Phát triển ngành kinh tế “mũi nhọn”

Đầu tư cho sản phẩm “lợi thế”

08:34 - Thứ Tư, 12/07/2017 Lượt xem: 4214 In bài viết
ĐBP - Đến Điện Biên, điều mà du khách mong muốn đó là tham quan, tìm hiểu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ - gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Di tích đó không chỉ là niềm tự hào của vùng đất Điện Biên Phủ anh hùng mà còn được tỉnh xác định là một nguồn lực quan trọng, là sản phẩm chủ lực, nổi bật của ngành du lịch. 

Đầu tư phát triển di tích này sẽ tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đặc trưng của vùng đất Điện Biên Phủ, thúc đẩy và sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” trong thời gian tới. Tuy nhiên trên thực tế, sau 13 năm - kể từ khi thực hiện Quyết định số 225/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ thì di tích này vẫn chưa được đầu tư xứng tầm nên chưa thực sự phát huy hết giá trị lịch sử vốn có.

 

Nhiều sản phẩm thêu dệt truyền thống của đồng bào các dân tộc được giới thiệu trưng bày thu hút đông đảo người xem. Ảnh: Đức Linh

Thừa nhận điều này, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Toàn bộ di tích Chiến trường Điện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần đã được công nhận xếp hạng. Những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được các bộ, ngành Trung ương và tỉnh đặc biệt quan tâm và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí bố trí chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế, cùng với một số yếu tố khách quan khác nên đến nay mới chỉ thực hiện được việc khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo, phục hồi và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch tại một số điểm di tích, như: Cứ điểm Đồi A1, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hầm Đờ - cát, các vị trí xe tăng, điểm pháo 105mm); tôn tạo Đồi D1; di tích đường kéo pháo bằng tay và trận địa pháo của bộ đội ta; trùng tu tôn tạo và phục hồi một phần Trung tâm Đề kháng Him Lam... Còn lại 17 di tích chưa được cắm mốc bảo vệ. Di tích chiến trường Điện Biên Phủ với đặc thù được hình thành từ những vật liệu thông dụng, kém bền vững lại chịu tác động của điều kiện tự nhiên dễ bị phá hủy, xuống cấp theo thời gian. Mặt khác, chưa tái hiện được đầy đủ, chi tiết bố trí hệ thống phòng thủ và phục vụ chiến đấu tại các điểm đặc biệt quan trọng này. Nhiều điểm di tích có liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ chưa xác định được dấu tích do thiếu tư liệu và nhân chứng nên chưa được đưa vào danh mục bảo tồn (các vị trí tập kết lực lượng tấn công, vị trí hỏa lực, trọng pháo, pháo cao xạ...); khu vực hậu cần, cứu thương của quân đội ta... Vì vậy, chưa thể hiện được quy mô, sự hiệp đồng tác chiến của các quân, binh chủng của quân đội ta. Đây cũng là nguyên do khiến ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ tham mưu cho tỉnh trình Bộ Chính trị thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Điện Biên xác định, trùng tu, tôn tạo và khai thác hiệu quả di tích chiến trường Điện Biên Phủ sẽ tạo nền tảng đưa du lịch Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước. Theo hướng, bảo tồn nguyên trạng những dấu tích còn lại trên toàn bộ các điểm di tích đã được ghi nhận, đồng thời tập trung cho công tác lập hồ sơ di tích, tư liệu hóa, tiến tới phục dựng lại những chi tiết, cảnh quan trên một số điểm di tích quan trọng. Tổ chức không gian TP. Điện Biên Phủ hợp lý, hạn chế phát triển các công trình công cộng và các điểm dân cư quanh khu vực có các điểm di tích, hướng tới di dời những công trình không phù hợp trả lại không gian cho di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Đầu tư các công trình, hạng mục trưng bày bổ sung, các công trình mang ý nghĩa tâm linh, tôn vinh chiến thắng tại một số điểm di tích phù hợp, như: xây dựng Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu lưu niệm các anh hùng liệt sỹ tại di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam và Đồi A1… Đầu tư phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đi đôi với khai thác các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, các bản đồng bào dân tộc có yếu tố truyền thống gắn với cuộc chiến và các giá trị sinh thái thuộc khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang nhằm phát huy giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái khu du lịch tạo nên sự đa dạng về sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh Tây Bắc mở rộng xây dựng tuyến du lịch, chương trình du lịch; liên kết với một số địa phương có các khu du lịch có tính chất tương đồng, phản ánh lịch sử chiến tranh hào hùng của dân tộc, tạo ra chương trình du lịch “thăm lại chiến trường xưa”… Phấn đấu đến năm 2020, có 100% số điểm di tích thành phần đã được kiểm kê, xác minh và có hồ sơ khoa học; 100% các điểm di tích đã công nhận được khoanh vùng, cắm mốc bảo vệ; 25% số điểm di tích thành phần hoàn thành công tác tu bổ và tôn tạo. Khu du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia. Lượng khách đến tham quan các điểm di tích đạt trên 650 nghìn lượt khách; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.500 tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động (trong đó, hơn 5,5 nghìn lao động trực tiếp).

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top