Xây dựng thương hiệu du lịch vùng nhưng vẫn giữ được đặc trưng của địa phương

08:28 - Thứ Sáu, 15/09/2017 Lượt xem: 4643 In bài viết
ĐBP - Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (TBMR) trong 6 tháng đầu năm 2017 là hơn 13,6 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế gần 4,2 triệu lượt. Riêng Điện Biên đón tiếp trên 311 nghìn lượt khách, tuy tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với nhiều tỉnh trong vùng. Có lẽ Điện Biên cần nỗ lực hơn nữa để vừa chung sức xây dựng thương hiệu du lịch các tỉnh TBMR mà vẫn giữ được màu sắc riêng, đồng thời phát huy thế mạnh, tiềm năng để lôi cuốn, níu chân du khách thập phương.

 

Cuộc thi Người đẹp Hoa ban các tỉnh Tây Bắc mở rộng là điểm nhấn trong khuôn khổ Lễ hội Hoa ban năm 2017, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo du khách.

Từ năm 2008, 8 tỉnh TBMR (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ) đã thỏa thuận liên kết xây dựng thương hiệu du lịch vùng với 4 lĩnh vực hợp tác: Cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và phát triển nguồn nhân lực. Sau nhiều năm nỗ lực, các điểm đến trong khu vực, các tuyến du lịch theo vòng cung TBMR ngày càng hấp dẫn được nhiều du khách quan tâm, trải nghiệm. Trong liên kết vùng, 8 tỉnh TBMR chú trọng xây dựng các tuyến du lịch song phương và đa phương giữa 2 tỉnh và giữa toàn vùng. Đặc biệt xác định Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Điện Biên Phủ (Điện Biên) và Đồng Văn (Hà Giang) là những điểm du lịch mạnh, có sức hút đối với khách du lịch trong và ngoài nước, cần xây dựng trở thành những điểm có sức lan tỏa đến du lịch toàn vùng. Điện Biên có thế mạnh về du lịch lịch sử với quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu”. Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Tham gia liên kết vùng, Điện Biên không chỉ phát huy thế mạnh loại hình du lịch lịch sử mà còn cùng với các tỉnh trong khu vực tạo nên không gian văn hóa Tây Bắc đặc trưng với sự đa dạng sắc màu dân tộc, các giá trị truyền thống lâu đời. Cùng với đó, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái... cũng được khai thác để níu chân du khách trên cung đường Tây Bắc. Cuối tháng này, các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình còn phối hợp thực hiện chuyến khảo sát và tìm hướng xây dựng tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đường thủy sông Đà. Tuy không mới lạ nhưng trước đây du lịch đường thủy vùng TBMR nói chung, Điện Biên nói riêng chưa được khai thác xứng với tiềm năng và chưa có cơ chế kết nối, được định hướng, đầu tư bài bản, rõ ràng để mang lại kết quả thực sự.

Muốn đẩy mạnh được liên kết vùng, vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch cũng là yếu tố quan trọng. Trước đây, các tỉnh “đơn độc” trong công tác này, nhưng từ khi thực hiện liên kết 8 tỉnh TBMR đã xây dựng website chung (dulichtaybac.vn) cung cấp các thông tin du lịch bằng song ngữ Việt - Anh, đồng thời hợp tác tham gia nhiều hoạt động truyền thông, giới thiệu, xúc tiến du lịch đạt được hiệu quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, các tỉnh TBMR đã cùng tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội; trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hoá - du lịch tại Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào tại Sơn La; Lễ hội Hoa ban tại tỉnh Điện Biên; Liên hoan Làng nghề Hà Nội... Với sự gắn kết mang tính chất vùng, hoạt động của 8 tỉnh TBMR được quan tâm, chú ý nhiều hơn tại các sự kiện. Ông Phạm Văn Thăng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội, gian hàng du lịch chung của 8 tỉnh TBMR được bố trí quy mô, bài trí nổi bật, thể hiện đặc trưng khu vực mà vẫn nói lên được thế mạnh, nét hấp dẫn của từng tỉnh. Gian hàng đã thu hút rất nhiều du khách đến tìm hiểu và được vinh danh trong top 5 địa phương trong cả nước đoạt giải gian hàng quy mô và ấn tượng. Sắp tới, các tỉnh còn dự kiến tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch vùng tại một số tỉnh Bắc Thái Lan. Nhờ liên kết vùng, 8 tỉnh TBMR còn tranh thủ được sự hỗ trợ, đầu tư của nhiều tổ chức, đặc biệt là Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV và các dự án EU trong tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng thương hiệu, quy hoạch điểm, tuyến du lịch, nâng cao kỹ năng, chuyên môn cho cán bộ văn hóa - du lịch và cả người dân bản địa...

Bên cạnh cơ chế, định hướng, quảng bá, xúc tiến du lịch vùng, các tỉnh TBMR còn liên kết nghiên cứu xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi địa phương. Tuy nhiên với đặc điểm vùng cao, cộng đồng dân tộc thiểu số có nhiều nét tương đồng nên sản phẩm du lịch các tỉnh na ná giống nhau. Do đó, không lép vế trước các tỉnh bạn, Điện Biên đã xây dựng được thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh hoa ban và Lễ hội Hoa ban, vừa mang vẻ đẹp thiên nhiên, đặc trưng văn hóa Thái lại mang giá trị lịch sử bởi trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra vào thời điểm ban nở trắng rừng. Tuy nhiên để không bị mờ nhạt với các cánh rừng ban khắp núi rừng Tây Bắc và thu hút nhiều khách du lịch đến với lễ hội hơn nữa thì Điện Biên còn phải học hỏi nhiều điều từ các tỉnh bạn.

Có thể khẳng định việc liên kết phát triển du lịch vùng đem lại nhiều cơ hội cho 8 tỉnh TBMR. Đặc biệt 2017 là năm Du lịch quốc gia Lào Cai - Tây Bắc, các lợi thế vùng miền càng được phát huy. Đối với riêng Điện Biên, những lợi ích của việc liên kết phát triển du lịch là không thể phủ nhận. Dự kiến năm 2018, Điện Biên nhận trọng trách Trưởng nhóm Hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh TBMR, sẽ thêm nhiều thách thức nhưng cũng tạo không ít cơ hội cho du lịch địa phương. Có lẽ để bứt phá hơn trong định hướng phát triển này, Điện Biên cần ưu tiên, quan tâm hơn nữa đến vấn đề hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng. Và phát huy hết tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh một cách đa dạng, đa sắc màu, sống động, lôi cuốn du khách hơn mà vẫn giữ được đặc trưng riêng của mình.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top