Rực rỡ sắc hoa anh đào trên đất Mường Phăng

08:43 - Thứ Sáu, 05/01/2018 Lượt xem: 6239 In bài viết
ĐBP - Ðã 11 năm kể từ ngày những cây hoa anh đào Nhật Bản đầu tiên bén rễ tại Ðiện Biên. Loài hoa đặc trưng của đất nước mặt trời mọc cách xa hàng nghìn cây số lại bung nở rực rỡ mỗi độ xuân về trên mảnh đất vùng cao Tây Bắc là điều lạ lẫm, ấn tượng, thu hút không ít du khách thập phương. Khai thác tiềm năng này, vào những ngày đầu năm 2018, Ðiện Biên đang gấp rút chuẩn bị sẵn sàng cho Sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang - Ðiện Biên, tiến tới có thể tổ chức thành lễ hội vào những năm tiếp theo. Hoạt động này không chỉ gắn hình ảnh hoa anh đào với ngành du lịch tỉnh nhà mà còn góp phần phát triển khu du lịch quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang như đã quy hoạch.

Nói đến hoa anh đào trên đất Ðiện Biên là kể về câu chuyện người lính già - ông Trần Lệ, quê gốc Hải Phòng, nhiều năm gắn bó với Ðà Lạt. Với quyết tâm lên khảo sát, tìm hướng đưa các giống hoa, giống cây mới lên trồng ở Ðiện Biên”, sau hơn 1 năm bền bỉ đi từ khu vực lòng chảo Mường Thanh tới điểm cao A Pa Chải, ông mới tìm được một vùng đất có thời tiết, khí hậu, chất đất phù hợp trồng khảo nghiệm các giống hoa, cây ăn quả, rau màu... như ở Ðà Lạt. Ðó là đảo Mon, nằm giữa lòng hồ Pá Khoang, thuộc địa phận xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh, quanh năm mát mẻ, hầu như không bị ảnh hưởng của sương muối, mưa đá. Ðặc biệt hòn đảo nhỏ này còn liền kề khu vực Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ - nơi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân đội ta giành chiến thắng trước thực dân Pháp, lập nên chiến công chấn động địa cầu.

 

Nhân viên Công ty Cổ phần Hoa anh đào Trần Lệ kiểm tra độ bung nở của hoa anh đào trước ngày diễn ra Sự kiện.

Một trong những loài cây đầu tiên được ông Trần Lệ ươm trồng tại đảo Mon ngày ấy là hoa anh đào (sakura) do Ðại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội tặng hạt giống. Nhờ được chăm sóc cẩn thận, hợp khí hậu, chất đất nên sau 4 - 5 năm bén rễ, cây ra hoa sai, nở bung thành những cụm lớn, thời gian nở kéo dài tới 3 tuần lễ. Vậy là bao công sức, kiên nhẫn của người lính già đã được đền đáp. Từ 9 cây ban đầu, ông Lệ đã nhân giống thêm nhiều lứa mới và còn cung cấp giống trong và ngoài tỉnh. Giờ đây đảo Mon đã được gọi là “đảo hoa”, ông Lệ được ví như “chúa đảo” với 4.000 cây hoa anh đào lớn, bé và vườn ươm đang nhân thêm 2.500 cây mới. Hòn đảo hoang vu năm nào giờ đã trở thành một vườn hoa rộng lớn, một điểm đến lý thú, ấn tượng. Nhiều năm nay, dù không quảng bá nhưng cứ đến mùa hoa, du khách trong và ngoài tỉnh lại tìm đến đảo hoa tham quan, chụp ảnh. Chỉ trong dịp nghỉ tết dương lịch vừa rồi cũng có khoảng 200 lượt khách đến du ngoạn đảo hoa. Chị Trần Thị Hà, ở huyện Ðiện Biên chia sẻ: “Tôi đi học rồi đi làm xa ít về nhà, nên đây là lần đầu tiên đến hòn đảo này, cũng là lần đầu được trực tiếp ngắm hoa anh đào. Tôi thấy cánh hoa mỏng, màu đậm, nở thành chùm rất đẹp và lãng mạn, khiến tôi tưởng như mình lạc vào một xứ sở khác”.

Dự kiến năm nay, đúng Sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang - Ðiện Biên sẽ có 300 cây anh đào ra bói hoa, gần 100 cây ra hoa đẹp, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của du khách. Mặc dù là người tự tay tạo dựng lên đảo hoa hấp dẫn như ngày hôm nay, “khởi nguồn” một sản phẩm du lịch mới đặc sắc cho Ðiện Biên nhưng ông Trần Lệ vẫn tự nhận: “Tôi không phải doanh nhân, cũng không phải người làm du lịch mà chỉ là một nhà nghiên cứu, ươm trồng các giống cây. Tại hòn đảo này, ngoài hoa anh đào đã được mọi người biết đến, hiện tôi đang có 20 giống hoa các loại nở liên tục từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Tôi dự định tạo thêm ao sen và trồng hoa tam giác mạch để các loài hoa nở quanh năm, tạo không gian sinh thái đa sắc màu cho đảo. Và mong ước lớn hơn của tôi là có thể quy hoạch một khu vực hoa anh đào và cả khu trồng hoa ban thật rộng lớn. Nếu tỉnh có chủ trương, tôi có thể giúp ươm trồng cây, để mỗi mùa xuân đến, cả một vùng đất rộng lớn nơi đây được phủ bạt ngàn màu sắc hoa, góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách lên với Ðiện Biên”.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top