“Pha Ðin lộng gió” điểm đến thu hút nhiều du khách

09:53 - Thứ Năm, 19/10/2017 Lượt xem: 6509 In bài viết
ĐBP - Cách TP. Ðiện Biên Phủ khoảng 100km và cách Hà Nội khoảng 400km, đỉnh đèo Pha Ðin là nơi tiếp giáp giữa tỉnh Ðiện Biên và Sơn La. Pha Ðin còn được mệnh danh là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc. Nhiều năm qua, đèo Pha Ðin vẫn ở trong trạng thái “tiềm năng” du lịch của tỉnh Ðiện Biên mà chưa được đầu tư, khai thác. Trên đường đến Ðiện Biên du khách chỉ đi ngang qua mà ít khi dừng lại vì không có điểm dừng chân hấp dẫn để nghỉ ngơi và sử dụng các dịch vụ du lịch.

Nắm bắt được tiềm năng đó, một nhóm bạn trẻ ở thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) đã có ý tưởng hình thành một “điểm đến” ngay khu vực đỉnh đèo để phục vụ du lịch. Ban đầu họ tận dụng khu vực “đồi cỏ” thuê lại của người dân để trồng hoa Tam giác mạch và đã tạo được sự chú ý của đông đảo giới trẻ trong tỉnh và các khu vực lân cận. Ðây là quả đồi khá đẹp, người dân gọi là đồi cỏ vì trước đây được dùng làm khu vực chăn thả gia súc. Từ đây có tầm nhìn thoáng, quan sát được thung lũng rộng lớn và một đoạn đèo Pha Ðin uốn lượn như một dải lụa. Một điểm đặc biệt nữa là, tại khu vực này quanh năm có gió thổi mát rượi nên các bạn trẻ đã sáng tạo lắp đặt hàng nghìn chong chóng nhiều màu sắc để “hút khách” khi mùa hoa tam giác mạch kết thúc. Và cũng từ đây, khu vực này chính thức được lấy tên là “Pha Ðin lộng gió”. Bằng sự nhanh nhạy nắm bắt tâm lý du khách, các dịch vụ ăn uống với các món ăn dân tộc, dân dã và nhiều đặc sản địa phương cũng được đưa vào danh mục phục vụ…

 

Khách du lịch thường khá đông vào các ngày nghỉ cuối tuần.

Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa được 1 năm nhưng điểm đến này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Ðến nay, đã có hàng chục loài hoa được trồng xen kẽ trên đồi hoa tam giác mạch và một “”rừng” chong chóng đầy màu sắc, bên cạnh đó là rừng thông thơ mộng, mát rượi dưới cái nắng mùa hè cùng với đồi cỏ xanh ngút ngàn đã tạo nên một khung cảnh lãng mạn đầy chất thơ. Chính vì vậy mà nơi đây đã được nhiều bạn trẻ lựa chọn là địa điểm chụp ảnh cưới, điểm pic-níc cuối tuần hoặc nghỉ ngơi, thư giãn vào các dịp lễ tết…

Chị Bạc Thị Lý đến từ huyện Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ: Tôi và nhóm bạn đã lên kế hoạch đến đây khi thấy các hình ảnh đẹp, lạ và hấp dẫn của một số bạn bè “Check in” trên facebook. Khi đến đây tôi đã rất ngạc nhiên vì khung cảnh đẹp và lạ, vừa hoang sơ lại vừa phảng phất một chút gì đó rất châu Âu. Ðiều làm tôi vui nhất là có thể chụp ảnh với hoa tam giác mạch mà không cần phải đi tận Hà Giang… Còn bạn Nguyễn Long ở phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ, thành viên của đội moto PKL thì cho biết: Tôi đã đến đây 3 lần, nơi đây cách TP. Ðiện Biên Phủ không quá xa nên rất thích hợp để đi và về trong ngày; những cung đường đẹp và nhiều khúc cua “mượt” nên rất phù hợp để đội chúng tôi đi trải nghiệm, tách biệt không khí ồn ào của thành phố và gặp nhau, thư giãn dịp cuối tuần…

 

Nhiều bạn trẻ chọn những vị trí đẹp để chụp ảnh kỷ niệm.

Người quản lý ở đây cho biết, chỉ tính riêng 3 ngày nghỉ lễ “Pha Ðin lộng gió” đã thu hút gần 15 nghìn lượt người đến tham quan và sử dụng các dịch vụ. Từ khi khu sinh thái này đi vào hoạt động, đồng bào các bản lân cận cũng đem các sản vật đến bán và chế biến tại chỗ phục vụ du khách. Nhờ vậy mà du khách có thể tự thổi bếp nướng ngô, khoai, sắn ở khu cắm trại. Thậm chí nhiều đoàn đông người còn yêu cầu người dân cung cấp “thực phẩm sạch” như lợn, gà hoặc các sản vật khác để họ chế biến và ăn uống tại chỗ hoặc đem về. Do vậy người dân trên địa phương từng bước đã có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống nhờ lượng du khách ngày một tăng.

Có thể thấy, ngoài những tiềm năng, lợi thế về du lịch lịch sử, văn hóa truyền thống, Ðiện Biên còn rất nhiều lợi thế để phát triển các tiềm năng du lịch khác như du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm hoặc mô hình du lịch cộng đồng. Ðó cũng là một xu hướng mà các tỉnh bạn như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang đã và đang áp dụng thành công. Hy vọng trong thời gian tới, Ðiện Biên sẽ có thêm nhiều điểm đến mới hấp dẫn.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top