Kỷ niệm Ngày Du lịch Việt Nam (09.07)

Văn hóa tạo nền tảng cho du lịch phát triển

09:38 - Thứ Năm, 06/07/2017 Lượt xem: 5733 In bài viết
ĐBP - Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên - cho biết: Nếu xét về tiềm năng thì Điện Biên có hầu hết các loại hình du lịch. Đó là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm...

Để đưa du lịch trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn”, ngày 23/5/2016, Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Nghị quyết là đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm dịch vụ trọng điểm của khu vực trung du miền núi Bắc bộ vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Điện Biên đón 870.000 lượt khách, trong đó có 220.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 1.500 tỷ đồng. Xây dựng khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang trở thành khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu và sức cạnh tranh mạnh. Đến năm 2030 đón khoảng 1.600.000 lượt khách, trong đó có 350.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt 3.500 tỷ dồng. Phấn đấu đến năm 2030 các ngành dịch vụ du lịch sẽ tạo việc làm cho trên 35.000 lao động, trong đó có trên 10.000 lao động trực tiếp.

 

Đền Hoàng Công Chất (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên), trở thành điểm du lịch văn hóa - tâm linh của du khách muôn phương.

Với bà Nguyễn Thị Phượng - Phó phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - thì Điện Biên là vùng đất của di sản văn hóa và đó là nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú đang được khai thác trở thành những sản phẩm du lịch bền vững trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Giữa di sản văn hóa và nguồn lực phát triển du lịch văn hóa, du lịch bền vững là mối quan hệ nhân quả; không có di sản văn hóa thì không có hoạt động du lịch diễn ra. Muốn phát huy hết nguồn lực, du lịch cần phải dựa trên kho tàng di sản văn hóa, đó là nguồn sức mạnh nội sinh thúc đẩy du lịch phát triển. Việc nghiên cứu, nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa - nguồn tài nguyên du lịch để xây dựng thành các sản phẩm du lịch bền vững trong quá trình hội nhập toàn cầu được xác định là hết sức cần thiết, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Du lịch là chiếc cầu hữu nghị giữa các châu lục, các quốc gia, giữa các thành phần dân cư, không phân biệt màu da, tiếng nói, gắn bó, đoàn kết cùng hợp tác và phát triển.

Bằng kiến thức mấy chục năm trong nghề, lý giải của bà Nguyễn Thị Phượng theo chúng tôi là rất sâu sắc, rất thuyết phục: Hệ thống di sản văn hóa của tỉnh phong phú, tạo nền tảng phát triển du lịch bao gồm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Đối với du lịch, việc khai thác vốn di sản văn hóa phát triển du lịch có thể thực hiện ở nhiều góc độ khai thác đa chiều, đa dạng, đa năng, đa tầng, đòi hỏi việc nghiên cứu, giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phải hết sức chú trọng và luôn được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư để dẩy mạnh ngành “công nghiệp không khói”. Dựa trên cơ sở đặc điểm các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giúp các nhà nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm và nhất là du lịch bền vững.

Với những lợi thế về đặc điểm địa chất, địa mạo, đặc điểm khí hậu, các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn, các di tích lịch sử văn hóa, các giá trị và không gian văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số và là nơi sinh sống của đồng vào dân tộc thiểu số, đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống đến nay vẫn được bảo tồn. Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng có địa hình đồi núi trập trùng, hang động xen kẽ các thung lũng, bãi bồi dọc ven sông, suối ẩn chứa nhiều tiềm năng khoáng sản, suối khoáng nóng, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ trở thành nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, đầy tiềm năng như cánh đồng Mường Thanh, suối khoáng Hua Pe, U Va, động Pa Thơm, hang động Xá Nhè... Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Thời tiết phân hóa mạnh nên du khách đến nơi đây để có thể cảm nhận sự thay đổi của 4 mùa diễn ra trong ngày.

Là nơi hội tụ của 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc tại Điện Biên đều có nét văn hóa, tiếng nói và phong tục tập quán riêng cùng kho tàng văn học nghệ thuật dân gian phong phú tạo nên bức tranh sinh động đa sắc màu hiện hữu, trường tồn trong dòng chảy văn hóa ngàn năm của dân tộc và nhân loại. Vốn di sản văn hóa đó là cơ sở gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, tạo cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và góp phần liên kết giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các quốc gia. Lên với Điện Biên là du khách khao khát tìm về những mái ấm mộc mạc, đơn sơ của nếp nhà sàn xinh xắn với chái nhà hình mai rùa và những khau cút ẩn mình sau vòm cây trĩu quả, bờ tre xanh, ao cá, mảnh vườn nhỏ bên những cánh đồng lúa, trong không gian yên bình ngắm nhìn những sơn nữ xinh đẹp, ngồi thêu may bên thềm nhà. Miền đất này lễ hội diễn ra quanh năm nhưng có thể nói mùa xuân mới là mùa của lễ hội. Các lễ hội truyền thống đã hợp thành kho tàng di sản văn hóa quý báu; đó là nét đẹp văn hóa được hình thành, bảo tồn và phát triển cùng với lịch sử dân tộc và có sức thu hút mạnh mẽ khách du lịch muôn phương.

Hệ thống bảo tàng của tỉnh Điện Biên gồm Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhà trưng bày bổ sung di tích là nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể phong phú, lưu giữ, bảo tồn, trưng bày, tuyên truyền phát huy giá trị các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là những sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học. Bảo tàng giúp công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ tìm hiểu về môi trường và tiềm năng thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa nhằm khai thác và phát huy tiềm năng đó phục vụ sự phát triển toàn diện của tỉnh, đồng thời giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa đã được quan tâm đầu tư để tạo nguồn lực phát triển du lịch văn hóa, du lịch bền vững. Đây là hoạt động văn hóa mang ý nghĩa xã hội thiết thực nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh để thông qua công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch giới thiệu những nét độc đáo, phong phú của di sản văn hóa như: Lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, nghề thủ công truyền thống... nhằm tăng cường mối đoàn kết, gắn bó cộng đồng các dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế. Thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, văn hóa nước ta có cơ hội thuận lợi để tiếp thu tri thức, các nguồn lực và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tinh hoa văn hóa nhân loại vào quá trình sáng tạo các giá trị văn hóa làm cho văn hóa thấm sâu và toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí được nâng lên. Tăng cường hợp tác quốc tế bảo tồn phát huy vốn văn hóa truyền thống, nhân rộng mô hình làng nghề dệt thổ cẩm thông qua nhiều hoạt động thiết thực trong đó có hạng mục đầu tư, hỗ trợ kinh phí phục hồi nghề trồng dâu, trồng bông, các loại cây, quả nhuộm, nuôi tằm, ươm tơ, dệt thổ cẩm; đầu tư xưởng may, xây dựng nhà trưng bày, giới thiệu và bao tiêu sản phẩm của làng nghề trên thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế; phục hồi, bảo tồn nghề truyền thống, thu hút ngày càng nhiều khách tham quan và mua sắm.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, để phát huy các giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, cần gắn với phát triển các sản phẩm du lịch bền vững. Ngược lại, muốn phát triển các sản phẩm du lịch bền vững, cần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa để chúng ngày càng thăng hoa và tỏa sáng...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top