Chào mừng Tuần Văn hóa – Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2018

Về miền danh thắng

15:16 - Thứ Tư, 26/09/2018 Lượt xem: 7237 In bài viết
Năm 2007, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải là Di tích cấp quốc gia nhằm tôn vinh giá trị lao động sự cần cù, chịu khó của một phương thức canh tác lúa nước độc đáo của đồng bào Mông nơi đây.

Từ cuộc sống du canh, du cư...

Ngược dòng lịch sử, người Mông xuất hiện ở Mù Cang Chải cách đây trên 300 năm (từ 4 đến 5 đời người) đây là cả một vùng rừng núi bao la, đất đai tươi tốt chưa có dấu chân con người. Người Mông di cư từ Hà Giang, Lào Cai sang theo nhóm quan hệ gia đình. Họ tìm những mảnh rừng có đất tốt để chặt hạ cây, phát cỏ để vài ngày cây khô thì đốt để làm nương. Họ dùng một cây gỗ loại tốt và chắc, dùng một đầu đẽo nhọn một đầu, bắt đầu cuộc hành trình lao động để mưu sinh.

 

Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang là niềm tự hào của Mù Cang Chải - Yên Bái, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Người đàn ông đi trước rồi chọc từng lỗ xuống đất. Người vợ lưng địu con, tay thì tra hạt lúa, hạt ngô. Họ làm việc thật cần mẫn và giản đơn. Do cuộc sống không ổn định nay đây mai đó nên ngôi nhà ở của họ cũng đơn giản, dễ tháo dỡ khi di chuyển.

Do đất tốt nên khi cho thu hoạch được 2 đến 3 vụ lúa, ngô, họ lại bỏ mảnh nương, mảnh rẫy đó tìm một quả đồi khác rồi chặt hạ cây rừng, rồi lại đốt nương làm rẫy, cứ như vậy hết đời ông, đời cha, rồi con cháu họ, đốt nương làm rẫy như nhu cầu sinh tồn, họ để lại sau lưng là đồi núi trọc, đất bạc màu, cằn cỗi; đồng nghĩa với đời sống nghèo đói, đeo đẳng, bám riết như một định mệnh.

.... Đến phương thức canh tác độc đáo

Người Mông sớm nhận thức được những hiểm họa nếu cứ du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy. Họ đã tìm ra một phương thức canh tác là trồng lúa nước. Trước hết, họ tìm những mảnh đất thấp dưới chân đồi hoặc thung lũng mà thuận lợi để làm ruộng. Việc làm ruộng cũng như ở vùng đồng bằng vẫn là "con trâu là đầu cơ nghiệp”, sức kéo của trâu tạo lên những mảnh ruộng mới điều tiết cho thời tiết vùng cao đất lành nên họ cứ chỉ sản xuất một vụ chính (vụ hè thu). Chính làm ruộng mới tạo ra hạt thóc, hạt gạo nhiều hơn và cuộc sống cũng đỡ đói nghèo hơn. Nhu cầu lao động sản xuất ngày một phát triển, họ tiếp tục khai phá làm ruộng lên cao.

Bàn tay lao động làm nên Danh thắng với bản tính cần cù, chịu khó và đầy sức sáng tạo. Đồng bào Mông Mù Cang Chải từ canh tác chủ yếu đồi nương làm rẫy, gắn với cuộc sống du canh, du cư phiêu bạt từ cánh rừng này sang cánh rừng khác tồn tại hàng trăm năm nay chuyển sang phương thức canh tác làm ruộng từ ruộng ở chỗ thấp hay các thung lũng rồi canh tác lúa ruộng trên những sườn đồi. Đó là một quá trình đầy sáng tạo và rất độc đáo, bởi bàn tay, sự sáng tạo đến kỳ diệu của người Mông.

Từ vài héc-ta ruộng bậc thang nay toàn huyện có trên 4.000 ha lúa ruộng, trong đó, 2/3 là lúa ruộng bậc thang. Điều kỳ diệu là diện tích lúa ruộng bậc thang đẹp nhất lại tập trung 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Đúng là một kỳ tích, người Mông Mù Cang Chải đã tạo lên những "mâm xôi vàng” tròn trịa hay những "nấc thang vàng”, rồi "vũ điệu của các vòng tròn” để rồi hôm nay, ruộng bậc thang trở thành Di tích cấp quốc gia là niềm tự hào về thành quả lao động không biết mệt mỏi.

Phát huy và gìn giữ giá trị Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang, hàng năm, khi mùa lúa trên những thửa ruộng bậc thang bắt đầu chín từ trung tuần tháng 9, huyện Mù Cang Chải đều tổ chức Lễ hội khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang nhằm tôn vinh giá trị lao động của dân tộc Mông; đồng thời, quảng bá, giới thiệu tiềm năng lợi thế của địa phương, cũng là dịp để du khách trong nước và bạn bè quốc tế về đây để trải nghiệm và thỏa sức sáng tạo vẻ đẹp của miền non cao, như lời mời gọi tha thiết để rồi khi chia tay vẫn còn lưu luyến: "Nhớ lắm Mù Cang Chải ơi!”.

P.V (Theo Báo Yên Bái)
Bình luận
Back To Top