Phát huy giá trị di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ

10:14 - Thứ Sáu, 27/04/2018 Lượt xem: 7655 In bài viết
ĐBP - 64 năm đã trôi qua, song những giá trị của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ vẫn được lưu giữ thông qua công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Những việc làm ý nghĩa đó đã góp phần quan trọng trong việc đưa di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ trở thành một trong những địa danh du lịch lịch sử, thu hút đông đảo du khách đến với Ðiện Biên.

Thăm lại những địa danh lịch sử của Chiến trường Ðiện Biên Phủ, du khách không khỏi bồi hồi bởi tầm vóc và quy mô hoành tráng của trận chiến “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Dù các di tích đã được trùng tu, tôn tạo rất nhiều song vẫn không mất đi vẻ trang nghiêm của nó; khiến ai đến với nơi đây cũng nghẹn ngào xúc động, niềm tự hào về một dân tộc anh hùng đã đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Bà Như Ý, khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ðây là lần thứ 3 tôi đến Ðiện Biên. Khác với những năm trước, giờ đây Ðiện Biên thay đổi rất nhiều. Nhà cửa mọc lên san sát, thành phố ngày càng khang trang và đặc biệt là các di tích lịch sử cũng được trùng tu, tôn tạo rất xứng tầm. Hầm Ðờ-cát, Ðồi A1 cũng như các chứng tích lịch sử đã được lắp đặt hệ thống mái vòm che mưa, che nắng. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ được đầu tư xây dựng với quy mô lớn để phục vụ việc trưng bày các hiện vật, hình ảnh, những mô hình tái hiện lại chiến công của quân và dân ta đã đi vào lịch sử...”.

 

Di tích Ðồi A1 được phục dựng, trùng tu thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Khác với bà Như Ý, đây là lần đầu Trần Hoài Nam, du khách từ tỉnh Nghệ An đến thăm Chiến trường Ðiện Biên Phủ, anh Nam cho biết: Lần đầu tiên đến với Ðiện Biên, thăm các di tích nằm trong quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ: Tôi rất xúc động vì được thăm lại chiến trường xưa - nơi cha ông đã từng chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc. Ðến đây, trải nghiệm, tham quan các địa danh thuộc khu di tích, anh đã phần nào cảm nhận được những gian nan, vất vả của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ. Nơi đây là mảnh đất lịch sử, ghi dấu ấn thời hào hùng của dân tộc; thông qua các di tích lịch sử này sẽ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nhớ đến công lao to lớn của cha ông. Vì vậy, việc phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của di tích có ý nghĩa vô cùng quan trọng và rất cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, cho biết: Hiện nay, quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần; trong đó có 8 điểm được đưa vào phục vụ khách tham quan (có thu phí), gồm: Nhà trưng bày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hầm Ðờ-cát, Ðồi A1, Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng, Tượng đài Chiến thắng tại thành phố Ðiện Biên Phủ, Tượng đài kéo pháo tại Di tích Ðường kéo pháo bằng tay xã Nà Nhạn, Di tích Him Lam và Bãi duyệt binh mừng chiến thắng tại xã Mường Phăng. Những năm qua, được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, bên cạnh việc sửa chữa, trùng tu các di tích đang phục vụ khách tham quan, nhiều di tích thành phần được đầu tư tôn tạo, đưa vào sử dụng để phát huy giá trị lịch sử. Năm 1999, nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, dự án đầu tư tu bổ cấp thiết một số hạng mục quan trọng nhất của khu di tích là: Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng, Hầm Ðờ-cát, Ðồi A1 và nâng cấp Nhà trưng bày, cầu Mường Thanh (được thay thế 90% gỗ mặt cầu, đánh rỉ và sơn lại toàn bộ khung sắt cầu) đã đem lại hiệu quả cao trong việc chống xuống cấp di tích. Ðợt tu bổ, tôn tạo quy mô lớn nhất từ trước đến nay là theo Quyết định số 225/QÐ-TTG ngày 26/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án Tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, một số di tích đã được đầu tư tôn tạo, tiếp tục tu bổ thêm nhiều hạng mục, đưa tuyến tham quan tại những di tích này được kéo dài và nhiều nội dung hơn; qua đó đã tái hiện một cách đầy đủ, chân thực và sống động nhất trận đánh vĩ đại của quân và dân ta. Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ là công trình trọng điểm chào mừng Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). Năm 2014, giai đoạn I của công trình đã được khánh thành, bàn giao và kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ khách tham quan, nổi bật là Nhà trưng bày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ với nhiều hạng mục quan trọng bằng mô hình, khối tượng và trên 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh… đã khái quát về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta. Bên cạnh việc sửa chữa, trùng tu các di tích đang phục vụ khách tham quan, nhiều di tích thành phần được đầu tư tôn tạo, đưa vào sử dụng để phát huy giá trị đặc biệt. Thời gian qua, công tác xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị di tích được đẩy mạnh; cụ thể là trong 2 năm (2012 - 2013), Tổng Công ty Ðầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đã đầu tư xây dựng mái che hiện vật ngoài trời bằng kính cường lực cho 13 hiện vật và di tích ngoài trời tại nhiều vị trí, đã góp phần bảo vệ di tích, bảo quản hiện vật một cách tối ưu. Ðây có thể coi là một nỗ lực lớn trong việc bảo tồn, tôn tạo, nhằm phát huy giá trị của di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ.

Trong thời gian tới, ngoài 8 điểm di tích được đưa vào phục vụ khách tham quan (có thu phí), UBND tỉnh giao cho ngành Văn hóa xây dựng đề án tiếp tục bảo tồn, lựa chọn các điểm di tích tiêu biểu, có giá trị lịch sử cao để phục dựng lại và bảo tồn theo Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030. Cùng với đẩy mạnh công tác quảng bá về du lịch lịch sử, hy vọng rằng công tác trùng tu, tôn tạo Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ sẽ ngày càng phát huy, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử, để du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ðiện Biên.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top