Ðánh thức lợi thế ven sông

09:50 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 6419 In bài viết
ĐBP - Sông Ðà - con sông hung dữ bậc nhất trước đây, nay đã được chinh phục, ngoan ngoãn phục vụ lợi ích con người. Ba nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu đã biến dòng sông đầy ghềnh thác hiểm trở thành mặt hồ rộng gần 600km2. Lợi ích không chỉ ở việc ba nhà máy thủy điện mỗi năm cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia khoảng 25 tỷ Kwh, góp phần chống lũ và điều tiết nước cho đồng bằng sông Hồng, mà mặt hồ thủy điện còn mang lại điều kiện to lớn cho phát triển thủy sản và tiềm năng du lịch của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu.

 

Người dân đánh bắt cá trên sông.

Vừ A So là một thanh niên 9X ở thôn Hồng Ngài, xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa). Gương mặt sáng sủa, dáng người nhanh nhẹn, Vừ A So nổi bật so với những thanh niên cùng lứa. Dám nghĩ, dám làm, So năng động đến mức... liều lĩnh khi dám quăng cả đống tiền xuống sông Ðà để làm kinh tế. 3 năm trước, So đầu tư hơn 200 triệu đồng làm bè, mua cá giống để nuôi cá lồng trên sông Ðà. Ðó là một số tiền lớn, đặc biệt đối với một thanh niên dân tộc thiểu số vùng cao như So. Nói So có phần... liều vì từ bé đến lớn đã nuôi cá bao giờ đâu! Trên núi chỉ thạo nuôi lợn, chăn trâu. Hỏi động cơ nào thúc đẩy, So chậm rãi kể bằng một giọng từ tốn: Ban đầu em cũng không định làm một mình vì thật ra cũng hơi... sợ! Vì mô hình này mới quá đối với người dân chỉ quen sản xuất trên nương. Năm 2014, em tham dự lớp tập huấn ở huyện về phát triển thủy sản. Sau buổi tập huấn là những ngày tiếp tục “sớt” mạng internet nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về nuôi cá lồng. Khi đã nắm... sơ sơ kiến thức nuôi cá lồng càng khiến So quyết tâm “chốt hạ”. Ðiều kiện mặt nước thì quá dồi dào - mặt hồ sông Ðà mênh mông ngay kia. Chỉ có điều ít vốn. Khi ấy, Vừ A So đang làm Bí thư chi đoàn thôn Hồng Ngài, So đã vận động thanh niên trong bản chung vốn đầu tư nhưng ít người ủng hộ. Họ e ngại vì trên địa bàn chưa có ai làm thế cả. Vừ A So đành đầu tư một mình. Anh bán 3 con trâu, chục con lợn, vay ngân hàng chính sách xã hội 40 triệu đồng, vay của anh em họ hàng 20 triệu đồng nữa để làm lồng, nuôi cá. Sau bao lo toan tất bật, bè nuôi cá gồm 15 ô lồng, mỗi ô rộng 5m2, sâu 4m cũng hoàn thành. So thả nuôi nhiều loại cá: Trắm, chép, rô phi, trê lai và lăng. Cuối cùng thì lần đầu tiên ở xã vùng cao Huổi Só, xuất hiện lồng cá trên sông. Những ô vuông dập dềnh quây trọn vốn liếng và hy vọng của một thanh niên người Mông trên sông Ðà. Bè cá lồng của So ở khu vực bản Huổi Ca, cách Hồng Ngài chừng 4km. Bè cá nằm trên đoạn sông từ cầu Hang Tôm, TX. Mường Lay về đến cầu Pá Uôn, Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) mà ngày trước, trong thiên tùy bút “Người lái đò Sông Ðà”, nhà văn Nguyễn Tuân đã tả: Nắng không rọi tới mặt sông bởi dòng chảy giữa các khe núi sâu trên 1.000m vô cùng hoành tráng và đầy thác ghềnh hung dữ, nước xoáy tít mù. Nhưng nay sông Ðà đã trở thành mặt hồ yên ả. Nguồn nước sạch và cũng nhiều thức ăn tự nhiên cho cá của So. Năm 2016, So bán mẻ cá đầu tiên, khoảng hơn 1 tạ. Sau đó, So tập trung đầu tư loài cá giá trị cao: lăng sông Ðà. Hiện nay, trong lồng cá của So là một tài sản lớn: Khoảng 1 tấn cá lăng, con to cũng nặng hơn 3kg.

Ngoài lồng cá của Vừ A So, hiện nay ở Huổi Só cũng có một bè cá lồng ở thôn 1. Tuy chưa đầu tư nhiều khoa học kỹ thuật trong quy trình nuôi thả, vẫn còn tận dụng nhiều nguồn thức ăn tự nhiên nhưng đây là hai trường hợp tiêu biểu cho sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Ðáng khen cho những thanh niên dân tộc thiểu số nhanh nhạy tư duy, nhận thấy và đang từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển kinh tế. Mong rằng, những “lá cờ đầu” này tiếp tục giương cao, cổ vũ để không chỉ người dân xã vùng cao nghèo khó Huổi Só, mà các xã lân cận sẽ noi theo, tìm hướng làm kinh tế mới.

 

Một góc bến Huổi Lóng, xã Huổi Só (Huyện Tủa Chùa).

Hồ thủy điện tích nước, sông Ðà trở nên hiền hòa, yên ả mang lại bao kỳ vọng phát triển cho những địa bàn dân cư dọc đôi bờ. Không chỉ là tiềm năng to lớn về phát triển thủy sản mà còn là vận tải đường thủy, phát triển du lịch đường sông... Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt, có định hướng quy hoạch du lịch 14 tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc bộ. Theo quy hoạch, 2 tỉnh Sơn La - Ðiện Biên với địa danh Mộc Châu, hồ Thủy điện Sơn La, Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Trong đó dòng sông Ðà uốn lượn quanh những khe núi kỳ vĩ và những cánh rừng rậm rạp, vẽ nên bức tranh thủy mặc khổng lồ - là thế mạnh về du lịch đường thủy, loại hình du lịch rất hấp dẫn du khách.

Huyện Tủa Chùa nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa, lịch sử như: Chợ phiên Xá Nhè, chợ phiên Tả Sìn Thàng, cao nguyên đá Tả Phìn, di tích thành Vàng Lồng - di sản văn hóa cổ của dân tộc Mông được xây dựng cách đây gần 3 thế kỷ. Tiềm năng du lịch sinh thái, khám phá của Tủa Chùa hấp dẫn du khách với hệ thống hang động nguyên sơ đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia: Hang động Xá Nhè, hang Khó Chua La (xã Xá Nhè) và hang Pê Răng Ky (xã Huổi Só) đang đề nghị công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Ngoài ra Tủa Chùa còn có những sản phẩm ẩm thực nổi tiếng như: rượu Mông Pê, gà đen, dê núi đá, chè cây cao…

Ðược biết ngày 17/11/2017, tại thành phố Hòa Bình đã diễn ra Hội nghị định hướng, giải pháp xây dựng tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2017. Các tỉnh đã thống nhất liên kết khảo sát xây dựng tuyến du lịch đường thủy trên sông Ðà đi qua 4 tỉnh: Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Hòa Bình và nghiên cứu, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đường thủy tại mỗi tỉnh. Tủa Chùa có 2 xã sông Ðà chảy qua là Tủa Thàng và Huổi Só, ngược dòng lên TX. Mường Lay, sang Nậm Nhùn (Lai Châu), xuôi dòng về Quỳnh Nhai (Sơn La) nối liền với lòng hồ Thủy điện Sơn La. Tuyến sông này có thể phát triển sản phẩm du lịch sông nước, tạo thành một tour du lịch liên hoàn. Ví dụ: Ðền Lê Thái Tổ, Bia Lê Lợi (Nậm Nhùn, Lai Châu) - thị xã ngã ba sông Mường Lay; hang động Pê Răng Ky, Huổi Só (Tủa Chùa, Ðiện Biên) - cầu Pá Uôn, đền Nàng Han (Quỳnh Nhai, Sơn La)... chưa kể hàng chục thôn, bản các dân tộc Thái, Mông, Dao với những bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt nằm dọc tuyến sông.

Tiềm năng rất lớn, nhưng để kết nối, xây dựng tuyến du lịch đường sông, chúng ta cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch, liên kết các điểm đến, tạo thành các tua, tuyến phù hợp. Ưu tiên quảng bá, xúc tiến, giới thiệu rộng rãi về tiềm năng du lịch đường thủy trên sông Ðà tới các doanh nghiệp lữ hành và du khách. Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng, cách làm du lịch cộng đồng cho nhân dân các dân tộc thôn, bản ven sông...

Bài, ảnh: Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top