Điểm đến hấp dẫn của vùng sông nước miền Tây

14:34 - Thứ Tư, 18/07/2018 Lượt xem: 11258 In bài viết
Chợ nổi Cái Răng là điểm đến không thể thiếu trong các tua du lịch sông nước miền Tây Nam Bộ. Với nhiều giá trị văn hóa độc đáo, mang những nét đặc trưng của Cần Thơ, năm 2016, chợ nổi Cái Răng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Nằm trên sông Cái Răng, cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và gần 30 phút đi thuyền nếu xuất phát từ bến Ninh Kiều. Đây là một trong những chợ nổi lớn nhất của miền Tây Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của miền sông nước. Người đi chợ và các thương lái di chuyển bằng đủ loại phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng. Không chỉ có ý nghĩa về mặt thương mại, ngày nay chợ nổi Cái Răng còn là một điểm đến không thể thiếu trên tuyến du lịch miền Tây, góp phần thúc đẩy du lịch Cần Thơ phát triển.

 

Chợ nổi Cái Răng tấp nập từ sáng sớm.

Chợ Cái Răng thường họp từ khá sớm, nhưng đông nhất là vào khoảng bảy đến tám giờ hằng ngày. Có đủ loại hàng hóa, đặc sản miền Tây Nam Bộ được bày bán trên các ghe, xuồng, nhưng mặt hàng chủ yếu vẫn là trái cây ở các miệt vườn đổ về. Không cần đến những biển hiệu như các hàng quán trên phố, mỗi chủ ghe hàng thường treo trên các cây sào chống hoặc trên đầu mũi ghe các mặt hàng mà họ bán. Vào giờ cao điểm, nhộn nhịp người mua, kẻ bán trên các ghe, xuồng len lỏi mặt sông Cái Răng. Bên cạnh ghe, xuồng bán hàng nông sản, trái cây, còn có các ghe, xuồng phục vụ nhu cầu ăn uống, cà-phê giải khát và cả những quán nhậu nổi trên sông. Xuồng, ghe thương hồ từ các miền đổ về và xuồng, ghe đưa khách đi chợ, đi tham quan cứ thế tấp nập ra vào, luồn lách trên mặt sông...

Cũng vì mang những nét đặc trưng trong giao thương của vùng sông nước Nam Bộ mà chợ nổi Cái Răng thu hút sự quan tâm của khách du lịch, nhất là khách nước ngoài và là điểm đến không thể thiếu trong các tua du lịch trải nghiệm miền Tây. Xác định đây là một trong những điểm giao thương kinh tế và du lịch tiêu biểu của địa phương và vùng đồng bằng sông Cửu Long, UBND thành phố Cần Thơ đã triển khai đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng giai đoạn 2016 đến 2020 và tầm nhìn 2030” nhằm giữ gìn các di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng vùng sông nước, phát triển chợ nổi Cái Răng trong vai trò đầu mối trung chuyển nông sản của vùng theo hướng trên bến dưới thuyền, bảo đảm an toàn giao thông thủy và phát triển du lịch. Cũng từ đề án này, ngành du lịch thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng sức hấp dẫn cho khu chợ nổi, liên kết tua, tuyến du lịch đưa khách về miền Tây. Gần đây nhất, thành phố tổ chức Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng năm 2018, dự kiến hoạt động này sẽ diễn ra hằng năm. Lượng khách đến Cần Thơ đạt hơn 300 nghìn lượt người hằng năm, riêng chợ nổi Cái Răng đã thu hút hơn 145 nghìn lượt người tham quan.

Chợ nổi Cái Răng có nhiều tiềm năng, nhưng nhìn chung việc khai thác chưa thật sự tương xứng và còn thiếu tính chuyên nghiệp. Mức thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút khách du lịch và doanh thu của chợ vẫn khá thấp. Một trong những nguyên nhân là do quy hoạch phát triển chưa đồng bộ, chợ chưa có bến tàu du lịch và các nhà hàng, quán ăn chuyên phục vụ du khách, cũng chưa xây dựng được các nhà vệ sinh đạt chuẩn cùng hệ thống xử lý rác thải, dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; khu vực chợ nổi chưa có bến tàu du lịch. Cũng vì phần lớn tiểu thương tại chợ kinh doanh theo hình thức tự phát, cho nên giá cả, chất lượng cũng như ý thức bảo vệ môi trường chưa bảo đảm.

Để phát triển du lịch, theo ý kiến nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp làm du lịch, khu chợ nổi Cái Răng cần đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách khi tham quan sông nước gắn với các tuyến du lịch sinh thái miệt vườn; đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của Cần Thơ, tránh tình trạng hàng hóa chung chung, chất lượng kém, giá cả không đồng nhất. Thực hiện các biện pháp quản lý về giá ghe tàu cũng như giá hàng hóa, dịch vụ tại chợ nổi để thống nhất, niêm yết rõ ràng, giúp du khách yên tâm sử dụng dịch vụ, không lo bị ép giá và “chặt, chém”. Bên cạnh đó, cần có giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch; nhất là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên có trình độ, kiến thức, thông thạo ngoại ngữ.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top