Hướng tới xã hội hóa đầu tư khai thác hang động

09:25 - Thứ Sáu, 16/06/2017 Lượt xem: 5486 In bài viết
ĐBP - “Khi được phát hiện và công nhận, các hang động đều rất đẹp. Nhưng sau khi người dân trong, ngoài vùng biết đến và tự do tham quan thì nhiều hang động bị xâm phạm, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ vì chưa được bảo vệ, quản lý nghiêm ngặt” - đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về tình trạng các hang động, danh lanh thắng cảnh được xếp hạng trên địa bàn tỉnh...

 

Khách tham quan hang động Chua Ta, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên.

Tỉnh ta được thiên nhiên ban tặng cho nhiều hang động đẹp, kỹ vĩ, có giá trị thẩm mỹ cao. Nhiều hang động được xếp hạng di tích cấp quốc gia danh lam thắng cảnh, như: Động Pa Thơm, Chua Ta (huyện Điện Biên), Khó Chua La, Xá Nhè (huyện Tủa Chùa), Há Chớ (huyện Tuần Giáo). Với lợi thế này, các hang động được xác định là một trong những điểm đến du lịch của tỉnh nhưng hiện tại, tiềm năng này vẫn còn bị bỏ ngỏ khi chưa được quy hoạch, đầu tư khai thác. Sau khi được xếp hạng, các hang động được giao cho chính quyền địa phương (cấp xã) bảo vệ, quản lý. Có xã thì phân công trách nhiệm cho các đoàn thể hoặc cộng đồng dân cư sinh sống gần di tích, xã lại hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ cho cá nhân hay nhóm người trên địa bàn. Tuy nhiên, trừ động Chua Ta được người dân bản Na Côm, xã Hẹ Muông thường xuyên quản lý, bảo vệ, phân công nhau dẫn đường, đưa khách tham quan thì các hang động còn lại gần như bị bỏ mặc. Điều này không chỉ gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên mà còn dẫn đến việc các hang động bị xâm phạm nghiêm trọng, đồng thời vấn đề vệ sinh môi trường không được giải quyết. Tình trạng này có thể thấy ở động Xá Nhè, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa. Theo biển chỉ dẫn, du khách có thể tự tìm đường, tự do tham quan hang động mà không có người kiểm soát, nhắc nhở. Vì vậy, nhiều người thiếu ý thức không chỉ xả rác trong động mà còn đập phá những thạch nhũ, phiến đá đẹp mang về, làm giảm giá trị thẩm mỹ, ảnh hưởng đến toàn cảnh không gian hang động.

Động Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh đầu tiên trong hệ thống hang động toàn tỉnh (2009) nhưng cũng bị buông lỏng quản lý, dẫn đến hiện trạng động có phần thay đổi, không còn nhiều khối đá, thạch nhũ đẹp như ban đầu. Từ năm 2015, UBND xã Pa Thơm hợp đồng với cá nhân ông Lò Văn Nhúng, bản Pa Xa Lào phát dọn cây cỏ, quản lý, bảo vệ động nhưng thỉnh thoảng ông mới đến kiểm tra. Vào ngày thường, khách vãng lai tự do tham quan, vì vậy vẫn xảy ra một số trường hợp phá hoại bên trong hang động. Ông Nhúng cho biết: “Trung bình 1 năm có 500 - 600 lượt người đến tham quan động Pa Thơm. Chỉ những dịp lễ, tết, tôi mang máy phát điện lên thắp sáng một phần hang động thì mới có mặt tại hang động cả ngày và thu vé khách vào động, nhắc nhở, kiểm soát người tham quan”. Tuy nhiên ông Nhúng cùng gia đình chỉ bán vé vào cửa chứ không cung cấp dịch vụ dẫn đường cho khách vì vậy hầu hết người dân ngoài địa bàn không biết không gian và địa hình trong động nên không khám phá hết được vẻ đẹp kỳ bí của động Pa Thơm. Đây cũng là tình trạng chung của các hang động dù đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn, không có người dẫn đường, không có các tích truyện liên quan đến hang động tạo hứng thú, tò mò cho du khách. Vì vậy khách đến tham quan không mấy người quay lại.

Để phát huy được tiềm năng hang động, cần sự đầu tư không chỉ về hạ tầng giao thông, nâng cao kỹ năng cho những người cung cấp dịch vụ du lịch mà còn cần quy hoạch chi tiết, tận dụng điều kiện tự nhiên phát triển đồng bộ các dịch vụ tổng hợp tại khu vực. Vậy nên việc xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác hang động là tất yếu. Đây cũng là định hướng của tỉnh dựa trên quan điểm phát triển song song với bảo tồn. “Phát súng” đầu tiên cho chủ trương này là tháng 8/2015, UBND tỉnh đồng ý cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Điện Biên khảo sát lập dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái động Pa Thơm. Công ty đã thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm xây dựng dự án. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 100 tỷ đồng với nhiều hạng mục: Khai thác hang động, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng, đồng thời tận dụng Thủy điện Nậm Núa (xã Pa Thơm) đóng đập, đi vào hoạt động để phát triển du lịch lòng hồ thủy điện. Sau khi lấy ý kiến thẩm định của các sở, ngành, đơn vị, tháng 2/2017, các cơ quan chuyên môn liên quan, chính quyền địa phương đã kiểm tra thực địa, nghe nhà đầu tư giải trình một số ý kiến. Hiện tại, theo sự phân công của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho ý kiến thẩm định về dự án, thống nhất một số vấn đề theo Luật Di sản. Nếu dự án được thông qua, có quyết định phê duyệt đầu tư thì động Pa Thơm có thể được quản lý, bảo vệ quy củ và nghiêm ngặt hơn; tiềm năng được khai thác triệt để; thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời tạo xu hướng mới đầu tư khai thác tiềm năng hang động cho các doanh nghiệp trên địa bàn, để các hang động đã xếp hạng phát huy được giá trị, không bị bỏ quên và tàn phá bởi sự thờ ơ của con người.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top