Xây dựng điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn

14:21 - Thứ Hai, 28/08/2017 Lượt xem: 5014 In bài viết
Đã qua 2/3 chặng đường để ngành Du lịch đi đến mục tiêu đột phá trong năm 2017: Tăng trưởng đạt 30%, thu hút trên 13 triệu lượt khách quốc tế. Những tháng còn lại của năm, toàn ngành phải chuyển động mạnh mẽ hơn, xây dựng điểm đến hấp dẫn và an toàn, qua đó tạo đà phát triển bền vững.

Mục tiêu khả thi

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng nước ta đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Trong 7 tháng của năm, toàn ngành đạt mức tăng trưởng chung 30,2%, thu hút 7,24 triệu lượt khách quốc tế. Riêng tháng 7 đã có 1,04 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là thành tích đáng ghi nhận, bởi theo nhận định của các chuyên gia, từ tháng 5 đến tháng 9 là thời gian thấp điểm khách quốc tế, nhưng bù lại, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh do học sinh nghỉ hè.

 

Du khách tham quan Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Đóng góp vào thành tích chung đó, ngành Du lịch Thủ đô đã nỗ lực vượt bậc trong thời gian qua. Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, 8 tháng của năm 2017, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 16,1 triệu lượt người, trong đó, khách quốc tế khoảng 3,2 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch đạt gần 48.000 tỷ đồng, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế Thủ đô. Các khu, điểm đón khách du lịch quốc tế tăng khá so với năm trước là đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Khu di tích danh thắng Hương Sơn… 

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải nhận định, có được thành tích bứt phá như vậy của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng là do sự chỉ đạo quyết liệt cùng sự vào cuộc của cả xã hội và nỗ lực không ngừng của toàn ngành. Đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TƯ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là quyết định lịch sử để ngành Du lịch "cất cánh". Tháng 6-2017, Quốc hội thông qua Luật Du lịch sửa đổi với nhiều nội dung phù hợp tình hình thực tiễn, kích thích ngành Du lịch phát triển. Việt Nam cũng vừa tổ chức thành công Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017, đem lại nhiều cơ hội kết nối quốc tế cho du lịch nước nhà. Ngoài ra, ngày 25-1-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và tháng 6 vừa qua, công dân 5 nước Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha) tiếp tục được miễn visa đến Việt Nam, càng thúc đẩy thị trường khách quốc tế phát triển.

Ngành Du lịch Thủ đô cũng tạo được chuyển biến tích cực từ chiến lược đúng đắn, thiết thực trong Nghị quyết 06-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 26-6-2016 về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 207/KH-UBND, ngày 11-11-2016 triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và Kế hoạch 42/KH-UBND ngày 23-2-2017 về phát triển du lịch TP Hà Nội năm 2017 để đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Duy trì bền vững

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, với mức tăng trưởng trên 30% như 7 tháng qua thì mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Du lịch trong năm 2017 là hoàn toàn khả thi. Cùng chung nhận định, Phó Giám đốc Công ty TransViet Nguyễn Tiến Đạt lý giải, từ cuối tháng 9 trở đi là thời gian du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhất, đặc biệt khách tại các quốc gia ôn đới có khí hậu lạnh, thường có xu hướng di chuyển đến những nước xứ nhiệt đới như Việt Nam. Hơn nữa, nước ta được khách quốc tế ưa thích còn bởi những bãi biển cát trắng tuyệt đẹp, mức độ an toàn cao và chi phí thấp.

 

Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (thuộc huyện Mỹ Đức - Hà Nội) luôn thu hút rất đông du khách.

Để duy trì đà tăng trưởng và đạt được mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao, ngành Du lịch cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả nhanh. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đưa ra 4 nhóm giải pháp. Đó là, xúc tiến mạnh các chương trình quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài, nhất là ở những thị trường đang tăng trưởng khách quốc tế cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á… Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trọng điểm về du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng... để xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng và phù hợp. Chấn chỉnh ngay các dịch vụ yếu kém, hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, vận chuyển gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Ngành Du lịch sẽ làm việc với các cơ quan hàng không, hãng hàng không để phối hợp nâng cao chất lượng dịch vụ, thông thoáng thủ tục với khách quốc tế.

Với ngành Du lịch Thủ đô, để đạt mục tiêu đón 23,6 triệu lượt khách, trong đó có 4,3 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp vào mục tiêu 13 triệu lượt khách quốc tế của cả nước trong năm 2017, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải xác định, trong những tháng tiếp theo phải tập trung phát triển thế mạnh du lịch văn hóa, lịch sử. Cơ quan quản lý, địa phương, giới truyền thông và doanh nghiệp phải kết hợp chặt chẽ hơn để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, có chiều sâu, đưa lại lợi ích cho cộng đồng như du lịch làng nghề, ẩm thực, sinh thái; du lịch liên tuyến Hà Nội - Ninh Bình - Quảng Ninh… bên cạnh những sản phẩm du lịch tại khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Để tăng lượng khách lưu trú và chi tiêu tại Thủ đô, các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng cần cải thiện dịch vụ, liên kết với các đơn vị lữ hành tạo tour du lịch đặc biệt dành cho khách tham gia sự kiện, hội nghị tại Hà Nội có nhu cầu kết hợp tham quan.

Ngành Du lịch Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Song, để duy trì vững vàng, phải có sự quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân trong việc xây dựng điểm đến vừa hấp dẫn, vừa an toàn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top