Đất nước – Con người

Lễ hội Đền Cửa Ông

14:54 - Thứ Sáu, 17/02/2017 Lượt xem: 5294 In bài viết

ĐBP - Lễ hội Đền Cửa Ông diễn ra vào ngày 3/2 (âm lịch) hàng năm là một trong những lễ hội lớn ở Quảng Ninh, có ý nghĩa văn hóa, kinh tế, xã hội lớn. Di tích Đền Cửa Ông tọa lạc tại phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, đã được xếp hạng cấp Quốc gia.

Đền Cửa Ông là một trong những di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nổi tiếng của vùng Đông Bắc. Thờ chủ thần đền là Đức Ông Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ 3 của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và nhiều tướng lĩnh nhà Trần có công đánh giặc, trấn ải vùng Đông Bắc.

 

Hiện nay, ở Đền Cửa Ông còn lưu giữ 34 pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật cao, được chạm khắc công phu. Trước đây đền được xây thành 3 khu: Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, trên ngọn đồi cao khoảng 100m, nhìn xuống vịnh Bái Tử Long, hai bên có 2 ngọn đồi nhỏ hộ vệ, phù hợp với quy tắc phong thủy: Tả thanh long, hữu bạch hổ. Trước đền Thượng có một tam quan, bên phải là một ngôi chùa, phía sau là lăng của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Do có công lao to lớn với đất nước, ông đã được vua Trần Anh Tông phong tước Hưng Nhượng Đại Vương, khi mất, ông được vua phong là Thượng đẳng Phúc thần và cho lập miếu thờ tại Cửa Suốt. 

Trong đền Thượng được phân bố thành 3 lớp: Tiền đường thờ các tướng: Đỗ Khắc Trung, Lê Phụ Trần, Nguyễn Địa Lô; Bái đường thờ: Trần Quốc Tảng, Trần Thì Kiến, Phạm Ngộ, Trần Khánh Dư; Hậu cung thờ: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Nguyễn Quyên, Nguyễn Tiễn, Huyền Du, Quyên Thánh công chúa. Ngày nay, đền Cửa Ông chỉ còn lại khu đền Thượng, gồm: Đền thờ Trần Quốc Tảng, đền thờ Thánh Mẫu, Lăng Trần Quốc Tảng và chùa thờ Tuệ Trung Thượng sĩ.

Lễ hội Đền Cửa Ông tổ chức ngày 3/2 (âm lịch) hàng năm, với hai phần lễ và hội. Trải qua thời gian dài, Lễ hội được tích hợp nhiều "trầm tích" văn hóa, lịch sử; có giá trị bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục và gắn kết cộng đồng; nuôi dưỡng và phát triển nhu cầu văn hóa tâm linh… Lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương. Du khách đến chiêm bái đền Cửa Ông với tâm thế: Coi nơi đây như chỗ dựa tinh  thần, được bày tỏ tâm nguyện của mình, là cầu quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Những năm gần đây, Khu di tích Đền Cửa Ông đã được quy hoạch lại, phần lớn các hạng mục trong quy hoạch đã và đang được hoàn thiện, khu di tích đã khoác lên mình một diện mạo mới. Đền Cửa Ông trở thành điểm sáng trong cả nước về công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Đặc biệt việc quản lý tiền giọt dầu, công đức tại khu di tích này đang ngày càng khẳng định và phát huy hiệu quả. Đây là điều kiện thuận lợi cho Lễ hội Đền Cửa Ông tiếp tục được duy trì, tồn tại. Việc Lễ hội Đền Cửa Ông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội.

C.Đ (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top