Góp phần phát triển kinh tế du lịch ở Huổi Só

09:05 - Thứ Tư, 09/05/2018 Lượt xem: 7510 In bài viết
ĐBP - Lễ đón Bằng công nhận xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp quốc gia di tích Hang động Pê Răng Ky được cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Huổi Só và huyện Tủa Chùa long trọng tổ chức ngày 23/4/2018. Tại buổi lễ, ông Lý Thanh Dôn, Bí thư Ðảng ủy xã Huổi Só, phấn khởi cho biết: “Huổi Só sẽ cố gắng để thực sự là điểm đến của du khách tham quan, khám phá, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh. Hang động này được người dân địa phương phát hiện cuối năm 2015, nằm cách trung tâm xã 7km. Từ khi phát hiện, chính quyền và người dân đã bảo vệ nguyên trạng. Hang nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, dài hơn 800m, gồm 3 khoang với các cửa lớn, mỗi khoang có vẻ đẹp tự nhiên khác nhau. Khoang thứ nhất sâu 388m, khoang thứ 2 sâu 226m, khoang thứ 3 sâu 202m. Trong hang có những nhũ đá nhiều màu: Xám, trắng, vàng, bạch kim... do thời gian và điều kiện tự nhiên làm cho nhũ đá tạo nên hình thù các con vật, dụng cụ lao động sản xuất, gia dụng... nhìn bắt mắt, tạo cho du khách tham quan cảm giác yên bình nhưng lôi cuốn khám phá. Khi gõ vào nhũ đá, tạo nên những âm thanh trầm bổng khác nhau. Ðáy hang Pê Răng Ky có dòng nước ngầm trong vắt, dưới ánh sáng điện hoặc đèn pin các nhũ đá làm cho hang động lung linh huyền ảo. Với nhiều đặc điểm kỳ bí như vậy, nếu được đầu tư các dịch vụ hỗ trợ, điều kiện thuận lợi để du khách có thể tham quan, khám phá Pê Răng Ky sẽ không chỉ thu hút được du khách đến mà còn có thể mời được du khách trở lại vào những lần sau...”.

Chúng tôi tin vào những chia sẻ của ông Lý Thanh Dôn, song cũng thấy Tủa Chùa nói chung, xã Huổi Só nói riêng không chỉ có lợi thế này mà còn có nhiều thế mạnh khác để thu hút du khách đến và trở lại vào lần sau. Ðó là không gian văn hóa đa dân tộc với nhiều hấp dẫn; địa hình, địa chất đặc biệt. Sống trên những triền núi đá, những thung lũng màu mỡ của vùng cao nguyên đá, đồng bào dân tộc Mông, Dao của Huổi Só rất giỏi canh tác trên nương và ruộng bậc thang. Ðồng bào 2 dân tộc nói trên vẫn lưu giữ tốt bản sắc văn hóa dân tộc: Ẩm thực, nghề thêu dệt trang phục thổ cẩm, rèn nông cụ, đan lát đồ mây, tre, lễ hội dân tộc...

Với địa hình có nhiều núi đá, đồng bào dân tộc thiểu số sống đan xen, xã Huổi Só điều kiện tự nhiên có địa mạo, địa chất, hệ sinh thái đặc thù. Ẩn mình trong núi đá vôi hùng vĩ là danh lam thắng cảnh, hang động huyền bí, kỳ tích. Thiên nhiên ban tặng cho xã Huổi Só có dòng sông Ðà chảy qua, nhờ xây dựng công trình Thủy điện Sơn La, lòng sông Ðà qua đoạn Huổi Só đã trở thành lòng hồ. Tạo thuận lợi cho người dân đi lại bằng thuyền và đánh bắt thủy sản...

Nếu Huổi Só nói riêng, huyện Tủa Chùa nói chung thực sự đánh thức được tiềm năng du lịch này sẽ là một giải pháp khả thi để làm xiêu lòng du khách. Còn gì hợp lý hơn khi mà, chỉ trong một chuyến du lịch với địa điểm không quá xa, chi phí không hề đắt, thủ tục đơn giản mà có thể vừa được trải nghiệm, thỏa mãn nhu cầu nhiều như thế. Du khách có thể ngắm những cung đường đèo dốc quanh co, với mây, gió; sống trong không gian đậm đà bản sắc dân tộc; thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng và mua những món đồ lưu niệm thú vị (thổ cẩm, nông cụ, chè tuyết shan...).

Ðể bảo tồn và phát huy giá trị của Hang động Pê Răng Ky, theo ông Lý Thanh Dôn, những năm tới xã Huổi Só sẽ kiến nghị Nhà nước ưu tiên đầu tư hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở. Cụ thể, nâng cấp đường giao thông từ bản Tà Huổi Tráng (xã Tủa Thàng) đến hang động (dài 26km), điện thắp sáng trong hang động để thuận tiện cho du khách tham quan, chiêm ngưỡng.

Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top