Ðổi mới hoạt động tại di tích Ðồi A1

08:36 - Thứ Sáu, 08/06/2018 Lượt xem: 10411 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã nỗ lực đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ và khai thác, phát huy giá trị của Di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Tuy nhiên, trước tình hình đổi mới, phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực, đặc biệt với định hướng phát triển du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn mà Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, đòi hỏi phải có sự đổi mới tư duy, nhận thức và những việc làm cụ thể thiết thực.

Ðể phát huy giá trị di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã triển khai cơ chế tự chủ, liên kết, đẩy mạnh xã hội hóa trên cơ sở khai thác các hoạt động dịch vụ và dịch vụ trải nghiệm cho khách tham quan tại di tích Ðồi A1. Ðây là dự án chính trong công tác điều chỉnh một số hạng mục tại di tích Ðồi A1, nhằm thu hút khách tham quan, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, lịch sử ngày càng cao của người dân.

 

Cán bộ, nhân viên Tập đoàn Masan hóa thân thành chiến sĩ tham quan di tích Ðồi A1. Ảnh: Anh Tuấn

Di tích Ðồi A1 là một trong những điểm đón nhiều khách tham quan nhất trong quần thể Di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ. Trên cơ sở đánh giá phân tích thực trạng của hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Ðồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã nghiên cứu xây dựng và đề xuất những nhiệm vụ cụ thể nhằm đổi mới công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử Ðồi A1, như: cải tạo cảnh quan, môi trường; thiết kế, quy hoạch khu vườn hoa, cây cảnh dọc theo tuyến tham quan và thiết kế khu dừng chân để khách du lịch nghỉ ngơi và trải nghiệm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến những hạng mục di tích đã được bảo tồn, tôn tạo. Dựng quầy giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: Chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, thịt hun khói; chuyển toàn bộ các ki ốt bán hàng sang khu dịch vụ nhằm quản lý chặt chẽ các mặt hàng, tránh tình trạng chặt chém, chèo kéo, bán hàng giả cho khách tham quan.

Với định hướng khai thác, phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch, lần đầu tiên tại di tích Ðồi A1, đơn vị tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với chương trình tham quan như tổ chức nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm với chủ đề “Bữa cơm chiến sĩ”, khách tham quan sẽ được tự tay nấu ăn bằng những nguyên liệu, thực phẩm được sử dụng trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954, như: rau tàu bay, rau dớn, củ sắn, củ mài, củ riềng, những món ăn đặc sản địa phương... nhằm giới thiệu và tái hiện lại những hoạt động mang tính sáng tạo của các chiến sĩ nuôi quân trong điều kiện khó khăn ngay tại chiến trường ác liệt. Một hoạt động nổi bật khác là trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Xe đạp thồ được sưu tầm, chế tạo đúng như loại xe thồ trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, với những bao tải hàng nặng từ 50 - 300kg để du khách trải nghiệm đẩy, vận chuyển hàng hóa leo dốc từ điểm đón khách tham quan lên đỉnh đồi; dịch vụ chụp ảnh với trang phục bộ đội, dân công... Với những hoạt động trải nghiệm này, khách tham quan sẽ được nghe thuyết minh về sự kiện, hướng dẫn cách thức thực hiện và tham gia sự kiện theo nhu cầu.

Ngoài ra, vào những dịp cuối tuần, Bảo tàng sẽ mời nhân chứng, các chiến sĩ Ðiện Biên Phủ năm xưa, những người đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ kể chuyện về trận đánh tại cứ điểm Ðồi A1 và giao lưu với khách du lịch. Ðồng thời tổ chức chương trình văn nghệ, chủ yếu là các bài hát ca ngợi chiến thắng Ðiện Biên, ca ngợi mảnh đất và con người Ðiện Biên hoặc phối hợp với các công ty du lịch tổ chức theo yêu cầu của du khách.

Sau một thời gian, cảnh quan, môi trường tại di tích Ðồi A1 đã có những thay đổi đáng kể. Khu vực vườn hoa, cây cảnh, thảm hoa được quy hoạch trồng, chăm sóc thường xuyên tạo cho di tích diện mạo mới hấp dẫn khách đến tham quan. Số lượng khách tham quan, trải nghiệm tăng cao. Theo thống kê năm 2017 là 83.295 lượt người, tăng 8.000 lượt người so với năm 2016. Hoạt động trải nghiệm đã nhận được phản hồi tích cực của khách du lịch. Ðiển hình, Tập đoàn Masan tại thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện một chương trình trải nghiệm lịch sử có quy mô, bài bản và thiết thực với sự tham gia của nhiều du khách bao gồm: Thi đẩy xe đạp thồ và nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm tại Ðồi A1; tổ chức đêm giao lưu văn nghệ và nghe cựu chiến binh Ðiện Biên Phủ kể chuyện tại sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng; thi đào chiến hào tại thao trường Lữ đoàn 82.

Với sự đổi mới này, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để xây dựng thiết kế khu vực dừng chân, nghỉ ngơi mua sắm các sản phẩm du lịch và trải nghiệm các hoạt động tại khu vườn vải và sự chung tay góp sức của các đơn vị lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên trong công tác chăm sóc, vệ sinh môi trường, khu vực di tích.

Vũ Thị Tuyết Nga (Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ)
Bình luận
Back To Top