Khai thác điểm du lịch trải nghiệm

Ðúng hướng nhưng chưa hiệu quả

08:55 - Thứ Năm, 29/03/2018 Lượt xem: 7322 In bài viết
ĐBP - Khoảng 2 năm trở lại đây, tại Ðiện Biên có gần chục điểm du lịch trải nghiệm gắn với thiên nhiên đã lần lượt xuất hiện và gây được sự chú ý của đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ. Mỗi điểm đến như vậy được đưa vào khai thác lại tạo nên một hiệu ứng lan tỏa trên mạng xã hội khiến nhiều người tò mò và phải một lần tìm đến để “check-in”. Một số cái tên xuất hiện khá sớm như: Pha Ðin lộng gió (huyện Tuần Giáo), Tằng Quái lầu (huyện Mường Ảng) rồi tiếp theo là Tằng Quái bay, Tuyệt tình cốc, vườn hoa tam giác mạch, vườn hoa cải hay Bách hoa viên... ở TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên.

Có thể thấy, tất cả các khu vực được khai thác đều có một điểm chung là tận dụng lợi thế từ thiên nhiên; tuy vậy để tôn lên những giá trị sẵn có và làm phong phú các dịch vụ du lịch thì chưa nơi nào làm được hoặc làm chưa tới. Hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc trồng hoa, cây cảnh và xây dựng một số hạng mục mang tính trang trí, mới lạ để phục vụ nhu cầu chụp ảnh mà chưa đi vào chiều sâu. Sự đầu tư còn mang tính bột phát, “ăn sổi” mà không có chiến lược, quy hoạch lâu dài. Thậm chí có nơi còn dùng hoa giả để lấp đầy khoảng trống hoặc đưa vào những hạng mục mang tính tạm bợ, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên... Những điểm này gần như không có các hoạt động trải nghiệm, khám phá mà chỉ dừng lại ở việc tạo ra những không gian nhỏ có yếu tố bắt mắt để phục vụ chụp ảnh lưu niệm, ảnh cưới... Có lẽ vì những lý do như vậy mà hiện nay những điểm du lịch này mới chỉ thu hút được các đối tượng là khách trong tỉnh, trong đó chủ yếu là giới trẻ hoặc các gia đình đi chơi dịp cuối tuần. Quy mô chưa đủ lớn và chưa thực sự hấp dẫn để thu hút khách du lịch ngoại tỉnh khi đến Ðiện Biên.

Ðể có cái nhìn toàn diện về loại hình du lịch mới này, chúng tôi đã có dịp khám phá, trải nghiệm một số mô hình ở Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La). Ở đó đã hình thành những chuỗi địa điểm du lịch, có sự liên kết chặt chẽ tạo nên sự khép kín để du khách có thể tham quan và kéo dài thời gian lưu trú. Ðáng chú ý là tại mỗi điểm du lịch như vậy, du khách có thể lựa chọn nhiều dịch vụ phù hợp với nhu cầu: Ngoài ra cũng có những điểm do người dân địa phương tự khai thác với quy mô nhỏ để trồng hoa phục vụ chụp ảnh; hoặc trồng cây ăn quả để du khách tham quan kết hợp với bán sản phẩm tại vườn. Dù ở quy mô lớn hay nhỏ thì cũng có thể nhận thấy cách làm du lịch ở đây khá chuyên nghiệp, mang tính lâu dài và có mục đích rất cụ thể tùy theo mức độ đầu tư.

Không thể phủ nhận việc khai thác và nhân rộng các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với thiên nhiên đang là bước đi đúng hướng. Các mô hình thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lượt khách tham quan/ngày trong dịp lễ, tết hay ngày nghỉ cuối tuần. Có thể thấy, đó là thành công bước đầu mà loại hình này mang lại. Song để duy trì và phát triển bền vững cần có sự gắn kết chặt chẽ với du lịch truyền thống, lịch sử vốn là thế mạnh của địa phương để tạo nên sự liên hoàn, khép kín. Từ đó làm phong phú các dịch vụ du lịch, tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt để thu hút du khách. Ðể làm được như vậy, các cơ quan quản lý du lịch cần có những giải pháp, định hướng mang tính liên kết có hệ thống để các điểm du lịch này phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top