Công tác đầu tư phát triển ngành du lịch Điện Biên

Để thật sự trở thành “con gà đẻ trứng vàng”

09:29 - Thứ Bảy, 29/04/2017 Lượt xem: 5555 In bài viết
ĐBP - Trong con mắt của hầu hết các du khách cả trong nước và ngoài nước, du lịch Điện Biên hấp dẫn người ta trước hết ở hình thức du lịch lịch sử. Mà du lịch lịch sử ở Điện Biên, đương nhiên không gì khác ngoài lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Chính vì vậy, vấn đề đầu tư kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử trận Điện Biên Phủ, là một hướng đi đúng xét trên nhiều phương diện, cả kinh tế và văn hóa - xã hội...

Trước hết, xin nhắc lại thời gian hơn 10 năm trước, để tiến tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 26/2/2003 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 225/QĐ-TTg: “Về việc phê duyệt dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Giai đoạn I của dự án có số vốn đầu tư 100 tỉ đồng (năm đầu tiên), với những yêu cầu: “Xác định cơ sở pháp lý... Bảo tồn đầy đủ và chính xác các địa danh, chứng tích và sự kiện lịch sử liên quan... Tái hiện mô hình đầy đủ bức tranh toàn cảnh chiến dịch... Tôn vinh Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bằng các hình thức nghệ thuật hoành tráng...”. Từ đó, theo thời gian, nhiều điểm di tích chiến dịch Điện Biên Phủ lần lượt được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Trong tâm thức người Việt Nam nói chung và người Điện Biên nói riêng, cái tên Điện Biên Phủ gợi nhớ một cách kiêu hãnh đến các di tích thuộc “Quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ”, được Bộ trưởng Bộ Văn hoá Hoàng Minh Giám ký quyết định xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia”, ngày 28/4/1962. Quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ gồm các địa danh bất tử: Chỉ huy sở Mường Phăng, Him Lam, Hồng Cúm, Độc Lập, cầu Mường Thanh và các quả đồi A1, A2, C1, C2, Mâm Xôi, Đồi Xanh... 

 

Du khách thăm di tích lịch sử đồi A1.

Về công tác trùng tu, tôn tạo các di tích chiến dịch Điện Biên Phủ, báo cáo thường niên của Ban Quản lý Dự án Di tích Điện Biên Phủ cho thấy các dự án đều đạt được mục tiêu chính đã đề ra là bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích thông qua đó để giới thiệu, tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ, đồng thời góp một phần quan trọng vào phát triển du lịch, tăng thu ngân sách cho địa phương, tôn vinh chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự án đã được Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đánh giá cao, tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách khi lên thăm và làm việc tại Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện không phải tất cả đều thuận lợi mà ngược lại, có những công trình, những hạng mục, vào những thời điểm cụ thể gặp rất nhiều khó khăn, trục trặc về nhiều mặt cả khách quan lẫn chủ quan... Trước hết, đây là dự án khôi phục bảo tồn, tôn tạo một quần thể di tích lịch sử quan trọng với đặc điểm là một di tích chiến trường (chủ yếu là hầm hào, công sự, lô cốt). Phạm vi thực địa (chiến trường) quá rộng, trong khi đó thời gian, sự kiện lịch sử diễn ra đã khá lâu (từ năm 1954 đến nay), phần lớn di tích đã và đang bị mai một, các nhân chứng không còn nhiều, các tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng dự án lại tản mạn và ngay cả khi có tài liệu trong tay cũng phải đối chiếu, kiểm tra độ tin cậy, chính xác khách quan.

Tháng 4/1962, quần thể di tích Điện Biên Phủ được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch) ra quyết định công nhận, tuy nhiên, đó mới là công nhận “đặc cách” chứ chưa có hồ sơ di tích. Do vậy, đến nay việc bảo tồn, tôn tạo một cách toàn diện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Tình hình chung là thủ tục, trình tự để phê duyệt và thực hiện đầu tư dự án lại rất phức tạp; ngoài việc tuân theo Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu, còn phải tuân theo Luật Di sản Văn hoá và Quy chế Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Hơn nữa, phải có đủ hai lần thoả thuận của Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch, đó là thỏa thuận dự án và thoả thuận bản vẽ thiết kế, thi công.

 

Du khách tham quan khu di tích Mường Phăng.

Với quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch địa phương. Gần đây nhất, để triển khai Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngày 11/11/2016 UBND tỉnh có Quyết định số 1421/QĐ-UBND về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đương nhiên đó là những căn cứ pháp lý, là cơ sở thuận lợi để du lịch Điện Biên nâng tầm phát triển. Do còn quá nhiều những khó khăn và bất cập cả về chủ quan lẫn khách quan, cả về lịch sử lẫn hiện tại nên vào thời điểm này mà nói, “không gian du lịch” Điện Biên mới tạm thời tập trung ở lòng chảo Mường Thanh và một vài điểm đơn lẻ khu vực phụ cận.

Để du lịch Điện Biên phát triển xứng tầm, từng có những chuyên gia đề xuất ý tưởng rất hay, về việc phát triển cụm điểm du lịch này thành cụm du lịch bao gồm nhiều tiểu loại hình: Du lịch tham quan, nghiên cứu; phong tục, lễ hội; dưỡng bệnh, nghỉ cuối tuần; vui chơi, leo núi, thể thao mạo hiểm; hội nghị, hội thảo, liên hoan... Đương nhiên để làm được như thế, tức là để du lịch Điện Biên thật sự trở thành “con gà đẻ trứng vàng” , theo chúng tôi, vấn đề trước tiên là phải đẩy nhanh tiến độ trùng tu tôn tạo quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời ưu tiên phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch, như: Phương tiện đi lại; các điểm thu đổi ngoại tệ; hệ thống thông tin liên lạc; các khách sạn cao cấp với hội trường rộng, bể bơi đẹp, sân thể thao tốt, bãi đỗ xe an toàn và thuận tiện... Thiết nghĩ, nếu chỉ có vốn thôi thì chưa đủ mà quan trọng hơn là cần một tầm nhìn xa, cả trong chỉ đạo lẫn trong thừa hành...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top