Du lịch sinh thái chưa phát huy tiềm năng

08:43 - Thứ Sáu, 14/04/2017 Lượt xem: 5425 In bài viết
ĐBP - Điện Biên có tiềm năng phát triển du lịch khám phá, sinh thái với nhiều cảnh quan đẹp, hang động, suối khoáng nóng, thác nước… Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng, nâng tầm quy mô, hiệu quả giá trị của những “mỏ quặng du lịch” này, góp phần phát triển kinh tế, mang đến thu nhập cho người dân thì còn nhiều việc phải làm.

Đứng cạnh suối nước nóng giữa đồng lúa xanh mướt đang vào giai đoạn tỉa giặm, anh Lường Văn Thanh, người dân bản Pá Vạt 2, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông cho biết: Suối nước nóng này được phát hiện từ lâu, nước tại đầu nguồn có nhiệt độ rất cao, có thể làm chín trứng gà! Tuy nhiên, hiệu quả khai thác thì chưa có. Hiện nay, suối nước nóng này phục vụ nhu cầu dân bản là chính. Vào mùa đông, bà con dẫn nước nóng qua vòi cao su về tắm giặt, có hộ năng động hơn thì làm dịch vụ bằng cách đầu tư thêm đường ống, quây nhà tắm bằng cót ép, phục vụ giáo viên hoặc công nhân xây dựng trên địa bàn với giá dịch vụ là 3.000 đồng/lượt, nhưng mô hình này cũng chỉ mang tính thời vụ, trong mùa rét mà thôi.

 

Khu lòng hồ sông Đà tại Huổi Só (Tủa Chùa) là một trong những địa điểm du lịch sinh thái được du khách ưa chuộng. Ảnh: Mai Phương

Ngoài suối nước nóng trên, xã Mường Luân còn có suối khoáng ở bản Mường Luân 1. Đây là suối nước khoáng đã được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, từng có doanh nghiệp đầu tư nhưng hiện nay đã dừng khai thác vì nhiều lý do. Vì vậy, suối khoáng này hiện cũng chỉ phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ngoài suối khoáng, Mường Luân còn có di tích tháp cổ... Đây là những lợi thế để địa phương có thể khai thác, phát triển dịch vụ du lịch, nhất là du lịch sinh thái, góp phần giúp người dân từng bước thoát nghèo. Nhưng với điều kiện hạn chế về hạ tầng, sự cách trở của địa bàn, thì không biết đến bao giờ khai thác được?

Hiện nay tỉnh ta có khoảng gần 10 điểm suối khoáng, nước nóng, nhưng cơ bản mới được khai thác nhỏ lẻ. Suối khoáng nóng Pe Luông (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) có làm dịch vụ nhưng mang tính chất... “tăng gia” của Đồn Biên phòng Thanh Luông là chính. Suối khoáng nóng bản Sáng (xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo), mặc dù nằm ngay ở huyện cửa ngõ nhưng do hộ cá thể khai thác nên hiệu quả không cao. 

Đó là các điểm sinh thái suối khoáng, còn về những quần thể hang động trên địa bàn, không những chưa được khai thác hiệu quả mà còn gặp phải bài toán nan giải về công tác bảo tồn. Theo thông tin từ phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa  - Thể thao và Du lịch), mặc dù các cơ quan chuyên môn đã khẩn trương xây dựng, triển khai các giải pháp bảo tồn quần thể hang động nhưng chưa hiệu quả bởi sự đầu tư chưa đồng bộ, ý thức của người dân địa phương và du khách còn hạn chế (du khách chủ yếu là giới trẻ đi “phượt”, học sinh, sinh viên đến tham quan theo quy mô nhỏ, chưa được giới thiệu, hướng dẫn các quy tắc, quy định căn bản trong bảo tồn).

Nói về hướng đi cho du lịch Điện Biên nói chung và du lịch khám phá sinh thái nói riêng, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: Tỉnh ta còn nghèo, nguồn ngân sách hạn hẹp, vì vậy xã hội hóa là hướng đi khả thi. Vấn đề mấu chốt để đưa du lịch Điện Biên cất cánh là phải thu hút được những nhà đầu tư quy mô, “ra tấm, ra món”. Muốn làm được như vậy thì ngành chủ quản và các cơ quan liên quan phải tham mưu cho tỉnh những chính sách thu hút phù hợp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top