Ðưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

08:44 - Thứ Tư, 16/05/2018 Lượt xem: 11114 In bài viết
ĐBP - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 03/NQ - TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 03), bức tranh du lịch Ðiện Biên đã có nhiều khởi sắc. Bước đầu đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đất Ðiện Biên Phủ anh hùng.

Từ năm 2016 đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường quán triệt, chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai có hiệu quả các mục tiêu về phát triển du lịch. Từng bước củng cố và tăng cường công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp các dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tế, đưa nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương thành những sản phẩm du lịch có giá trị bền vững. Trọng tâm phát triển du lịch dựa trên 4 tiềm năng chính là du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh.

 

Du khách tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Hàng loạt kế hoạch liên quan đến phát triển du lịch được UBND tỉnh ban hành, như: Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đền năm 2030; lập đề cương nhiệm vụ, dự toán kinh phí thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đến năm 2025 tầm nhìn đền năm 2030... Hiện nay, Ðiện Biên đang rốt ráo xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch; cơ chế đặc thù tạo đột phá thu hút các tập đoàn, tổng công ty, nhà đầu tư phát triển các dự án du lịch cao cấp tại Khu du lịch quốc gia Ðiện Biên Phủ - Pá Khoang; tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.

Ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch cho biết: Với định hướng rõ ràng, hiện nay tỉnh đã và đang tập trung khai thác giá trị lịch sử của quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ và bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, giá trị cốt lõi là quần thể di tích chiến trường gắn với chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng trải nghiệm dựa trên các giá trị lịch sử. Ngoài ra, việc giới thiệu ẩm thực và văn hóa các dân tộc (đặc biệt là dân tộc Thái) tại các bản văn hóa đã góp phần thu hút lượng lớn du khách tới Ðiện Biên. Bên cạnh các sản phẩm du lịch chính, việc phát triển các dòng sản phẩm du lịch bổ trợ đã góp phần đa dạng hóa và phong phú hơn các chương trình du lịch, tăng sự hấp dẫn, thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, như: Du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, tâm linh… Nhất là du lịch tâm linh vài năm gần đây vươn lên trở thành tiềm năng, thế mạnh khi Ðiện Biên có 4 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia - nơi có hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Với các giải pháp đồng bộ, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện, dựng xây để đưa du lịch Ðiện Biên thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Minh chứng thuyết phục, rõ ràng cho hướng đi đúng đắn này là lượng khách du lịch đến Ðiện Biên năm sau cao hơn năm trước, lượng du khách nước ngoài cũng tăng đáng kể. Năm 2017, Ðiện Biên thu hút hơn 600.000 lượt du khách tới tham quan. 3 tháng đầu năm 2018, Ðiện Biên thu hút 192.200 lượt du khách (tăng 19,2%); thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt hơn 319,5 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2017). Những kết quả khả quan này đã góp phần tích cực giải quyết hàng loạt vấn đề lao động, việc làm, cơ cấu các ngành kinh tế của địa phương. Và đó cũng là bước chuyển, thành công ban đầu để Ðiện Biên tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, đưa du lịch Ðiện Biên thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top