Để du khách không chỉ nhớ Điện Biên khi vào hội

10:22 - Thứ Sáu, 07/04/2017 Lượt xem: 4939 In bài viết
ĐBP - Những hoạt động sôi nổi nhất mở màn cho mùa Lễ hội Hoa ban lần thứ IV đã thành công với hơn 70.000 lượt khách trong và ngoài nước tham dự, tăng hơn 6 lần so với dự kiến ban đầu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Nhưng mỗi năm không chỉ làm du lịch vài ngày, kết quả này chỉ là bước đầu, là động lực để Điện Biên nỗ lực nhiều hơn nữa thu hút và níu chân du khách thập phương, trước mắt là năm 2017 và xa hơn trong những năm tới.

Nhìn từ thành công của Lễ hội Hoa ban năm 2017, Lễ hội đã có nhiều hoạt động “đánh” vào sự quan tâm, thị hiếu muốn tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa bản địa của du khách mà không làm mất đi bản sắc vùng miền. Đó là những màn dân ca, dân vũ, trình diễn lễ hội dân gian các dân tộc trong tỉnh; là các trò chơi truyền thống bắt nguồn từ cuộc sống đời thường, lao động sản xuất của người dân vùng cao. Tại buổi Liên hoan Dân ca, dân vũ, âm nhạc truyền thống các dân tộc được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban, có rất nhiều khách du lịch theo dõi, bật điện thoại ghi lại những bức ảnh, thước hình đẹp. Trong đó, anh Fabien, đến từ Pháp, thu hút sự chú ý đặc biệt của tôi bởi anh có mặt từ khi chương trình bắt đầu, say sưa lắng nghe. Anh chia sẻ: “Khi nghe, xem những bài hát, điệu múa cổ truyền, tôi bị cuốn hút và cảm thấy rất thú vị bởi nó là bản sắc của dân tộc Điện Biên. Chuyến đi này, tôi không chỉ khám phá thiên nhiên mà còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc. Lễ hội Hoa ban giúp tôi thỏa mãn một phần mong ước đó”.

 

Đẩy xe đạp thồ là trải nghiệm thú vị, độc đáo mà người dân và du khách mong đợi trong Lễ hội Hoa ban năm 2017.

Một trong những hoạt động mới của Lễ hội Hoa ban năm nay là phần thi đẩy xe đạp thồ, bởi nó góp phần tái hiện lịch sử, nhắc lại sự anh dũng, kiên cường của những dân công hỏa tuyến tải lương thực lên chiến trường Điện Biên năm xưa. Hoạt động này không chỉ kích thích sự tò mò, thích thú, trải nghiệm của du khách thập phương mà người dân các huyện xa gần trong tỉnh cũng đặc biệt quan tâm. Từ hơn 10 đội đăng ký ban đầu, đến giờ thi có 17 đội tham gia. Anh Giàng A Ly, cùng bạn bè đến từ huyện Tuần Giáo cũng đăng ký đẩy xe đạp thồ. Sau khi đến đích, anh chia sẻ: Vì muốn thử làm người dân công khi xưa nên tôi cùng anh em tham gia. Nhìn đoạn dốc không quá xa, chúng tôi nghĩ sẽ không khó để hoàn thành phần thi vì đã quen đi nương, nhưng sau khi xuất phát mới biết vất vả thế nào. Khi đẩy xe lên đến đích thì mệt không thở nổi. Có trải nghiệm mới càng thêm ngưỡng mộ sự quyết tâm, ý chí kiên cường của những người góp sức giải phóng Điện Biên.

Khi được hỏi mục đích, mong muốn khi đến với Điện Biên, hầu hết khách du lịch trả lời là: “trải nghiệm”. Đó là sự thôi thúc tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống vùng cao, khám phá nét đẹp văn hóa bản địa và được sống trong không gian lịch sử. Năm nay, có thể gọi tháng 3 là mùa lễ hội của Điện Biên, bởi ngay sau Lễ hội Hoa ban mở màn là Lễ hội Phật giáo mùa hoa ban và Lễ hội Thành Bản Phủ - Đền Hoàng Công Chất. Với đa dạng các hoạt động văn hóa truyền thống, tâm linh và tái hiện lịch sử chống giặc ngoại xâm qua các giai đoạn khác nhau, mùa lễ hội này đã đáp ứng được phần nào những mong muốn trải nghiệm của du khách. Các lễ hội còn là cơ hội cho Điện Biên thể hiện mình, để du khách hiểu hơn về mảnh đất, con người nơi đây và giới thiệu cho bạn bè rằng Điện Biên là một mảnh đất lịch sử, bản sắc văn hóa độc đáo, con người vùng cao phóng khoáng, thân thiện… chứ không chỉ kể riêng về một lễ hội nào. Để rồi du khách sẽ lại lên với vùng đất cực Tây Tổ quốc vào mùa đào rừng bung nở, mùa phượng rực đỏ thành phố hay khi dã quỳ đơm bông khắp triền đồi chứ không chỉ lên khi có các sự kiện văn hóa thường niên diễn ra. Mỗi mùa, Điện Biên lại mang 1 vẻ đẹp riêng có thể làm hài lòng du khách.

Để làm được điều ấy sau mùa lễ hội, có lẽ mỗi người dân đều có trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, đồng thời trở thành những người tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương thông qua bạn bè, mạng internet... Về phía cơ quan chuyên môn, trao đổi về việc thu hút khách du lịch sau mùa lễ hội, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nét đẹp Điện Biên đến các tỉnh thành trong cả nước và du khách quốc tế. Đặc biệt với lợi thế năm du lịch quốc gia 2017 “Sắc màu Tây Bắc”, Lễ hội Hoa ban là điểm nhấn, mở màn năm du lịch của tỉnh, qua đây kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều khách du lịch lên với Điện Biên. Về lâu dài, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ phát triển những dịch vụ văn hóa, du lịch mang tính trải nghiệm cho du khách, lấy du khách là trung tâm để tạo ấn tượng đặc biệt. Đồng thời, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, người lao động làm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ có chuyên môn cao hơn, góp phần thỏa mãn nhu cầu của du khách khi đến Điện Biên. Bên cạnh đó, cũng kêu gọi sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, doanh nghiệp cùng người dân địa phương trong việc tuyên truyền và xây dựng hình ảnh Điện Biên đặc sắc, tươi đẹp và mến khách.

Đối với du khách, sức hấp dẫn của mỗi vùng miền tùy thuộc vào những nét đặc trưng riêng có tự mình khám phá ở những góc độ khác nhau. Vì vậy, đẩy mạnh các dịch vụ, hoạt động tạo sự thôi thúc tìm hiểu, trải nghiệm để níu chân du khách. Nhiều người vẫn cho rằng du khách chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” cho thỏa sự tò mò là chính, mà không nghĩ du khách mới là người đánh giá khách quan nhất về môi trường du lịch của địa phương, cũng là người giới thiệu, quảng bá đáng tin hơn cả về một vùng đất, nền văn hóa. Nói điều này để thấy rằng tỉnh ta đang có hướng phát triển du lịch đúng khi lấy du khách là trung tâm nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm hơn nữa để thực sự tạo được ấn tượng đặc biệt, thu hút ngày càng nhiều khách thập phương và đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành thế mạnh kinh tế của tỉnh trong tương lai.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top