Cần khai thác tiềm năng du lịch Mường Nhé đa dạng hơn

09:20 - Thứ Năm, 11/01/2018 Lượt xem: 6315 In bài viết
ĐBP - Trên hành trình đến Mường Nhé vào một ngày cuối tuần, chúng tôi gặp nhiều tốp “dân phượt” đi cùng cung đường. Họ đang hướng đến huyện cực Tây Tổ quốc với niềm háo hức chinh phục, trải nghiệm những điều mới lạ mốc biên giới ba cạnh linh thiêng của đất nước. Ðược biết, số lượng khách du lịch đến với Mường Nhé những năm gần đây ngày càng tăng, nhưng chủ yếu chỉ lên với mảnh đất A Pa Chải rồi liền rời đi. Có lẽ không phải bởi họ không có thời gian lưu lại mà vì Mường Nhé chưa khai thác hết tiềm năng, chưa có các dịch vụ du lịch đa dạng để níu chân khách phương xa.

Trung bình mỗi năm có hơn 1.000 lượt khách đến chinh phục A Pa Chải. Ðể chinh phục mốc biên giới số 0 A Pa Chải - ngã ba biên giới Việt Nam, Lào, Trung Quốc, nơi “một con gà gáy 3 nước cùng nghe” không hề dễ dàng, nhưng đây luôn là “điểm phải đặt chân đến” đối với những người yêu thích du lịch trải nghiệm, khám phá. Không kể quãng đường từ TP. Ðiện Biên Phủ - Mường Nhé, du khách còn phải đi gần 70km từ trung tâm huyện lên Ðồn Biên phòng A Pa Chải rồi tiếp tục đi bộ xuyên rừng khoảng 2 - 3 tiếng đồng hồ mới đến mốc 0. Trên chặng đường dài ấy, nếu khách du lịch không dừng chân tại một số điểm thì đã bỏ lỡ rất nhiều điều thú vị về mảnh đất Mường Nhé. Ðó là Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Tượng đài Liệt sĩ Trần Văn Thọ và nét mộc mạc, truyền thống của cộng đồng dân tộc Hà Nhì - dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại 2 tỉnh Ðiện Biên và Lai Châu. Ðể níu chân du khách lại Mường Nhé lâu hơn, việc khai thác, phát triển những điểm du lịch và nét đẹp bản địa trên là cần thiết.

 

Phụ nữ dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu chuẩn bị mâm cỗ đón tiếp khách trong Tết Hồ Sự Chà.

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cách trung tâm huyện chỉ hơn 10km, nằm ngay bên đường dẫn đi A Pa Chải, thế nhưng khách du lịch đến với Mường Nhé không mấy ai biết đến và dừng chân tìm hiểu, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có diện tích rộng 45.581ha, trải dài qua địa bàn 5 xã, có cảnh quan đẹp với nhiều suối, thác nước cùng hệ động, thực vật rừng phong phú, đa dạng. Không cần đi sâu trong rừng, du khách vẫn có thể tận mắt chứng kiến chim, sóc, khỉ… bay, nhảy, chuyền cành và vòng tay ôm “đo” những gốc cây cổ thụ nhiều năm tuổi. Thiên nhiên hoang dã, nên thơ nhưng dịch vụ tham quan, khám phá Khu Bảo tồn vẫn chưa được khai thác. Những năm qua, ngoài các nhà khoa học, đoàn nghiên cứu chuyên ngành thì Khu Bảo tồn rất ít khi được đón du khách đến tham quan.

Cùng trên trục đường đến với mốc 3 cạnh, du khách tiếp tục đi qua Tượng đài Liệt sĩ Trần Văn Thọ với những câu chuyện kể xúc động, tự hào về tấm gương người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tuổi xuân vì bình yên, no ấm cho người dân vùng cao, biên giới nơi đây. Trên mảnh đất liệt sĩ Trần Văn Thọ từng in dấu chân giờ là những bản làng của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Người Hà Nhì nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống như các điệu hát, múa, nghề đan lát, những bộ trang phục thêu tay rực rỡ màu sắc… Và đặc biệt các lễ hội cổ truyền, trong đó quan trọng nhất là Tết Hồ Sự Chà (mừng năm mới) thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người dân trong và ngoài tỉnh. Vào mỗi dịp Tết Hồ Sự Chà (tháng 12 dương lịch), các xã có người Hà Nhì sinh sống quần cư đông đúc đón trên 500 lượt khách ngoài địa bàn đến chung vui, chúc tết, cùng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tuy nhiên, ngoài dịp lễ hội ra thì thường ngày các bản người Hà Nhì cũng không có khách đến tham quan, giao lưu bởi chưa đầu tư, mở dịch vụ đón tiếp, phục vụ ẩm thực, lưu trú cho khách du lịch.

Liệt kê một số điểm trên để thấy rằng ngoài ngã ba biên giới đã rất nổi tiếng thì Mường Nhé còn nhiều điều đáng để du khách dừng chân tìm hiểu. Cùng với đó, hạ tầng giao thông đến các địa bàn trong huyện đã được cải tạo, nâng cấp giúp đi lại thuận tiện, an toàn. Cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống lưu trú, quán ăn ngày càng nhiều và được đầu tư khang trang, đầy đủ. Ông Nguyễn Như Kiên, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé, cho biết: “Theo rà soát, thống kê mới đây, trên địa bàn huyện và chủ yếu là trung tâm huyện có hơn 10 cơ sở lưu trú, đủ đáp ứng nhu cầu khách thập phương vào những dịp đặc biệt. Các cơ sở lưu trú và nhà hàng, quán ăn thường xuyên được kiểm tra, bảo đảm về quy cách phục vụ, giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần để lại ấn tượng tốt cho các vị khách du lịch”. Ông Kiên cũng cho biết thêm, để thúc đẩy du lịch phát triển, theo kế hoạch của tỉnh sẽ xây dựng bản A Pa Chải, xã Sín Thầu trở thành bản văn hóa du lịch, tạo thêm điểm dừng chân, trải nghiệm văn hóa bản địa cho du khách. Sắp tới sẽ tổ chức lớp tập huấn du lịch cộng đồng cho các hộ dân trong bản. Nếu dự định trên được thực hiện có thể coi như là bước “khởi động” để tiềm năng du lịch Mường Nhé được “đánh thức” phát triển các hoạt động du lịch một cách đa dạng hơn.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top