Hướng đi mới cho du lịch trực tuyến

16:50 - Thứ Hai, 10/07/2017 Lượt xem: 3941 In bài viết
Tổng cục Du lịch, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức Ngày du lịch trực tuyến 2017. Đây là sự kiện tầm cỡ quốc gia lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, nhằm đưa ra xu hướng và giải pháp phát triển mới trong lĩnh vực du lịch trực tuyến.

Theo báo cáo về nền kinh tế điện tử (e-economy) của khu vực Đông Nam Á do Google và Tập đoàn Temasek Holdings thực hiện, doanh thu du lịch trực tuyến của Việt Nam năm 2015 ở lĩnh vực vận chuyển hàng không và khách sạn đạt 2,2 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 đạt 9 tỷ USD. Thế nhưng, thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, thanh toán trực tuyến cho du lịch năm 2016 mới chỉ đạt 10%. Trong khi đó, Việt Nam có ưu thế lớn về phục vụ thanh toán trực tuyến, chỉ xét riêng vé khách sạn và máy bay thì chúng ta có trên 18.800 phòng khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

 

Với tiềm năng rộng lớn, nhiều đơn vị nước ngoài như Agoda, Tripadvisor.com, Expedia.com đã vào xây dựng, hợp tác giao dịch trực tuyến tại Việt Nam. Trong nước, khoảng 5 năm trở lại đây, chúng ta mới phát triển đẩy mạnh các sàn giao dịch du lịch trực tuyến nội địa như: Chudu24.com, Ivivu.com, Vinabooking.vn, Mytour. vn, VNTrip, Tripi. 

Ông Lê Hải Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ: "Cách đây 20 năm khi Việt Nam chính thức hòa mạng internet, du lịch là ngành đi đầu về xây dựng trang web. Thế nhưng, dù được hưởng lợi nhiều từ internet nhưng hiện nay du lịch lại đi sau về hoạt động thương mại điện tử phục vụ du lịch trực tuyến".

Chia sẻ tại Ngày du lịch trực tuyến, ông William Nguyễn, đại diện Facebook cho biết, cách đây hơn 10 năm, phương tiện để con người tiếp cận nhiều nhất là ti vi, nhưng giờ đây điện thoại di động mới là ứng dụng hàng đầu. Hiện nay có 21 triệu người Việt Nam đang sử dụng Facebook và đặc biệt 94% số họ truy cập bằng điện thoại di động. 

Theo ông William Nguyễn, bước thứ nhất kinh doanh du lịch cần xây dựng nội dung quảng cáo trên điện thoại khác hẳn trên ti vi. Tiếp đến chúng ta tìm cách thu hút họ đến bằng trang web và Facebook. Cuối cùng là tạo ra sự trung thành cho du khách, nhằm giúp du khách có thể quay trở lại và còn giới thiệu cho người thân và bạn bè... 

Ông Lê Hải Bình dự báo thời gian tới, du lịch trực tuyến gắn với thương mại điện tử sẽ trở thành kinh tế phát triển mạnh mẽ. Các chính sách phát triển du lịch trực tuyến được của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện thuận lợi, vấn đề còn lại là chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ và định hướng chiến lược phát triển. 

Theo ông Nguyễn Bình Minh - Phó Trưởng khoa Thương mại - Điện tử, Đại học Thương mại, Việt Nam có khoảng 20 trường đào tạo về thương mại điện tử, trải dài 3 miền đất nước để phục vụ phát triển kinh tế. Nhưng du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, việc vận hành sàn giao dịch trực tuyến du lịch cũng khó hơn so với các sàn giao dịch khác. Vì thế để phát triển nhân lực thương mại điện tử bổ sung cho các công ty du lịch trực tuyến thì cần phải đào tạo chuyên sâu hơn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top