Người Na Côm làm du lịch

08:45 - Thứ Tư, 17/05/2017 Lượt xem: 5687 In bài viết
ĐBP - Vài năm trở lại đây, hang động Chua Ta thuộc địa phận bản Na Côm, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên nổi tiếng xa gần, thu hút rất nhiều lượt khách đến tham quan. Điều đáng nói là hang động cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ 40km, trong đó có hơn 10km đường mòn, quanh co dốc ngược đi lại khó khăn, lại chưa có điện lưới quốc gia và sóng điện thoại. Chua Ta trở thành điểm du lịch khám phá hấp dẫn du khách như vậy có lẽ không chỉ vì sự hoang sơ, kỳ vĩ do thiên nhiên ban tặng mà còn nhờ cách làm du lịch chất phác, thân thiện của người dân Na Côm.

Đường đến Chua Ta khó khăn, xa xôi nhưng vào mùa khô, nhiều đoàn khách tìm đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của động. Đối tượng không chỉ là các bạn trẻ yêu thích khám phá mà còn có cả các cô, bác trung niên. Đến nơi, họ dừng xe tại nhà dân, nghỉ ngơi uống ngụm nước trắng do chủ nhà hiếu khách mời rồi cùng “hướng dẫn viên” - người dân trong bản tiếp tục cuốc bộ, leo rừng khoảng 20 phút nữa mới tới cửa hang. Hang động Chua Ta được phát hiện từ năm 2004, nhưng 4 - 5 năm trở lại đây, thông qua thông tin đại chúng, mạng xã hội, nhiều người mới biết và đến tham quan. Để đáp ứng nhu cầu du khách, nhóm hộ ở gần hang động (14 hộ) phân công nhau mỗi ngày 1 - 2 gia đình đón và hướng dẫn khách tham quan, đồng thời cũng phân công người trông giữ xe, bảo đảm tài sản cho khách. Vào những ngày cuối tuần, nghỉ lễ, nhóm huy động thêm các gia đình lần lượt dẫn khách vào động. Phí dịch vụ do khách tham quan tùy tâm gửi, không có tình trạng bắt chẹt, ép buộc khách. Đến nay, việc phân công này vẫn được duy trì. Ông Sùng A Dàng, Trưởng bản cho biết thêm: Na Côm còn thành lập Ban Quản lý hang động với sự tham gia của Trưởng bản, đại diện Chi đoàn, Hội Phụ nữ, công an viên, dân quân tự vệ, với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hang động Chua Ta. Hai thành viên Ban Quản lý thường xuyên túc trực tại nhóm hộ gần hang động để thực hiện nhiệm vụ, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, như: Vgây rối, mất an ninh trật tự; khách du lịch có hành động phá hoại thiên nhiên, tài sản, ảnh hưởng đến hang động và cuộc sống người dân trong bản… Nhờ vậy việc quản lý, khai thác hang động trở nên quy củ, hiệu quả hơn.

 

Du khách tham quan hang động Chua Ta.

Đối với người dân Na Côm, khái niệm cung cấp dịch vụ du lịch còn rất xa lạ. Chỉ vài năm trước, nơi đây gần như biệt lập, với vô vàn khó khăn do xa xôi, cách trở. Từ khi hang động Chua Ta được biết đến, đồng bào dân tộc Mông nơi đây mới tiếp cận nhiều hơn với thế giới bên ngoài, vì vậy cách làm dịch vụ của bà con cũng chất phác, chân thành như chính vùng đất hoang sơ này. Không được đào tạo gì về du lịch, thậm chí nhiều người còn không đọc thông, viết thạo nên không có những mẩu chuyện kể phong phú hay giới thiệu thú vị về hang động cho du khách nhưng thái độ ân cần, nhiệt tình của “hướng dẫn viên” đủ để khách tham quan quý mến và tin tưởng. Để vào trong động chỉ có cách duy nhất là khéo léo chui người qua một khe hở rộng chỉ khoảng 60 - 70cm, rồi khom lưng và di chuyển trong tư thế nằm sát nền đất vài mét. Cùng đến tham quan, chúng tôi gặp đoàn khách gần 20 người thuộc nhiều lứa tuổi ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Trong ấy có nhiều người leo bộ gần 1km lên đến cửa hang đã thấm mệt, lại thấy lối vào như vậy thì nản chí, bỏ cuộc, anh Sùng A Sinh - người dẫn đoàn - vừa động viên vừa cam đoan, miêu tả cho khách rằng trong hang động có nhiều phân khu độc đáo, thạch nhũ đẹp với nhiều hình thù sinh động. Khách tò mò và mạnh dạn chui qua cửa động. Anh còn tận tình dìu, giúp một số khách di chuyển qua những chỗ mấp mô, trơn trượt. Anh Sinh cho biết: “Những lối đi nguy hiểm đều đã được chúng tôi đặt cầu tre, tay vịn tạm giúp du khách đi lại đảm bảo an toàn. Trước mỗi khu, tôi đều thông báo địa hình để khách chuẩn bị tâm lý và di chuyển đúng cách. Gần 4 năm tôi dẫn khách tham quan trong hang động chưa từng xảy ra sự cố gì. Bà con trong bản cũng vậy”. Không chỉ dẫn khách, bà con bản Na Côm cũng chú trọng bảo vệ môi trường tự nhiên, luôn nhắc nhở du khách không xả rác bừa bãi, đặt sọt rác trước cửa động và thường xuyên dọn dẹp, thu gom, đốt rác. Anh Trần Mạnh Long (phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) lần đầu đến tham quan hang động Chua Ta, chia sẻ: “Dù đường đi rất xấu khiến tôi có lúc nản nhưng khi dừng xe, khung cảnh nguyên sơ, thanh bình cùng sự chân thành, thân thiện của người dân làm tôi quên đi mọi mệt mỏi. Hang động được người dân bảo vệ, quản lý khá tốt, những nhũ đá lấp lánh tuyệt đẹp, không gian rộng với nhiều “bối cảnh” khác nhau, kỳ ảo, lạ mắt càng khiến tôi cảm thấy sẽ thật tiếc nếu chưa từng đến đây”.

Cũng nhờ những “hướng dẫn viên” bản địa như anh Sinh mà trung bình có 7 - 8 đoàn khách đến với hang động Chua Ta mỗi tuần. Không thể phủ nhận dịch vụ dẫn đường, đồng thời tận dụng lợi thế bày bán nông sản, sản vật địa phương thu hút sự quan tâm, thích thú của du khách đã tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ dân bản Na Côm. Nhưng để làm dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách với bà con nơi đây còn rất xa vời, bởi cơ sở vật chất, điều kiện sống và trình độ dân trí của người dân còn thấp. Cuối năm 2015, hang động Chua Ta được xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh; sắp tới, hang động được mở rộng cửa vào theo đề xuất của UBND huyện Điện Biên sẽ càng thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, khám phá. Vì vậy, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết về dịch vụ du lịch cho người dân Na Côm càng cần được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top