Giữ gìn bản sắc dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng bền vững

09:24 - Thứ Năm, 28/09/2017 Lượt xem: 7362 In bài viết
ĐBP - Những ngôi nhà xây mọc lên ngày càng nhiều, quần áo may sẵn được mặc hàng ngày và cả những dịp lễ tết quan trọng, đồ dùng tiện lợi dần thay thế sản phẩm thủ công truyền thống... Cùng với đó, chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp chưa quan tâm, định hướng bài bản; người dân địa phương không mặn mà, tâm huyết, đây là những lý do khiến các bản văn hóa du lịch tại Ðiện Biên chưa phát triển xứng tầm với tên gọi, dịch vụ du lịch cộng đồng còn nghèo nàn, đơn điệu, không tạo được ấn tượng giữ chân du khách.

Vẫn chưa khai thác hết lợi thế

Du lịch cộng đồng là một trải nghiệm đầy trách nhiệm, mang lại lợi ích cho cả du khách lẫn người dân bản địa. Với loại hình này, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ, khác biệt văn hóa. Người dân bản địa thì tham gia trực tiếp và thu được lợi ích kinh tế - xã hội từ các hoạt động du lịch, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương. Du lịch cộng đồng thường gắn với nhiều hoạt động, như: Tham gia sinh hoạt văn hóa, lao động; khám phá núi rừng thiên nhiên; tìm hiểu tín ngưỡng, tập quán, nghề thủ công truyền thống các dân tộc... Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định: Thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những phong tục tập quán độc đáo và đa dạng, Ðiện Biên có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Khai thác tiềm năng này, năm 2003 UBND tỉnh đã phê duyệt Ðề án Tổ chức xây dựng bản văn hóa du lịch để phục vụ du khách tham quan với 8 bản ban đầu thuộc huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ. Nhưng đến nay sau gần 14 năm quy hoạch, đầu tư phát triển, toàn tỉnh mới có 10 bản văn hóa du lịch có khả năng đón tiếp khách nhưng sản phẩm du lịch cộng đồng chỉ dừng lại ở 2 hình thức cơ bản là thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ.

 

Bản văn hoá Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP.Điện Biên Phủ) có cảnh sắc hoang sơ, thơ mộng có điều kiện khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng.

Ðiển hình cho việc “lãng phí tài nguyên du lịch” có thể kể đến bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ). Nằm ở cửa ngõ thành phố, bản Phiêng Lơi có không gian sống nguyên sơ với đồi núi, rừng cây bao quanh yên bình. Ngay chính giữa bản là cây cầu treo thơ mộng bắc qua dòng Nậm Rốm. Cũng tại đoạn sông này hình thành nên một con thác tuy nhỏ nhưng dòng chảy hết sức đẹp mắt, là nơi các bạn trẻ thường chọn chụp ảnh cưới, ảnh kỷ niệm. Ðoạn thác có tên Cảnh Cụ, gắn liền với câu chuyện xa xưa về việc mào thuồng luồng ẩn hiện tại dải nước này. Cùng với thiên nhiên hoang sơ, dễ tạo ấn tượng thì không gian sống ở Phiêng Lơi cũng vẫn còn đậm chất truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đen. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ không bị ngăn cách bởi tường bao, cuộc sống cộng đồng gắn kết, người dân còn giữ được những nét văn hóa cổ truyền. Tuy nhiên ông Lò Văn Tâm, Trưởng bản cho biết: “Phiêng Lơi mới chỉ phục vụ ẩm thực và giao lưu văn nghệ, hơn nữa những hoạt động này không phải do bản đứng ra tổ chức mà hộ gia đình tự mở dịch vụ với sự tham gia của người dân và đội văn nghệ bản”. Khách thưởng thức ẩm thực dân tộc tại bản thường tranh thủ đến sớm dạo quanh, ngắm cảnh sắc bản chứ chưa có các dịch vụ hay hoạt động như: Lưu trú, trải nghiệm cuộc sống bà con nông dân (đi rừng lấy củi, đánh bắt cá, đan lát, thêu thùa...); cũng chưa có ai đứng ra giới thiệu, kể cho du khách nghe về sông Nậm Rốm, thác Cảnh Cụ gắn với tín ngưỡng, đời sống dân tộc. Thậm chí đường xuống thác chỉ là đường mòn, rậm rạp cây dại và ngày càng bị thu hẹp do người dân xây dựng nhà cửa… Ðây cũng là tình trạng chung - không khai thác hết những lợi thế sẵn có - của các bản văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh.

Người dân chưa thực sự chủ động

Khách du lịch đến bản văn hóa có xu hướng ngày càng giảm bởi các bản đang dần mất đi nét đẹp truyền thống đặc trưng của mình. Xen kẽ những ngôi nhà sàn mộc mạc là nhà xây xi măng, tường gạch. Thêm vào đó là trang phục dân tộc, sản phẩm thủ công truyền thống cũng không còn được thấy thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Ðiều này làm không gian văn hóa, không gian sống mang đặc trưng tộc người bị pha tạp, không còn sức hút đối với du khách. Tôi vẫn nhớ cách đây không lâu, trong buổi sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, một đại diện bản văn hóa du lịch đề xuất mong muốn hỗ trợ tăng âm, loa đài cho bản để phục vụ hoạt động văn nghệ đón tiếp khách. Ðược biết, trước đó không ít người trong ngành đã khuyên ban lãnh đạo bản rằng, khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế lặn lội đến bản là vì muốn được nghe, tìm hiểu dân ca, dân vũ và âm nhạc từ nhạc cụ truyền thống của dân tộc chứ không phải thứ âm thanh băng, đĩa ghi sẵn hoặc nhạc trẻ, nhạc sống có thể mua tại các cửa hàng. Quả thực một vị khách từ xa đến tham gia du lịch cộng đồng là muốn được tận mắt chứng kiến, trải nghiệm cái nguyên gốc, chất phác, chân thực của văn hóa bản địa - giá trị cốt lõi của cộng đồng một dân tộc, đương nhiên không phải những thứ hiện đại ở bất cứ đâu cũng có.

 

Người dân bản văn hóa Noong Chứn, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) chuẩn bị món ăn truyền thống phục vụ du khách.

Bản Mển, xã Thanh Nưa và bản Ten, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) là những bản từ khi mới xây dựng trở thành bản văn hóa du lịch đã thu hút được lượng lớn du khách đến giao lưu văn nghệ, ẩm thực. Tuy nhiên một vài năm trở lại đây, ngay giữa trung tâm 2 bản mọc lên các ngôi nhà xây hiện đại, giữa các gia đình ngăn cách nhau bằng những bức tường cao, kín bưng. Có thể nói, các bản hoàn toàn bị mất điểm trong mắt du khách về không gian sống truyền thống. Cùng với đó bản Mển còn có dịch vụ lưu trú nhưng không phải ăn, ngủ tại nhà người dân mà chủ yếu nghỉ tại nhà văn hóa bản, khách du lịch mất đi cơ hội chuyện trò, tìm hiểu nét đặc sắc của cộng đồng bản địa qua những sự tích dân gian hay câu chuyện thường ngày, rồi cùng người dân bắt đầu một ngày mới, làm đồ ăn sáng hay chuẩn bị dụng cụ cho một buổi lao động...

Bản văn hóa du lịch phát triển còn hạn chế một phần là bởi thiếu sự định hướng bài bản, sự quan tâm sát sao của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Nhưng cũng bởi ý thức trách nhiệm, sự nhiệt tình, tâm huyết và lòng tự tôn dân tộc của một số cộng đồng dân tộc chưa thực sự cao. Hàng năm các lớp tập huấn nghiệp vụ đón tiếp khách, phục dựng các bài múa truyền thống vẫn được tổ chức với sự tham gia của nhiều hộ dân. Nhưng thay vì áp dụng kiến thức được học, chủ động tìm hiểu, phát triển các dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách đến thì nhiều cộng đồng chỉ dừng ở mức khách đến thì tiếp, “có sao dùng vậy”. Không những không phát huy được những giá trị, nét đẹp của bản, của dân tộc mà theo thời gian, nơi sống bị “đô thị hóa”, mất dần đi bản sắc văn hóa truyền thống.

Nếu không vào mùa lễ hội, trung bình mỗi bản văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh đón tiếp 50 - 100 lượt khách/tháng. Tuy nhiên có thể khẳng định, du lịch cộng đồng tại tỉnh ta chưa bền vững bởi dịch vụ không đa dạng, không thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm của du khách. Hơn nữa nếu chỉ tập trung vào ẩm thực và giao lưu văn nghệ (đa phần các tiết mục đã được cải tiến theo hướng hiện đại) thì không có nét đặc trưng để tạo được ấn tượng, không có sức cạnh trạnh với du lịch cộng đồng các tỉnh miền núi Tây Bắc khác. Ðể du lịch làng bản phát triển được như kỳ vọng, góp phần thu hút, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách khi đến Ðiện Biên thì chính quyền các cấp và ngành chuyên môn cần quan tâm hơn nữa giúp người dân các bản văn hóa du lịch nhận thức được lợi thế, tiềm năng phát triển, đồng thời tôn trọng hơn những giá trị bản địa, giá trị cộng đồng để du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng và bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top