Liên kết phát triển dịch vụ lữ hành

09:30 - Thứ Tư, 22/11/2017 Lượt xem: 3676 In bài viết

ĐBP - Dịch vụ, du lịch đã được tỉnh ta xác định phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngoài việc phát huy, nâng cao chất lượng phục vụ, hạ tầng... thì yếu tố kết nối nhằm liên kết, thu hút du khách đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

 

Du khách tham quan tại Hầm Ðờ - cát. Ảnh: Phạm Quang

Trao đổi về liên kết trong phát triển, thu hút du lịch nói chung và dịch vụ lữ hành nói riêng, ông Phạm Văn Thăng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Trong năm 2017, cùng với những hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Ðiện Biên tới các địa phương trong và ngoài nước thông qua các diễn đàn liên kết. Ðối với hoạt động du lịch nội tỉnh, cùng với lễ hội Hoa ban được tổ chức thường niên hàng năm, tỉnh đang tích cực chuẩn bị cho lễ hội Hoa anh đào được tổ chức tại hồ Pá Khoang (địa bàn 2 xã: Mường Phăng, Pá Khoang, huyện Ðiện Biên); tổ chức các hội chợ thường niên. Từ nay đến cuối năm, tỉnh ta dự kiến tổ chức chương trình xúc tiến liên kết phát triển du lịch với 3 tỉnh: Chiềng Rai, Chiềng Mai và Rai (Thái Lan). Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến du lịch tiếp tục nâng cao công tác chuẩn hóa, củng cố, cập nhật thông tin quảng bá các sản phẩm du lịch của tỉnh nhà trên trang web: dulichdienbien.vn. Về các hoạt động ngoại tỉnh, năm 2017, ngành đã cử đại diện tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2017 tại thủ đô Hà Nội; dự Hội chợ du lịch TP. Hồ Chí Minh; tham dự liên hoan làng Tây Bắc tại tỉnh Hòa Bình; Lễ hội Ẩm thực Tây Bắc tại Lào Cai.

Nhằm thu hút các tour lữ hành có quy mô lớn, mang tính liên kết khu vực, vừa qua ngành du lịch tỉnh đã tham gia đoàn khảo sát du lịch dọc sông Ðà, qua các tỉnh: Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Tại mỗi tỉnh, đoàn khảo sát đánh giá thực trạng, tiềm năng các điểm du lịch dọc sông Ðà và đề xuất các điểm để kết nối tuyến du lịch đường thủy với nhiều nội dung như: Ðánh giá thực trạng điểm du lịch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, bản sắc văn hóa, cảnh quan tự nhiên, sản phẩm du lịch đặc trưng, vệ sinh môi trường... Qua chuyến khảo sát, các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý Nhà nước, các công ty du lịch đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, có chất lượng đánh giá tiềm năng, cơ hội phát triển, cũng như những khó khăn thách thức trong phát triển du lịch của từng tỉnh. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự rà soát đánh giá kỹ lưỡng để xây dựng chương trình liên kết hợp lý giữa các các vùng để thu hút du khách. Ưu tiên hỗ trợ các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức nghề du lịch cho các hộ dân có điều kiện tham gia làm du lịch cộng đồng; chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu tài nguyên và tiềm năng du lịch của tuyến đường thủy; xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trên hồ sông Ðà.

Ðối với dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh, hiện nay có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành quốc tế và 2 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Tuy nhiên, cả 4 đơn vị lữ hành này hoạt động chưa đáp ứng được nguyện vọng của cả nhà đầu tư lẫn ngành du lịch, nhất là hoạt động lữ hành quốc tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế nhưng chủ yếu vẫn là yếu tố đầu tư, quảng bá. Cùng với đó, tỉnh cũng chưa thu hút được các văn phòng, đại lý hoặc các chi nhánh của các doanh nghiệp lữ hành lớn đến đặt tại Ðiện Biên. Vì vậy, nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết bền vững, hiệu quả trong phát triển du lịch lữ hành, ngoài đẩy mạnh công tác quảng bá, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo cơ chế thông thoáng trong đầu tư. Bởi muốn thu hút được du khách, thúc đẩy kinh tế từ du lịch thì trước hết phải kêu gọi được doanh nghiệp làm du lịch.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top