Người Mường Phăng làm du lịch

09:53 - Thứ Năm, 04/01/2018 Lượt xem: 5152 In bài viết
ĐBP - Chúng tôi có dịp trở lại Mường Phăng vào những ngày nghỉ lễ đầu năm 2018. Tuyến đường Nà Nhạn - Mường Phăng nhỏ, hẹp khi xưa được thay bằng đường nhựa phẳng lỳ, rộng rãi. Có lẽ chúng tôi xuất hành đúng vào “giờ cao điểm” nên trên đường đi gặp khá nhiều đoàn xe, đoàn người xuôi ngược về với Mường Phăng. Ðến di tích lịch sử cấp quốc gia Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ trời cũng đã quá trưa nhưng còn nhiều đoàn khách du lịch nán lại tham quan, mua sắm những sản phẩm đặc trưng của Mường Phăng. 

Trong tiết trời se lạnh, những cô gái Thái duyên dáng trong bộ áo cóm truyền thống đon đả mời chào du khách. Vừa thoăn thoắt tay rót nước, chị Lù Thị Thanh, bản Phăng 3, xã Mường Phăng vừa giới thiệu sản phẩm du lịch với đoàn khách đến từ Hải Dương. Cách giới thiệu các loại thuốc lá mát gan, thuốc “khỏe”… của chị vừa tự nhiên lại có phần bạo dạn khiến cho đoàn khách không khỏi bật cười. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là năm thứ 3 chị mở quầy bán hàng phục vụ khách du lịch đến thăm hầm Ðại tướng. Thế nhưng so với các gian hàng khác có thâm niên hàng chục năm thì chị vẫn được coi là “lính mới” ở khu vực này. Chị Thanh, chia sẻ: Ngoài phục vụ nước giải khát, đồ ăn vặt… thì mặt hàng chủ yếu ở đây là các loại thuốc nam được phối chế từ sản vật địa phương.

 

Du khách tham quan, mua sắm tại sân khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Có loại gia đình tự đi lấy được nhưng cũng có loại phải đặt hàng mới có. Chị cũng muốn nhập thêm nhiều sản phẩm để mở rộng kinh doanh nhưng ngặt nỗi lượng khách lên đây còn ít, lại chỉ tập trung vào các dịp lễ, tết. Ngày bình thường hôm có, hôm không nên hàng hóa tiêu thụ cũng chậm. Do đó việc kinh doanh ở đây vẫn chỉ là nguồn thu nhập phụ còn thu nhập chính vẫn từ trồng lúa, chăn nuôi… Không chỉ gia đình chị mà hầu hết chủ các gian hàng khác cũng chỉ coi việc làm du lịch ở đây là việc làm thêm lúc nông nhàn. Cũng là người nhanh nhạy với kinh doanh nên anh Lường Văn Xuyên, bản Phăng 1, xã Mường Phăng mạnh dạn chuyển đổi từ buôn bán nhỏ lẻ sang làm nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách gần xa. Ngoài bày bán các loại sản vật đặc trưng bản sắc của dân tộc, nhà hàng còn phục vụ nhu cầu ẩm thực cho du khách với các món ăn truyền thống của đồng bào Thái. Cũng như chị Thanh, việc kinh doanh của nhà hàng anh Xuyên cũng chỉ tập trung vào những ngày lễ, đặc biệt là thời gian sau Tết cho đến đầu mùa mưa là chủ yếu.

Bà Thẳm Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, cho biết: Với lợi thế có di tích lịch sử trọng điểm cùng cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ, nhiều hộ gia đình ở xã cũng đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển theo hướng dịch vụ, du lịch, mang những mặt hàng sẵn có, những sản vật của địa phương tới du khách trong và ngoài nước. Dẫu còn không ít khó khăn nhưng nguồn thu từ dịch vụ du lịch góp phần không nhỏ giúp người dân trong xã thoát khỏi đói nghèo. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều của xã còn 30%, giảm gần 15% so với năm 2011, nhiều hộ có thu nhập từ trung bình đến khá. Cùng với đó, cơ sở vật chất, giao thông của xã đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, tạo tiền đề để du lịch tiếp tục phát triển. Thời gian qua, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, xã Mường Phăng đã khôi phục được một số lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như: Lễ hội Xên bản, Xên mường, Cầu mưa, các làn điệu dân ca, dân vũ… Ðồng thời, xã cũng thành lập các đội văn nghệ tại các bản, phục dựng được nhiều tiết mục văn nghệ với những bài dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ đậm đà bản sắc dân tộc địa phương, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến Mường Phăng. Tiêu biểu như bản văn hóa Che Căn còn bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống của người Thái đen. Bản có hơn chục ngôi nhà theo kiến trúc của người Thái đen cổ được tôn tạo, phục dựng; các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn… cũng đang được bảo tồn và phát huy để phục vụ khách tham quan. Với những tiềm năng sẵn có này, bản Che Căn được chính quyền xã chọn lựa để phát triển thành bản du lịch cộng đồng, một điểm nhấn để níu chân du khách khi đến với Mường Phăng.

Những con số vị chủ tịch xã cung cấp phần nào giúp chúng tôi thấy được rằng cùng với những ngành, nghề khác, du lịch đã và đang giúp cuộc sống người dân Mường Phăng dần đổi thay. Dẫu còn không ít chuyện phải bàn về hướng đi ra sao, cách làm như thế nào để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế nhưng với những tín hiệu vui này, chúng tôi có thể tin tưởng vào một ngày trở lại, du lịch Mường Phăng sẽ gặt hái được nhiều thành công. 

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top