cũng là sự tình cờ thôi nhưng là “sự tình cờ may mắn”, tôi được ngồi cùng bàn với ông Lò Pánh Cương (dân tộc Thái, trú quán bản Na Vai, xã Pom Lót, huyện Điện Biên). Bằng sự hiểu biết của một hội viên dân tộc Thái chính gốc, ông Lò Pánh Cương “khai sáng” cho tôi nhiều điều về văn hóa Thái nói chung và những vấn đề về địa danh học vùng lòng chảo Mường Thanh nói riêng...

Theo ông Lò Pánh Cương, địa danh vùng lòng chảo Mường Thanh mà trước hết là những địa danh theo ngôn ngữ Thái, là cả một câu chuyện rất dài, rất hấp dẫn và cũng rất khó khăn cho những ai muốn tìm hiểu. Ngay như bản Na Vai (xã Pom Lót, huyện Điện Biên) là nơi cư trú hiện thời của gia đình ông Lò Pánh Cương, nguyên nghĩa (tức nghĩa gốc, nghĩa ban đầu) là bản Nhả Vai, tức khu ruộng có nhiều loài cỏ gai (một loại thực vật thân dây, sức sống rất tốt, ngâm nước bao lâu cũng không chết). Chẳng hiểu sao từ tên gọi Nhả Vai lại thành Na Vai và như vậy, Na Vai không có nghĩa gì cả. Hoặc như tên gọi của bản Na Hai (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) chính gốc là Na Hay. Sau giải phóng năm 1954, các văn bản hành chính viết sai thành Na Hai. Theo ông Lò Pánh Cương, Na Hay nghĩa là khu ruộng khó làm ăn (canh tác) vì có nhiều con ruồi vàng đốt người, còn tên gọi Na Hai không thể hiện đặc trưng gì.

 

Bản Him Lam (thuộc phường Him Lam) hôm nay. Tranh của: Trần Văn Hoa

Lại nhớ một chuyện được xem là “hi hữu” cách đây hơn mười năm: Ngày 30/6/2005 tại kỳ họp bất thường của Hội đồng Nhân dân huyện Điện Biên (khoá XVIII), đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐND, về việc phê duyệt tờ trình đề nghị đổi tên huyện Điện Biên thành huyện Mường Thanh. Với lý do nêu tại Điều 1 của Nghị quyết 05/2005, là: “Tên của huyện Điện Biên và tên của tỉnh Điện Biên cùng trùng tên là Điện Biên, không thuận lợi cho giao dịch và quản lý, gây nhiều thắc mắc không cần thiết cho khách đến thăm và làm việc tại tỉnh Điện Biên”... Và, như chúng ta thấy, vấn đề không “triển khai” tiếp do không được sự phê chuẩn của các cấp thẩm quyền, nên đến tận bây giờ huyện Điện Biên vẫn là huyện Điện Biên chứ không mang tên “huyện Mường Thanh”. Cá nhân tôi thiển nghĩ, cũng may mà câu chuyện “Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐND” được “stop” kịp thời, nếu không lại có “huyện Mường Thanh” trong lòng chảo Mường Thanh. Tức là “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, tránh trùng tên Điện Biên lại lặp tên Mường Thanh! Hơn nữa, theo Nghị định số 117/1997/NĐ-CP ngày 22/12/1997, về việc thành lập thị trấn Mường Thanh (thị trấn huyện lỵ huyện Điện Biên), thì trước đó vùng này đã có ít nhất 2 địa danh Mường Thanh (lòng chảo Mường Thanh và thị trấn Mường Thanh) với vỏ ngữ âm như nhau.

Ông Lò Văn Thâng - nguyên Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tuần Giáo, ủy viên (tư vấn tiếng Thái) của “Hội đồng nghiệm thu kết quả chuẩn hóa địa danh tỉnh Điện Biên” (Quyết định số 1045-2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên) - cho rằng trải qua vô vàn những cuộc binh đao trong quá khứ, Mường Thanh (Mường Then) trở thành lãnh địa của nhiều thế hệ chúa đất. Lịch sử còn ghi chỉ riêng dân tộc Lự đã có tới 19 đời thay nhau cát cứ vùng Mường Then, giờ vẫn thấy đâu đó những mảnh gốm cổ trên đồi Pom Lót (xã Sam Mứn, huyện Điện Biên). Một số truyện kể dân gian Thái cho rằng Mường Thanh là nơi khởi nguyên, khởi thủy của vũ trụ, nơi cội nguồn khai sinh ra loài người. Các truyện kể này đã chỉ ra rất nhiều dấu tích của buổi khai thiên lập địa còn lưu giữ ở Mương Then. Tại phía bắc thung lũng Mương Then có con suối gọi là Huổi Phạ (suối trời). Truyền thuyết Thái kể ngày xưa suối này hung dữ lắm. Bằng con suối ấy, trời đã tuôn nước xuống làm trận đại hồng thủy khiến mọi sinh vật chết ngập trong dòng nước. Sau đó, trời mới sai ải Lậc Cậc xuống khai phá đất đai làm nên bốn bồn địa rộng lớn miền Tây Bắc (tức cánh đồng Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than và Mường Tấc). Trên cánh đồng Mường Thanh còn nhiều dấu tích của cuộc khai sông mở núi kỳ vĩ và vô cùng huyền bí này (núi Pú Khẩu Chí là nắm xôi ải Lậc Cậc ném trâu ăn lúa (nay thuộc xã Sam Mứn - huyện Điện Biên). Sông Nậm Rốm ở Điện Biên quãng giữa không có sỏi đá là do ải sơ ý đánh rơi viên đá lửa nên đã lấy chân “gạt đá về hai đầu sông” để tìm viên đá lửa. Dãy núi phía bắc thung lũng Mường Thanh là những xá cày dang dở của ải Lậc Cậc khi ải bận đi đuổi trâu...).

Hiện nay, trong số 9 đơn vị hành chính của thành phố Điện Biên, có địa danh “Him Lam” và là tên gọi của một đơn vị dân cư cấp phường. Ngày 7/5/1954, ngay lúc chiến trường Điện Biên Phủ còn đang khét lẹt mùi thuốc súng, nhà thơ Tố Hữu đã kịp hoàn thành thi phẩm “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên”. Giữa những câu thơ tự do, thỉnh thoảng lại xen những câu lục bát và cặp câu: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam // Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” được xem như những câu thơ “kinh điển” Việt Nam. Chỉ 14 âm tiết mà có tới 3 địa danh lịch sử được đề cập và đặc biệt, đó là 6 tính từ chỉ màu sắc, trong đó có địa danh “Him Lam” với tính từ “Lam”. Him Lam nguyên gốc là Hin Lăm, một tên gọi theo ngữ âm Thái, có nghĩa là “đá đen”. Sự tích đá đen liên quan đến nhân vật thần thoại ải Lậc Cậc như vừa trình bày ở trên. Về sau, do cách phát âm cứ xa dần, nên Hin thành Him và Lăm thành Lam. Như vậy, nếu xét tới tận cùng của gốc gác từ vựng Thái, thì Him Lam không có nghĩa gì. Thời xa xưa, Him Lam thuộc xã Thanh Tiêng, phủ Điện Biên. Cả thảy 3 lần giặc Pháp chiếm đóng Điện Biên, thì cả 3 lần Him Lam là nơi đóng đồn của chúng.

Lần thứ 3, sau khi nhảy dù tái chiếm thung lũng Mường Thanh (20/11/1953), thực dân Pháp thực hiện chính sách dồn dân vào các trại tập trung. Lòng chảo Điện Biên lúc ấy có 4 trại tập trung, nhân dân Him Lam bị dồn vào trại bản Ten xã Thanh Xương bây giờ. Nơi bản cũ, trên đồi Pháp xây dựng một cứ điểm với hoả lực cực mạnh, đến mức tướng Nava cũng như các cố vấn quân sự Mỹ đều hài lòng cho là “bất khả xâm phạm”. Đó là cứ điểm mang tên Bêatơrixơ, được trấn giữ bởi bán lữ đoàn Lê dương số 13, cùng một số đơn vị nguỵ quân. Dưới bản, theo thông tư 70/E.M ngày 12/12/1953 của Đờcát: “Tất cả những nhà làm bằng tre gỗ của dân chúng tản cư đều phải phá dỡ, vật liệu cho công binh thu về làm hầm trú ẩn”; sau khi những ngôi nhà còn tốt đều đã bị phá và cái gì có thể lấy được đều đã mang đi, lính Pháp phóng hoả bản Him Lam. Một bản Thái lâu đời với gần 100 nóc nhà, giờ chỉ còn đống tro tàn hoang lạnh. Như lịch sử từng ghi, chiều 13/3/1954, tại đây đã diễn ra trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ và ngay trong trận khai hoả này, xuất hiện tấm gương anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai.

Ngày 7/5/1954 Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, nhân dân vùng lòng chảo Mường Thanh trở về quê cũ làm ăn. Từ đống hoang tàn đổ nát, bà con Him Lam gạt nước mắt bắt tay vào việc dựng nhà lập bản, cày ruộng phát nương. Từ trên nền chiến trường còn đầy những mìn chôn đạn giấu, cuộc sống hoà bình nhanh chóng được hồi sinh. Dẫu làng bản còn nghèo, đời sống còn nhiều vất vả, nhưng ta được tự do ca hát, được nhảy điệu xoè Thái cổ truyền với người mình yêu chứ không phải với bọn chúa đất gian tham. Bên chum rượu cần cất vội, cha ngậm ngùi nhắc lại những ngày loạn lạc, một mình cha lang thang khắp đầu non cuối bãi mà vẫn không tìm thấy mấy mẹ con đâu.

Rồi xã Thanh Tiêng được chia làm 3 xã: Thanh An, Thanh Xương và Thanh Minh; bản Him Lam thuộc xã Thanh Minh và là trung tâm hành chính của xã, thuộc huyện Điện Biên. Tháng 4/1992 thị xã Điện Biên được thành lập, trên cơ sở sáp nhập thị trấn Điện Biên và một phần diện tích của xã Thanh Minh, trong đó có bản Him Lam. Ngày 26/9/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 110/2003/NĐ-CP, về việc nâng cấp thị xã Điện Biên lên thành phố Điện Biên. Theo đấy, bản Him Lam là một đơn vị hành chính của phường Him Lam...

(Đón đọc kỳ 4)

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top