Tiềm năng còn bỏ ngỏ

09:37 - Thứ Tư, 27/09/2017 Lượt xem: 4845 In bài viết
ĐBP - Tìm hiểu từ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chúng tôi được biết, riêng tháng 8/2017, lượng khách du lịch đến Ðiện Biên ước đạt 41.320 lượt người (tăng 16,9% so với cùng kỳ 2016), trong đó khách quốc tế đạt 6.410 lượt người, nâng tổng số khách du lịch ước 8 tháng đầu năm đạt 389.615 lượt người (67.015 lượt khách quốc tế). Doanh thu từ du lịch 8 tháng đầu năm ước đạt 583,6 tỷ đồng, đạt 65,6% so với kế hoạch năm.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số 140 cơ sở kinh doanh lưu trú, với 1.700 buồng nghỉ. Trong đó, có một khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao (Khách sạn Mường Thanh); khu du lịch sinh thái Him Lam, Khách sạn A1 đạt tiêu chuẩn 3 sao; 4 khách sạn: Hà Nội - Ðiện Biên Phủ, Công đoàn, Thanh Bình, ASEAN đạt tiêu chuẩn 2 sao... Trong những năm gần đây, số lượng các cơ sở đăng ký kinh doanh lưu trú tăng mạnh, được đầu tư mới với trang thiết bị hiện đại.

 

Du khách múa sạp tại bản văn hóa Noong Chứn, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ).

Dịch vụ lưu trú khách sạn, nhà nghỉ đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch, song hiện nay loại hình nghỉ dưỡng Homestay - hình thức du lịch cộng đồng (cùng ăn, ở và cùng sinh hoạt với người dân bản địa) đến nay vẫn chưa được khai thác cho dù đây là loại hình lưu trú được xem là giàu tiềm năng đối với địa bàn tỉnh ta.

Bản văn hóa Noong Chứn, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) có gia đình anh Lò Văn Phong, mở nhà hàng ẩm thực chuyên kinh doanh các món ăn dân tộc Thái, cùng với kết hợp cho du khách nghỉ tại chỗ. Với hình thức kinh doanh này, vào những dịp cao điểm lượng khách đến đây khá đông để thưởng thức những món ăn dân tộc kết hợp nghỉ ngơi theo hình thức cộng đồng, khám phá tìm hiểu thêm những bản sắc dân tộc tại bản.

Thị xã Mường Lay có lợi thế về cảnh quan, có sông có núi, “trên bến dưới thuyền” với những khu nhà sàn truyền thống của dân tộc thái xây dựng bên bờ hồ Thủy điện Sơn La. Mường Lay có những lợi thế để kinh doanh dịch vụ Homestay. Cuối năm 2015, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thị xã Mường Lay mở lớp tập huấn cho 300 hộ dân trên địa bàn về kỹ năng du lịch cũng như làm kinh doanh dịch vụ lưu trú cộng đồng. Lễ hội Ðua thuyền đuôi én năm 2016, thị xã Mường Lay đón 30.000 lượt khách du lịch và đã có 10.000 lượt khách nghỉ tại 300 hộ ở các bản: Lay Nưa, Nậm Cản...  

Ông Phạm Văn Thăng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết: Kinh doanh lưu trú Homestay hiện nay rất phát triển ở một số tỉnh: Lâm Ðồng, Ðà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Có thể nói loại hình kinh doanh này phù hợp với thị hiếu tìm hiểu, khám phá của nhiều du khách ngoại quốc khi đến Việt Nam. Sự phát triển của Homestay góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống; nhất là đối với tỉnh ta giàu bản sắc hóa các dân tộc. Tuy nhiên, đến nay tỉnh ta chưa có cơ sở nào đạt chuẩn để kinh doanh loại hình dịch vụ lưu trú này.

Ðể các loại hình kinh doanh về du lịch nói chung cũng như kinh doanh dịch vụ Homestay nói riêng phát triển, thời gian tới, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp các ngành liên quan, chính quyền địa phương nghiên cứu, rà soát các địa bàn phù hợp; tuyên truyền, quảng bá, nắm bắt tốt nhu cầu thị trường du lịch để đầu tư có chiều sâu, hiệu quả. Từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top