Đất nước – Con người

Hội thu chùa Keo

09:34 - Thứ Năm, 02/11/2017 Lượt xem: 4499 In bài viết
ĐBP - Chùa Keo (Thần Quang Tự), nằm trên địa bàn xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình), tương truyền do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng từ năm 1061. Năm 1611, do ảnh hưởng của trận đại hồng thủy, chùa bị cuốn trôi, phải xây dựng lại và được hoàn thành năm 1632. Chùa có 2 cụm kiến trúc: chùa là nơi thờ Phật và đền là nơi thờ Ðức thánh Dương Không Lộ.

 

Từ trên mặt đê đi xuống qua bậc tam cấp, gặp một sân nhỏ lát đá tảng, công trình đầu tiên là tam quan ngoại. Rẽ phải, hoặc trái theo con đường men theo hồ nước hai bên tả, hữu gặp hai cổng tò vò, giữa là tam quan nội. Ðiều đáng quan tâm nhất ở tam quan nội là bộ cánh cửa gian trung quan - một kiệt tác chạm khắc gỗ thế kỷ XVII. Từ tam quan nội, qua một số sân nhỏ rộng ta đến khu chùa Phật gồm Chùa ông Hộ, tòa thiêu hương (ống muống) và điện Phật. Khu chùa Phật là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỷ 17, 18 đó là tượng Tuyết Sơn, La Hán, quan thế âm Bồ Tát... Khu đền thánh thờ đức Dương Không Lộ - vị đại sư thời nhà Lý được kết nối với khu thờ Phật gồm tòa giá roi, tòa thiêu hương, tòa phụ quốc và thượng điện. Những công trình này nối tiếp với nhau tạo thành một kết cấu kiểu chữ công. Hai dãy hành lang Ðông, Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông thẳng tắp, dài hun hút hàng chục gian bao bọc cả khu chùa làm thành “bốn mặt tường vây kín đáo” cho một kiến trúc “Tiền Phật, hậu Thần”.

Nói đến kiến trúc chùa Keo không thể không nói đến kiến trúc của gác chuông, đây được coi là công trình kiến trúc độc đáo nhất, trở thành điểm nhấn cho ngôi chùa (xét về mặt kiến trúc). Từ trên cao nhìn xuống, gác chuông chùa Keo trông giống như mái nhà Rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Cấu trúc các tầng nhẹ nhàng, khỏe đẹp. Ba quả chuông đồng nặng gần 2 tấn treo chính tâm gác chuông cùng sức nặng của dàn mái tạo lực trọng trường kéo các mộng luôn gắn kết chặt với nhau tạo thế vững chắc cho gác chuông.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ kính, vững chắc với thời gian. Chùa Keo được đánh giá là kiệt tác trong lịch sử kiến trúc và là 1 trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, chùa Keo mở hai kỳ lễ hội là lễ hội chùa Keo mùa xuân và lễ hội chùa Keo mùa thu.

Lễ hội chùa Keo rất độc đáo, ấn tượng, tái hiện rõ nét đời sống văn hóa, tín ngưỡng, sinh hoạt cổ từ ngàn đời xưa của người dân làng Keo nói riêng, người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Mặc dù trải qua thăng trầm thời gian và lịch sử nhưng đến nay các nghi thức, hoạt động trong lễ hội như lễ khai chỉ, lễ rước kiệu thánh, tế lễ, hát giao duyên, thi têm trầu cánh phượng, các trò chơi dân gian như leo cầu ngô, bắt vịt... vẫn được duy trì theo tục lệ lễ hội cổ.

Tối ngày 29/10, tại di tích đã diễn ra lễ khai mạc hội thu chùa Keo năm 2017 và đón bằng ghi danh lễ hội chùa Keo là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðồng thời, thông qua chương trình hành động bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội chùa Keo giai đoạn 2017 - 2022. Trong đêm khai mạc hội thu chùa Keo năm 2017, màn sử thi “Diệu huyền chùa Keo” với sự tham gia của 300 diễn viên, nhạc công chuyên và không chuyên đã góp phần tạo không khí linh thiêng, hào hùng.

T.K (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top