Lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định hoạt động du lịch mạo hiểm

09:37 - Thứ Ba, 06/06/2017 Lượt xem: 5364 In bài viết
Ngày 5-6, Tổng cục Du lịch đã đăng tải trên website vietnamtourism.gov.vn dự thảo Thông tư quy định về du lịch mạo hiểm để lấy ý kiến góp ý của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và những người làm du lịch.

Dự thảo Thông tư gồm 11 điều, quy định việc tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước; các khu, điểm du lịch có hoạt động du lịch mạo hiểm; các doanh nghiệp lữ hành, khách du lịch, các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động liên quan đến du lịch mạo hiểm.

 

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch mạo hiểm (ảnh: internet).

Thông tư xác định rõ đối tượng áp dụng gồm: Sở Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch mạo hiểm trên phạm vi địa bàn tỉnh; các cơ quan, tổ chức nhà nước khác tại địa phương có tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm; các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác các khu, điểm du lịch có hoạt động du lịch mạo hiểm; các doanh nghiệp lữ hành đưa khách tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm; khách du lịch khi tham gia các chương trình du lịch mạo hiểm.

Về hoạt động du lịch mạo hiểm, Thông tư nêu rõ, những hoạt động được xác định là du lịch mạo hiểm gồm: Lái ca nô, lái ca nô kéo dù bay, chèo thuyền kayak, cưỡi ngựa, đi xe đạp địa hình núi, đi trên dây, đu dây vượt thác, săn bắn, lái bè, lặn biển, leo núi, thám hiểm hang động, trượt cát, trượt cỏ, trượt băng nhân tạo, trượt tuyết nhân tạo, thám hiểm rừng rậm, trò chơi trượt máng nước, đi mô tô nước, lướt ván và những hoạt động thể thao mạo hiểm khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL.

Các chương trình du lịch phục vụ khách du lịch có một hoặc một số hoạt động nêu trên tại các khu, điểm du lịch được coi là chương trình du lịch mạo hiểm.

Về khách du lịch tham gia các chương trình du lịch mạo hiểm, Thông tư nêu rõ, khách du lịch có tiền sử bị bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh về đường hô hấp và một số bệnh khác theo khuyến cáo của bác sỹ; những người đã uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích không được tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm. Khách du lịch phải ký cam kết về bảo đảm điều kiện sức khỏe, độ tuổi phù hợp với chương trình du lịch mạo hiểm đã đăng ký tham dự, đồng thời tự chịu trách nhiệm nếu xảy ra bất cứ tai nạn, sự cố nào liên quan tới việc cung cấp thông tin sai về độ tuổi, điều kiện sức khỏe cá nhân hoặc do không tuân thủ hướng dẫn của hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, khách du lịch phải được huấn luyện về kỹ năng, thao tác cần thiết trước khi tham gia chương trình du lịch mạo hiểm; đảm bảo được trang bị đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng cần thiết và có hướng dẫn viên theo dõi, giám sát khi tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm. Khách du lịch được thông báo về lịch trình và phương án di chuyển, sơ tán trong trường hợp khẩn cấp đồng thời được cung cấp các thiết bị hỗ trợ cần thiết và những thiết bị thông tin liên lạc để liên hệ giữa các thành viên trong đoàn và những người liên quan...

 

Vượt thác Datanla ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (ảnh: internet).

Về nhân viên chuyên môn tham gia tổ chức chương trình du lịch mạo hiểm, Thông tư quy định, chương trình du lịch mạo hiểm được tổ chức có hướng dẫn viên trực tiếp tham gia hướng dẫn đoàn khách du lịch trong suốt quá trình thực hiện. Hướng dẫn viên luôn vận động cùng đoàn khách du lịch, ở khoảng cách gần và giữ thông suốt thông tin liên lạc với đoàn khách du lịch. Hướng dẫn viên chương trình du lịch mạo hiểm phải có điều kiện hành nghề hướng dẫn viên theo quy định của pháp luật; có giấy chứng nhận chuyên môn tương ứng với môn thể thao phục vụ khách du lịch trong chương trình du lịch mạo hiểm do Tổng cục Thể dục thể thao hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao cấp hoặc công nhận; có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo về công tác sơ cứu, cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức. 

Trong chương trình du lịch mạo hiểm phải có nhân viên y tế tham gia, phục vụ trong chương trình căn cứ vào quy mô đoàn khách tham gia chương trình và đặc thù của hoạt động thể thao mạo hiểm mà khách du lịch tham gia.

Về vấn đề sử dụng lao động người nước ngoài, các đơn vị kinh doanh và tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm có sử dụng lao động là người nước ngoài phải thực hiện đúng các quy định của nhà nước về lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Về việc tổ chức quản lý, khai thác khu, điểm du lịch nơi tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm, Thông tư nêu, đơn vị quản lý khu, điểm du lịch nơi tổ chức hoạt động du lịch mạo hiểm có trách nhiệm giám sát chặt chẽ các chương trình, hoạt động du lịch mạo hiểm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch mạo hiểm đảm bảo an ninh, an toàn cho các chương trình du lịch mạo hiểm. Bên cạnh đó, cần bố trí bảng nội quy hướng dẫn về công tác bảo đảm an toàn cho khách du lịch; bảng niêm yết các yêu cầu về hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan; biển cảnh báo, chỉ dẫn rõ ràng tại những khu vực khách du lịch dễ nhận biết. Ngoài ra, cần có sổ theo dõi khách tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm, gồm những nội dung chủ yếu: họ và tên người tham gia, số chứng minh nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân, số hộ chiếu, tình trạng sức khỏe, địa chỉ và số điện thoại liên hệ khi cần thiết. Đặc biệt cần bố trí các tổ cấp cứu, trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cần thiết phục vụ chương trình du lịch mạo hiểm được tổ chức tại khu, điểm du lịch; bố trí đội ngũ nhân viên được tập huấn về kỹ năng cứu hộ, cứu nạn...

Về việc tổ chức chương trình du lịch mạo hiểm, Thông tư yêu cầu, chương trình du lịch mạo hiểm được cung cấp cho khách du lịch do doanh nghiệp lữ hành tổ chức hoặc do đơn vị quản lý các khu, điểm du lịch trực tiếp tổ chức phục vụ. Khi tổ chức chương trình du lịch mạo hiểm phục vụ khách du lịch tại khu, điểm du lịch, đơn vị tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm phải bảo đảm sử dụng hướng dẫn viên theo quy định về hướng dẫn viên chương trình du lịch mạo hiểm, sử dụng trang thiết bị đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi tham gia chương trình du lịch mạo hiểm. Trang thiết bị có xuất xứ, chứng nhận, thời hạn sử dụng, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định và cấp chứng nhận về chất lượng, an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật, trang bị hệ thống thông tin liên lạc, dụng cụ y tế, túi thuốc cấp cứu và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, nội dung chương trình du lịch mạo hiểm và giá bán được niêm yết công khai tại văn phòng, địa điểm giao dịch của doanh nghiệp tổ chức chương trình.

Về trang thiết bị, dụng cụ, kỹ thuật hỗ trợ cho các thành viên tham gia chương trình du lịch mạo hiểm, Thông tư nêu, các thành viên tham gia được trang bị các thiết bị, dụng cụ bảo hộ cá nhân phù hợp với hình thức, kỹ thuật vận động, thực hiện của môn thể thao tương ứng. Bên cạnh đó, họ cũng cần được trang bị hệ thống thông tin liên lạc: bộ đàm, bản đồ, sơ đồ chỉ dẫn tuyến du lịch; cách thức nhận diện hệ thống chỉ dẫn đường đi, cảnh báo nguy hiểm trong toàn tuyến du lịch; dụng cụ và túi thuốc sơ cấp cứu. Các trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ phải đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật. Số lượng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ phải đảm bảo phục vụ đúng, đủ số lượng, quy mô đoàn khách du lịch và phải có dự phòng dụng cụ hỗ trợ, trang thiết bị tương ứng số lượng thành viên trong đoàn, do hướng dẫn viên, các nhân viên phục vụ mang theo để kịp thời cung cấp, thay thế ngay lập tức trong trường hợp rơi, mất hay sự cố trục trặc bất ngờ nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Các ý kiến đóng góp cho Thông tư gửi về Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (80 Quán Sứ, Hà Nội).

Theo HNM
Bình luận
Back To Top