Làm mới để thu hút du khách

08:39 - Thứ Năm, 10/05/2018 Lượt xem: 9263 In bài viết
ĐBP - Tạo được nét khác biệt trong các sản phẩm du lịch để thu hút du khách luôn là vấn đề được những người làm du lịch tỉnh nhà quan tâm. Ðể tìm lời giải cho câu hỏi đó, thời gian qua, các cấp, ngành và cả những cá nhân, đơn vị trong ngành Du lịch đã và đang nỗ lực tự làm mới mình bằng những sản phẩm du lịch đặc trưng của Ðiện Biên.

Ngoài các di tích lịch sử, Ðiện Biên còn có nền văn hóa phong phú của 19 dân tộc và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng hệ thống danh lam thắng cảnh hoang sơ. Nhờ đó mà thời gian qua, du lịch tỉnh nhà bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định thu hút một lượng khách không nhỏ đến tham quan, trải nghiệm. Chỉ tính riêng trong quý I/2018, lượng khách du lịch đến Ðiện Biên là trên 192.200 lượt, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó khách quốc tế đạt trên 49.000 lượt, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt gần 320 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chưa thể bằng lòng với những kết quả đã đạt được, du lịch tỉnh nhà vẫn cần những sự thay đổi mang tính đột phá từ những người làm du lịch. Và thực tế cũng cho thấy, đã có không ít sự thay đổi, từng bước tạo nên diện mạo mới cho du lịch tỉnh nhà.

 

Ðại diện người dân bản văn hóa du lịch trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ giới thiệu các món ăn dân tộc Thái tới du khách quốc tế. Ảnh: Sầm Phúc

Ông Phạm Văn Thăng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Ðầu tiên phải kể đến thương hiệu Lễ hội Hoa ban, được tổ chức thường niên nhưng các hoạt động luôn phong phú, đa dạng và liên tục có sự đổi mới phù hợp với thị hiếu của du khách. Trong đó, sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa các dân tộc Ðiện Biên luôn là điểm nhấn quan trọng, như: Thi trình diễn trang phục truyền thống; các môn thể thao dân tộc (tù lu, cà kheo, giã bánh dày…). Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Trung tâm phối hợp với Nhà hàng Dân tộc quán xây dựng một khu homestay tại xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên) phục vụ du khách có nhu cầu đến tham quan, trải nghiệm thực tế những nét văn hóa độc đáo của người bản địa. Ngoài ra, Trung tâm cũng phụ trách xây dựng khu chợ phiên vùng cao tại đất trống cạnh di tích Hầm Ðờ-cát để giới thiệu văn hóa truyền thống của 19 dân tộc anh em trên mảnh đất Ðiện Biên. Ðây là hoạt động góp phần làm phong phú thêm sản phẩm tại các điểm du lịch, là điểm đến thu hút du khách sau khi đã tham quan các di tích trên địa bàn. Dự kiến, các điểm trên sẽ hoàn thành trong quý IV/2018 để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, còn có thể thấy sự thay đổi tại các bản văn hóa trên địa bàn huyện: Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ như: Bản Mển, Him Lam 2, Noong Chứn, Phiêng Lơi... Ðến với các điểm này, du khách được thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn hóa, văn nghệ. Nhưng dẫu có hát hay, múa dẻo, nấu ăn khéo léo đến mấy mà vẫn cứ dập khuôn theo một mô típ chung cũng sẽ khiến du khách cảm thấy đơn điệu, nhàm chán và khó có dịp quay lại lần thứ 2. Ðể làm mới mình, tạo sức hút với du khách, các bản văn hóa đã và đang nỗ lực thay đổi cung cách phục vụ sao cho chuyên nghiệp; thay đổi thực đơn món ăn vừa giữ được nét truyền thống vừa kết hợp với những nét hiện đại để đáp ứng nhu cầu của thực khách. Anh Cà Văn Ơn, đội trưởng đội ẩm thực bản Mớ, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ), chia sẻ: Ngoài các món ăn truyền thống của dân tộc Thái, các đầu bếp của đội đã đến một số nhà hàng ẩm thực dân tộc để học hỏi kinh nghiệm trong chế biến các món ăn, cách trình bày, học chế biến thêm một số món mới, tạo điểm nhấn, sự khác biệt trong mâm cỗ với các địa phương khác để du khách thực sự có ấn tượng với văn hóa ẩm thực Ðiện Biên.

Một điều đáng mừng nữa, cùng với một số khu du lịch sinh thái có tên tuổi, thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư xây dựng các điểm du lịch mang dáng dấp của một khu du lịch sinh thái. Ví dụ như điểm du lịch Nậm Khẩu Hu, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) với nhiều nét hoang sơ được gìn giữ nguyên vẹn; du khách có thể vừa tham quan, chụp hình lưu niệm vừa có thể tổ chức các hoạt động dã ngoại. Hoặc các điểm khác như Bách hoa viên, Tuyệt tình cốc… cũng khai thác, tận dụng được vẻ đẹp thiên nhiên tại chỗ cùng với sự đầu tư khá bài bản theo nhu cầu của du khách. Với khoảng cách di chuyển phù hợp từ trung tâm thành phố, các điểm du lịch này phần nào đáp ứng được trào lưu du lịch tìm về với thiên nhiên, cây cỏ. Ngoài phục vụ người dân trong tỉnh, các điểm này đang làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của địa phương, góp phần níu chân du khách ngoài tỉnh khi đến với Ðiện Biên.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ngành Du lịch cũng đã có nhiều cố gắng để từng bước hoàn thiện mình, xây dựng nên các sản phẩm du lịch mới, đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của du khách. Tuy nhiên, để tạo được nét khác biệt trong các sản phẩm du lịch để thu hút du khách là một lộ trình dài, cần có sự cố gắng, nỗ lực không chỉ của ngành Du lịch mà còn cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top