Việt Nam: Thị trường mới của du thuyền hạng sang thế giới

16:34 - Thứ Tư, 17/01/2018 Lượt xem: 5340 In bài viết
Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những điểm đến thu hút tàu du lịch biển trong khu vực Châu Á với hơn 400 chuyến tàu mỗi năm, đứng thứ 6 trong danh sách các nước có lượng du thuyền cập bến nhiều nhất trong khu vực vào năm 2017, sau Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia.

Đặc biệt, trong năm 2018, sẽ có thêm nhiều tàu cập bến, chỉ riêng hãng Princess Cruises sẽ có 31 chuyến, với khoảng 80.000 lượt du khách quốc tế.

 

Du thuyền Island Princess ở Alaska.

Điểm sáng của khu vực Châu Á

Đại diện hãng tàu du lịch Princess Cruises (một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất và tiên phong trong ngành du lịch tàu biển thế giới), vừa mới công bố sẽ tăng số lượng các chuyến hải trình tàu nghỉ dưỡng lên hơn 40% vào năm 2018 so với năm 2017 nhằm mục đích phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng bằng du thuyền ngày càng tăng đến Việt Nam.

Hơn 58.000 du khách quốc tế đã đến các cảng biển Việt Nam (Phú Mỹ, Nha Trang, Đà Nẵng và Cái Lân) trên 22 chuyến hành trình trong năm 2017 của hãng này. Và năm nay, 6 du thuyền của Princess Cruises gồm Majestic Princess, Sapphire Princess, Diamond Princess, Golden Princess, Sun Princess và Coral Princess sẽ thực hiện 31 chuyến hải trình và đưa hơn 80.000 du khách đến Việt Nam xuyên suốt cả năm.

 

Tàu biển 5 sao đưa khách quốc tế ghé Việt Nam.

“Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến phổ biến với du khách từ Mỹ, Australia, Châu Âu, cũng như các nước Châu Á, trong đó du ngoạn bằng du thuyền được xem là một trong những cách tốt nhất để khám phá một trong những vùng đất tuyệt vời của hành tinh này. Để đáp ứng nhu cầu trên, chúng tôi đã tăng cường đáng kể số lượng hải trình của mình nhằm mang đến cho du khách nhiều lựa chọn hành trình du ngoạn thú vị,” ông Farriek Tawfik, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Princess Cruises chia sẻ.

Princess Cruises cũng cam kết phát triển ngành du lịch biển Việt Nam bằng việc đưa khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến thăm quan Việt Nam trên những chiếc du thuyền của tập đoàn. Mỗi du thuyền sẽ đóng góp vào nền kinh tế địa phương bằng việc sắp xếp chương trình du lịch địa phương cho khách khám phá cảnh quan, thăm quan mua sắm, thưởng thức ẩm thực, văn hóa Việt Nam, cũng như nhập thêm nguồn thực phẩm địa phương tươi ngon làm phong phú thêm cho các bữa ăn trên tàu.

Xu hướng nghỉ dưỡng du thuyền

Thống kê từ nguồn Boston Consulting Group cho thấy trong khu vực Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện đang phát triển nhanh nhất. Tính đến năm 2020, tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam dự đoán sẽ tăng gấp đôi, lên 33 triệu người và chiếm khoảng 1/3 dân số, đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong mắt các nhãn hàng tiêu dùng.

 

Bể bơi trên du thuyền hạng sang Golden Princess.

Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu người Việt đi du lịch nghỉ dưỡng tại nước ngoài cũng sẽ tăng lên, trong đó có các chọn lựa hành trình du lịch bằng đường biển đến các điểm đến Châu Âu và Châu Á.

Ông Farriek Tawfik dẫn số liệu từ Hiệp hội Các hãng du lịch tàu biển quốc tế (Cruise Lines International Association), cho thấy nhu cầu du lịch tàu nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tăng 126% trong giai đoạn 2012-2016, được xem là mức tăng trưởng cao nhất trong các quốc gia thuộc khu vực Châu Á.

Theo đó, năm 2012, Việt Nam chỉ đón khoảng 158 hành khách, con số này đã tăng lên 4.100 hành khách vào năm 2016. Sự tăng trưởng vượt bậc này đã thể hiện tiềm năng to lớn của thị trường du lịch tàu nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Nhưng liệu hạ tầng của chúng ta có đủ lực để “tải” tiềm năng đó không? Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông Farriek Tawfik cho rằng Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực cần cải thiện về cơ sở hạ tầng để thu hút các du thuyền ghé thăm.

Làm gì để thu hút thêm các hãng tàu biển

Ông Farriek Tawfik phân tích, xu hướng du lịch trên du thuyền nghỉ dưỡng tại khu vực Châu Á đang gia tăng với tỷ lệ rất tốt, trong đó có thị trường Việt Nam, vì thế sẽ có nhiều hãng cập bến Việt Nam.

 

Majestic Princess ghé cảng Singapore hồi tháng 6-2017.

Hiện tại chúng ta có thể thấy có nhiều tàu với kích cỡ lớn hơn và hải trình kéo dài hơn so với thời gian trước, cụ thể là trước đây các du thuyền sẽ khởi hành từ tháng 11 đến tháng 2 nhưng hiện tại có những tàu kéo dài hải trình đến tận tháng 4 hoặc cuối năm sau. Điều đó cho thấy tiềm năng của khu vực và riêng thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng lên.

Theo ông, để thu hút các hãng tàu, các quốc gia phải đáp ứng được hai điều kiện: Thứ nhất về hàng hải, cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ liên quan; thứ hai là các dịch vụ thương mại liên quan đến những địa điểm du lịch tại mỗi quốc gia, điều này có thể được ưu tiên hơn vấn đề cơ sở hạ tầng nếu nơi đó sở hữu những địa điểm thăm quan đủ hấp dẫn khách du lịch.

Hiện tại, khu vực ASEAN đã thành lập Ủy ban Du thuyền ASEAN, trong đó Singapore là nước chủ tịch, thực hiện công tác tập hợp, điều phối giữa các quốc gia và tạo điệu kiện nhằm thu hút hơn nữa các hãng tàu cập bến không chỉ Singapore mà toàn khu vực.

“Điều quan trọng nữa là các quốc gia cần tạo ra môi trường thân thiện cho khách du lịch như cấp visa, thủ tục tại cảng biển một cách đơn giản hơn và linh hoạt hơn trong công tác kiểm soát hành khách lên và xuống tàu tại những bến cảng khác nhau. Tóm lại, các quốc gia đang có những chính sách rất tốt nhằm thu hút hơn nữa hình thức du lịch nghỉ dưỡng bằng du thuyền này,” ông Farriek Tawfik nói. 

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top