Du lịch Ðiện Biên

Cần một “cú hích” để đột phá

08:57 - Thứ Tư, 24/01/2018 Lượt xem: 4983 In bài viết
ĐBP - Trong những năm qua, tỉnh Ðiện Biên luôn xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ðiều đó đã được khẳng định bằng nhiều nghị quyết và các chương trình, kế hoạch hành động về phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh đang có...

Từ nhận thức đến hành động

Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng nên ngay từ năm 2002, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 17/NQ-TU, ngày 18/10/2002 về phát triển du lịch đến 2010. Trong hơn chục năm qua đã có nhiều nghị quyết và chương trình, kế hoạch hành động cụ thể được triển khai. Ngày 16/7/2016, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh việc Ðiện Biên phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ. Như vậy có thể thấy Ðiện Biên đã được Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã xác định được tầm quan trọng để quyết tâm, kiên trì thực hiện phát triển du lịch.

 

Du khách tham quan đồi A1.

Trong hơn 15 năm qua, du lịch Ðiện Biên đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Năm 2010, có khoảng 300.000 lượt khách, trong đó 50.000 lượt khách quốc tế; năm 2016 khoảng 480.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là khoảng 80.000 lượt; năm 2017 khoảng 600.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 120.000 lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 950 tỷ đồng. Nhìn vào kết quả của năm 2017 có thể nhận thấy, ngoài việc đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch còn góp phần giải quyết việc làm cho trên 12 ngàn lao động, trong đó khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp.

Với kết quả đạt được như vậy có thể coi là tích cực, tuy nhiên nếu đem kết quả so sánh với các tỉnh trong khu vực thì du lịch Ðiện Biên vẫn chưa có được vị thế tương xứng. Theo thống kê từ Hội nghị tổng kết “Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2017” được tổ chức tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trong năm 2017, lượng du khách đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đạt 24 triệu lượt người và doanh thu khoảng 18 nghìn tỷ đồng. Từ mối tương quan ấy đã đặt ra cho ngành du lịch tỉnh ta nhiều câu hỏi!

Nói đến sự chênh lệch khá lớn so với các tỉnh trong khu vực, ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cũng thừa nhận: Mặc dù chúng ta đã có sự chuyển đổi về mặt nhận thức nhưng phát huy như thế nào để đem lại hiệu quả vẫn đang là một bài toán khó. Cái khó ở đây là tính chuyên nghiệp còn hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, thiếu nguồn lực và công tác quảng bá, tuyên truyền chưa hiệu quả… Tuy nhiên, theo chúng tôi vấn đề cốt lõi để có thể giải bài toán là phát triển đúng hướng, nâng cao chất lượng và làm phong phú các dịch vụ du lịch chứ không chỉ ở công tác tuyên truyền quảng bá.

Chưa đánh thức tiềm năng

Qua tìm hiểu và phân tích có thể nhận thấy, hầu như các thế mạnh của tỉnh ta vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác và phát huy hiệu quả. Ðầu tiên phải kể đến quần thể các di tích lịch sử trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Những năm qua, các di tích này đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo và được kiên cố hóa để bảo đảm tính bền vững. Tuy nhiên, tính nguyên bản ở một số điểm di tích thì cũng còn nhiều vấn đề. Ðể phát triển du lịch thì không thể chỉ dựa vào các di tích lịch sử, mặc dù không thể phủ nhận nó là nền tảng quan trọng. Du khách đến Ðiện Biên với mục đích tham quan chiến trường Ðiện Biên Phủ thì họ chỉ đến một lần và chỉ trong một ngày đã có thể đi hết các điểm di tích. Ðể du khách lưu lại dài ngày hoặc trở lại nhiều lần thì không thể không có các điểm du lịch phụ cận, có sức hấp dẫn để thu hút khách. Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn chưa thực sự có những điểm du lịch như vậy.

Ngoài thế mạnh kể trên, Ðiện Biên còn có nhiều tiềm năng vô cùng hấp dẫn khác, như: Một nền văn hóa phong phú, đa sắc tộc, cùng với đó là các làng nghề truyền thống; phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng; hệ thống hang động nguyên sơ… Ngoài ra, đa số khách du lịch trẻ đặt mục tiêu chinh phục, khám phá 11 điểm đến là: “4 cực, một đỉnh, 2 ngã ba biên giới và tứ đại đỉnh đèo”. Trong khi đó, Ðiện Biên chiếm ưu thế vì có 3 trong 11 mục tiêu, đó là: Ngã ba biên giới gắn với cột mốc số 0 A Pa Chải, đó cũng chính là cực Tây của Tổ quốc; đèo Pha Ðin, một con đèo hùng vĩ và nên thơ vào bậc nhất Tây Bắc. Ở đối tượng này tuy có chỉ số chi tiêu thấp nhưng lại có khả năng quảng bá, lan tỏa lớn. Thực tế là như vậy, tuy nhiên những tiềm năng vô cùng giá trị ấy vẫn chưa được chú trọng đầu tư khai thác hoặc khai thác chưa hiệu quả. Một ví dụ cụ thể trong trường hợp này là mỗi năm, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh hay dịp 30/4, hàng nghìn du khách đổ về khu vực ngã ba biên giới A Pa Chải để chinh phục cột mốc số 0. Nhưng đa số lấy làm tiếc vì suốt quãng đường gần 300km không có bất cứ một điểm dừng chân nào thực sự hấp dẫn. Mặt khác, các dịch vụ du lịch như ăn, ngủ cũng chỉ có thể nhờ đến lực lượng Biên phòng là chủ yếu.

Cần một “cú hích”

Ðể thực hiện quyết tâm phát triển du lịch Ðiện Biên trở thành trung tâm du lịch của cả nước, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội. Ngày 27/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3786/KH-UBND, đây là kế hoạch hành động để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kế hoạch này có tính chất, nội dung rất quan trọng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến các cấp cơ sở để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để thành công cần thêm những nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học; phương án thực thi cụ thể. Nếu chúng ta vẫn nặng về tuyên truyền, giới thiệu những thành tích trong quá khứ mà chưa thực sự đặt nhu cầu thiết thực của du khách làm mục tiêu hướng tới thì e rằng vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khuôn khổ bài viết chúng tôi không thể nêu hết những ý kiến chủ quan về chiến lược phát triển du lịch của tỉnh nhà vì đây là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, có thể khẳng định, để triển khai thực hiện kế hoạch này hiệu quả thì rất cần có những mục tiêu chiến lược cụ thể, chi tiết và đúng hướng. Muốn làm được như vậy rất cần sự tham gia có trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Ðặc biệt là sự tham gia, đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch để Kế hoạch 3786/KH-UBND thực sự trở thành “cú hích”, tạo nên một bước đột phá cho du lịch Ðiện Biên trong những năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top