Du lịch cộng đồng ở Mường Lay

Thực tế còn xa với kỳ vọng

08:49 - Thứ Sáu, 15/09/2017 Lượt xem: 5106 In bài viết
ĐBP - Sau công cuộc tái định cư, với lợi thế về quy hoạch bài bản, nhà cửa khang trang và thiên nhiên “sơn thủy hữu tình”, Mường Lay được kỳ vọng sẽ là điểm du lịch cộng đồng có sức hút đối với du khách. Nhưng trên thực tế, đến nay tiềm năng này vẫn chưa phát triển được bởi nhiều nguyên nhân.

“Bản trong phố” - điểm cộng nhưng cũng là điểm trừ

Đi trên quốc lộ 12 nhìn xuống Mường Lay, du khách dễ bị xiêu lòng, níu chân dừng lại ngắm nhìn những dãy nhà sàn thẳng tắp, quần tụ; những mái ngói đá đen truyền thống xếp lớp nổi bật. Mặc dù là trung tâm thị xã, “bản trong phố, phố trong bản” nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được kiến trúc nhà sàn của ông cha, tạo nên không gian sống mộc mạc xen lẫn hiện đại. Đây là điểm đặc trưng của thị xã nhỏ nhất cả nước này. Bên cạnh đó, những tín ngưỡng, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của người dân tộc Thái trắng nơi đây vẫn còn được gìn giữ khá tốt, như: Lễ hội Kin pang then, đua thuyền đuôi én, ẩm thực, nhạc cụ truyền thống... Đặc biệt, người dân bản địa rất có ý thức gìn giữ, lưu truyền dân ca, dân vũ truyền thống. Cả thị xã có 34 đội văn nghệ thuộc các bản thường xuyên luyện tập. Nhiều đội văn nghệ hoạt động rất tích cực, chủ động sưu tầm, phục dựng các bài múa truyền thống từ xa xưa và biểu diễn phục vụ khách du lịch và các sự kiện, lễ hội địa phương.

 

Hình ảnh những mái nhà sàn truyền thống với thiên nhiên “sơn thủy hữu tình” dễ làm xiêu lòng du khách.

Du lịch cộng đồng cũng được xác định là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của thị xã. Điều đó được thể hiện bằng việc thị xã đã tổ chức đoàn bao gồm lãnh đạo các phường, xã, trưởng bản, cán bộ văn hóa đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các bản văn hóa du lịch trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và hàng năm đều tổ chức tập huấn cách đón tiếp, phục vụ khách cho người dân các bản trên địa bàn. Vì vậy có nhiều hộ dân, chủ yếu tại các bản: Quan Chiên, Na Nát, Nậm Cản (phường Na Lay) đáp ứng đủ điều kiện phục vụ khách đến lưu trú, ăn uống, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Nhiều lợi thế như vậy nhưng đến nay du lịch cộng đồng tại Mường Lay vẫn giậm chân tại chỗ. Khi được hỏi về lượng khách đón tiếp trong một năm, câu trả lời chung của các bản là: “gần như không có”. Chỉ năm 2016, Lễ hội Đua thuyền đuôi én được tổ chức quy mô lớn, các khách sạn trên địa bàn không đủ sức chứa, vì vậy nhiều đơn vị được bố trí nghỉ tại nhà dân. Còn sau đó, các bản hiếm có cơ hội đón tiếp thêm đoàn khách nào. Ông Lường Văn Hoàn, Trưởng bản Nậm Cản, cho biết: Thời điểm bắt đầu phát triển mô hình du lịch cộng đồng, người dân trong bản rất hào hứng, gần một nửa số hộ trong bản có khả năng đón tiếp khách. Trong dịp Lễ hội Đua thuyền đuôi én năm 2016, gần 10 hộ dân bản Nậm Cản có khách đến lưu trú. Đầu năm nay, 1 cơ quan tổ chức tập huấn với số lượng người lớn không đủ chỗ ngủ nghỉ nên nhờ một vài hộ trong bản giúp đỡ. Ngoài ra thì không có lượt khách du lịch nào khác đến bản cả. Vì vậy, không còn nhiều hộ muốn tham gia mô hình này nữa.

Lý do đầu tiên cho việc du lịch cộng đồng tại Mường Lay không phát triển được có thể kể đến là không gian sống tại khu dân cư bị bó hẹp. “Bản trong phố” vừa là điểm cộng nhưng cũng là điểm trừ trong loại hình du lịch này. Bởi nếu khách ngoài địa bàn có nhu cầu đến sử dụng dịch vụ thì họ không chỉ muốn trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa mà còn muốn hòa mình vào không gian sống, sinh hoạt văn hóa đậm chất truyền thống của nơi đây. Điều này, các bản của Mường Lay khó đáp ứng được bởi hầu hết các gia đình đều xây tường bao ngăn cách với các nhà xung quanh, làm mất đi không gian sống thoáng đãng, liên kết như bản người Thái trắng trước kia. Hơn nữa khi tái định cư, mỗi hộ dân được chia 300m2 đất ở, với diện tích này, sau khi làm 1 ngôi nhà sàn truyền thống, đất trống còn lại không nhiều. Không gian chật hẹp nhưng vì nhu cầu cuộc sống, người dân vẫn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm. Vì vậy một số khu dân cư không đảm bảo vệ sinh môi trường, bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi. Đây là một trong những điều cản trở du lịch cộng đồng hút khách.

Du lịch chưa phát triển đồng bộ

Bỏ đi yếu tố không gian sống chật hẹp nêu trên, nếu du khách đến với Mường Lay, ngoài thăm thú cảnh sắc, giao lưu cùng bà con dân bản cũng rất hạn chế về điểm tham quan, vui chơi. Các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn Mường Lay vẫn chưa được khai thác. Năm 2016 có khoảng 12.000 lượt khách đến với Mường Lay nhưng chủ yếu vào thời điểm diễn ra Lễ hội Đua thuyền đuôi én và đến, đi trong ngày, không lưu trú lại. Mường Lay còn có tiềm năng về du lịch sông nước nhưng cũng chưa có cá nhân, đơn vị nào đầu tư phương tiện giao thông đường thủy, mở dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách. Cõ lẽ chỉ khi nào các tuyến, điểm và dịch vụ du lịch phát triển đồng bộ, thu hút khách du lịch đến với Mường Lay vào nhiều thời điểm trong năm và dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, trải nghiệm mảnh đất này thì du lịch cộng đồng mới có thể phát triển.

Trao đổi về việc làm thế nào để không lãng phí tiềm năng du lịch cộng đồng địa phương, bà Trần Thị Hương Giang, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX. Mường Lay, cho biết: Cùng với tiếp tục tập huấn, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ đón tiếp khách cho các hộ dân và đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu dân cư, chúng tôi sẽ tích cực khai thác trang thông tin điện tử của thị xã; hướng dẫn các xã, phường, bản văn hóa đăng tải thông tin giới thiệu dịch vụ du lịch cộng đồng cùng cách thức liên lạc, qua đó giúp khách du lịch có thể tìm hiểu, kết nối dịch vụ du lịch một cách dễ dàng để chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi của mình. Ngoài ra, thị xã đang hướng đến khai thác, phát triển các điểm du lịch, cụ thể là xin chủ trương xây dựng Khu Tâm linh Đồi Cao và khôi phục khu nghỉ mát Pú Vạp để thu hút khách đến và lưu trú tại địa bàn lâu hơn. Nếu đạt được mục tiêu ấy, các bản văn hóa du lịch cũng sẽ có cơ hội thể hiện nét đẹp, thu hút du khách đến sử dụng dịch vụ du lịch cộng đồng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top