Nâng cao chất lượng phục vụ du khách

08:26 - Thứ Sáu, 15/06/2018 Lượt xem: 10605 In bài viết
ĐBP - Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), lượng du khách đến Ðiện Biên trong năm 2017 tăng 25% so với năm 2016; dự ước 6 tháng đầu năm đạt trên 70% kế hoạch năm 2018. Những con số trên cho thấy, Ðiện Biên đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra thách thức đối với ngành VH,TT&DL là phải làm gì để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

 

Du khách và người dân tham quan, mua sắm tại các gian hàng trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội Hoa ban năm 2018.

Theo ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, những năm gần đây lượng khách đến với Ðiện Biên tăng dần theo từng năm là nhờ sự thay đổi nhận thức về phát triển du lịch từ các cấp, ngành đến các doanh nghiệp, cá nhân đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Có thể thấy điều đó qua việc Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; HÐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển du lịch Ðiện Biên và UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành chương trình hành động cụ thể. Từ đó, các cấp, ngành dành sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành công nghiệp không khói này. Hơn nữa, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng nhận thấy nguồn thu nhập hấp dẫn từ du lịch nên không còn coi đây là lĩnh vực “tay trái” bắt đầu chuyển hướng đầu tư bài bản hơn, phục vụ du khách tốt hơn. Ngay cả người dân cũng bắt đầu hình thành tư duy phát triển kinh tế từ du lịch, dịch vụ khi thấy lượng hàng hóa, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, giá cả ổn định hơn khi mùa du lịch về. Có thể thấy rằng, sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền cùng sự đồng thuận của đại bộ phận người dân nên du lịch tỉnh nhà đã và đang phát triển mạnh mẽ.

Cũng theo ông Ðoàn Văn Chì, để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, điều đầu tiên cần phải làm đó là nâng cao chất lượng điểm đến. Trong đó, ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đội ngũ làm công tác quản lý Nhà nước đến các đơn vị kinh doanh du lịch. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ tại các điểm di tích thường xuyên được tập huấn, nâng cao kỹ năng đón tiếp khách, chào hỏi, thuyết minh… và được du khách đánh giá cao. Ðồng thời, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ buồng phòng, kỹ năng phục vụ khách để tạo ấn tượng đẹp cho du khách khi đến với Ðiện Biên. Một nhiệm vụ quan trọng khác là phát triển sản phẩm du lịch. Như chúng ta đã biết, sản phẩm chính của du lịch Ðiện Biên là du lịch lịch sử, thời gian qua, du lịch tỉnh nhà đã xây dựng thành công thương hiệu Lễ hội Hoa ban cùng với các lễ hội khác như: Lễ hội Thành bản Phủ, Ðua thuyền đuôi én Mường Lay… Riêng Sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang nếu doanh nghiệp phát triển được cũng sẽ nâng tầm lên thành lễ hội. Những lễ hội, sự kiện trên đã góp phần không nhỏ thu hút, phục vụ nhu cầu vui chơi, trải nghiệm của du khách khi đến Ðiện Biên. Ngoài ra, sản phẩm du lịch cộng đồng cũng nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và nhiều doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Ðầu tháng 6 vừa qua, đoàn công tác của Sở VH,TT&DL đã tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương có thế mạnh trên lĩnh vực này, như: Thái Nguyên, Hòa Bình, Sơn La… Thực tế cũng cho thấy nhiều cá nhân, đơn vị mạnh dạn đầu tư những điểm du lịch sinh thái, khu homestay để phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng xây dựng phương án, cho phép doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các di tích được xếp hạng để khai thác hiệu quả hơn. Tất cả những sản phẩm du lịch đó không nằm ngoài mục đích kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Bởi ngoài thời gian tham quan các di tích lịch sử, du khách sẽ có thêm nhiều cơ hội để thưởng thức danh lam thắng cảnh, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của các dân tộc tỉnh Ðiện Biên.

Di tích lịch sử nổi tiếng, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng nhưng hạ tầng giao thông còn khá khó khăn là trở ngại cho phát triển du lịch Ðiện Biên. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần có sự đầu tư hơn nữa cho hạ tầng giao thông, nhất là đường hàng không. Khi Cảng Hàng không Ðiện Biên hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, tỉnh sẽ có chương trình làm việc với các hãng hàng không giá rẻ để mở đường bay lên TP. Ðiện Biên Phủ, tạo điều kiện tối ưu cho du khách. Ngoài ra, đường đến các điểm di tích còn khá khó khăn, nhất là các điểm di tích nằm ngoài khu vực TP. Ðiện Biên Phủ. Do đó, cần có sự đầu tư đồng bộ tuyến đường đến các điểm di tích, hạ tầng kỹ thuật phải được mở rộng cả số lượng và quy mô. Tỉnh ta cũng đang có nhiều giải pháp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thêm các nhà hàng, khách sạn với các tiêu chuẩn từ sang trọng tới bình dân để du khách có thêm sự lựa chọn khi đến với Ðiện Biên.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top