Tăng cường liên kết để phát triển kinh tế (Kỳ 1)

15:05 - Thứ Năm, 29/11/2018 Lượt xem: 4593 In bài viết
Thời gian qua, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía bắc đã tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, hoạt động kết nối giao thương và liên kết phát triển du lịch được đánh giá đạt hiệu quả rõ nét nhất. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của các địa phương vẫn chưa được khai thác tương xứng, cần sớm có giải pháp, cơ chế phối hợp mạnh hơn để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong vùng nhanh và bền vững.

Bài 1: Ðẩy mạnh giao thương

Hoạt động kết nối, giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía bắc được tiến hành bài bản, đạt hiệu quả cao trong hai năm qua không chỉ tạo ra những chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, mà còn giúp doanh nghiệp trong nước đứng vững hơn trên sân nhà, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng của khu vực.

 

Người tiêu dùng Hà Nội mua sản phẩm nông sản Sơn La tại siêu thị Hapro.

Phát huy vai trò đầu tàu

Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc. Không chỉ là thị trường bán lẻ sôi động với hơn 10 triệu người dân sinh sống, có nhu cầu lớn về các mặt hàng thực phẩm an toàn, Hà Nội còn là trung tâm bán buôn, nơi có các doanh nghiệp đầu mối lớn có thể xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Trong khi đó, nhiều tỉnh khu vực phía bắc có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, nhiều nông sản chất lượng tốt, nhưng do sản xuất thiếu quy hoạch, không kết nối với thị trường, dẫn đến nhiều thời điểm cung vượt cầu, gây tình trạng ế thừa, nông dân bị thiệt hại.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế khu vực miền bắc, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 27-10-2016 về việc hợp tác toàn diện với các địa phương trong nước, trọng tâm là hợp tác hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong khu vực trên một số lĩnh vực mà Hà Nội có thế mạnh, tập trung đẩy mạnh hợp tác khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các địa phương tại Hà Nội và ngược lại. Mục tiêu là giúp các địa phương phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững, bảo đảm bình ổn giá thị trường, thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, bên cạnh đó còn giúp doanh nghiệp trong nước đứng vững hơn trên sân nhà, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng của khu vực. Sau khi Kế hoạch được ban hành, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và các tỉnh vùng núi phía bắc đã ký các biên bản hợp tác phát triển. Từ đó, các ngành, địa phương triển khai các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh việc kết nối, khai thác, tiêu thụ hàng hóa hai chiều giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, qua khảo sát tại các địa phương cho thấy, nhiều sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền có chất lượng tốt, nhưng sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu chỉ dẫn địa lý. Nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa hấp dẫn... cho nên không đủ tiêu chuẩn đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Hà Nội.

Ðể giúp các địa phương khắc phục những hạn chế này, các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội đã tư vấn hỗ trợ các địa phương thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói, lấy giấy chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm, tem truy suất nguồn gốc để hàng hóa đủ tiêu chuẩn đưa vào kênh phân phối hiện đại. Từ năm 2016 đến 2018, Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức hai hội nghị, 28 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm; 18 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương khu vực phía bắc tại Hà Nội; ký kết gần 1.000 biên bản ghi nhớ giữa các nhà sản xuất các tỉnh, thành phố với các nhà phân phối của Hà Nội...

Ðến nay đã có hơn 500 sản phẩm mới của các địa phương được các nhà phân phối của Hà Nội đưa vào kênh phân phối trên địa bàn và triển khai vào hệ thống phân phối toàn quốc. Nhiều nông sản thực phẩm của các địa phương, sau khi được các đơn vị của Hà Nội hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, đã được người tiêu dùng Thủ đô biết đến, ưu tiên lựa chọn như: cam Cao Phong (Hòa Bình), vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), na Chi Lăng (Lạng Sơn), nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Sơn La, rau củ an toàn của Sơn La, Hải Dương, Sa Pa (Lào Cai)...

Ngoài việc hỗ trợ các nhà sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp 28 tỉnh phía bắc đưa các sản phẩm như chè, cà-phê, thực phẩm chế biến, quả vải, quả chanh leo, quả thanh long, các loại gia vị, thực phẩm đóng hộp... vào hệ thống phân phối tại nước ngoài, như hệ thống Aeon (Nhật Bản), Lottemart (Hàn Quốc), Centragroup (Thái-lan), chợ đầu mối Ringis (Pháp). Một số doanh nghiệp thương mại chủ lực của Hà Nội như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chủ động liên kết với các địa phương, tạo nguồn hàng hóa chất lượng cao, đưa vào bán tại hệ thống siêu thị Hapromart, Intimex, Seika Mart và xuất khẩu mặt hàng vải tươi và các loại rau vụ đông sang thị trường các nước Ðông - Nam Á và Ðu-bai, góp phần quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Chính quyền các địa phương cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến nông sản tại các địa phương, tạo nguồn hàng bền vững. Tại tỉnh Lào Cai, hiện có năm doanh nghiệp của Hà Nội phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Lào Cai, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai sản xuất và cung ứng gạo đặc sản Séng Cù, rau sạch... cho thị trường Hà Nội.

Tại tỉnh Sơn La, các tập đoàn kinh tế lớn như: TH, Vingroup, Quế Lâm, Công ty CP Tập đoàn FLC; các công ty: Vina T&T, GreenPath, chế biến thực phẩm xuất khẩu Ðồng Dao... đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng trang trại trồng trọt, cơ sở chế biến nông sản. Bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần GreenPath Việt Nam - đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng 100% chế phẩm sinh học vào chăm bón sản phẩm nông nghiệp, chia sẻ: Vụ nhãn năm nay, công ty đã phối hợp doanh nghiệp xuất khẩu nhãn Sơn La sang thị trường Mỹ. Bạn hàng đánh giá nhãn Sơn La cùi dày, ngọt dịu, có vị thơm đặc trưng hơn cả nhãn Ca-li có tiếng ở Mỹ. Với thành công này, công ty quyết định đầu tư một nhà máy chế biến, bảo quản hoa quả tại huyện Mai Sơn để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất, mở ra những cơ hội mới cho sản phẩm trái cây vùng Tây Bắc.

Ðược mùa, được giá, hợp lòng dân

Việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông sản tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã giúp lãnh đạo các địa phương thay đổi nhận thức, tổ chức lại sản xuất theo hướng chú trọng sản xuất sản phẩm tốt, an toàn, đồng thời giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ sản phẩm, lo đầu ra cho nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết: Hai năm qua, Sơn La đã chuyển dịch hơn 24 nghìn ha đất trồng ngô, đất dốc sang trồng cây ăn quả. Riêng năm 2018 tỉnh đã trồng mới 13 nghìn ha cây ăn quả, tạo ra vùng nguyên liệu cây ăn quả 57.439 ha, đạt sản lượng 256 nghìn tấn, với các loại cây ăn quả có thế mạnh, như: xoài, nhãn, cam, hồng giòn, bơ, thanh long,… Hiện tỉnh đang phát triển 61 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Sản lượng nông sản, thủy sản an toàn cung ứng ra thị trường chín tháng đầu năm 2018 đạt: 18.096 tấn, trong đó tiêu thụ tại thị trường Hà Nội đạt 7.077 tấn, chủ yếu tiêu thụ thông qua hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn như: Vinmart, Fivimart, Big C, Aeon, Biggreen, Hapromart, Bác Tôm, Sói Biển, các chợ đầu mối tại Hà Nội.

Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên... tuy giá trị sản xuất nông nghiệp hiện chỉ chiếm 10% GRDP của địa phương, nhưng với nguồn lao động dồi dào, đất đai phì nhiêu, giao thông thuận tiện... cũng quyết tâm chuyển dịch sản xuất theo mô hình phát triển nông nghiệp sạch, an toàn.

Tại tỉnh Bắc Ninh hai năm nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, cải cách thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp ngoài tỉnh, nhất là doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn, đem lại việc làm ổn định, thu nhập cao cho người lao động trên địa bàn. Có thể kể đến như: mô hình trồng rau tía tô trong nhà lưới tại huyện Lương Tài của Công ty May mặc Hồ Gươm; mô hình trang trại trồng trọt - chăn nuôi công nghệ cao của Công ty cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Delco - chi nhánh Bắc Ninh với diện tích 5 ha đất sản xuất, cho thu nhập khoảng 3 tỷ đồng/ha/năm...

Ở tỉnh Hải Dương, đến nay đã xây dựng được 51 cơ sở sản xuất rau, củ, quả an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, diện tích 662 ha, sản lượng đạt hơn 13.600 tấn/năm, chuyên cung cấp cho các siêu thị lớn, cửa hàng rau quả an toàn và phục vụ xuất khẩu. Trong đó, có gần 132 ha trồng vải tại 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu đi Mỹ, Ô-xtrây-li-a, các nước EU.

Cách làm bài bản trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu đã giúp nông sản các địa phương hai năm gần đây đều được mùa, được giá, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Tại Lạng Sơn, nhờ kết nối tiêu thụ mà nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản được tiêu thụ nhanh, giá cả ổn định, mang lợi nhuận cho người sản xuất. Hơn 100 nghìn tấn rau đặc sản được trồng chủ yếu ở TP Lạng Sơn, các huyện Cao Lộc và Lộc Bình mang lại giá trị hơn 800 tỷ đồng. Ðáng chú ý là cây na, với hơn 355 ha, năm qua cho sản lượng lên đến 3.500 tấn, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng, nhiều hộ dân trồng na đạt lợi nhuận từ 100 triệu đến 150 triệu đồng/năm.

Ở Lào Cai, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung ở huyện Sa Pa đã góp phần nâng giá trị canh tác lên 50 triệu đồng/ha, cải thiện đời sống của người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa Lê Tân Phong cho biết: "Do lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu cho nên ở đây, mỗi năm người dân có thể sản xuất được từ ba đến bốn vụ rau, với sản lượng 1.500 tấn; bên cạnh đó cung ứng hàng triệu bông hoa hồng và hàng chục nghìn chậu địa lan cho thị trường Hà Nội. Giá trị sản xuất nông nghiệp của riêng Sa Pa đạt hơn 50 tỷ đồng/năm".

Ông Bùi Trọng Trung - Giám đốc HTX rau an toàn Mai Anh ở xã Sa Pả (huyện Sa Pa) - đơn vị liên kết với Công ty cổ phần Green Farm (Hà Nội) cho biết: HTX vận động các hộ dân có đất liền kề vào HTX bằng hình thức góp đất, góp công cùng sản xuất. Khi đến vụ thu hoạch rau, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, trả đầy đủ tiền bán rau cho thành viên, sau khi trừ các chi phí dịch vụ đầu vào. Mỗi ngày HTX cung ứng khoảng 4 tấn rau, củ sạch cho công ty đưa vào hệ thống nhà ăn của các trường học quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay, diện tích rau của HTX Mai Anh đã mở rộng lên 40 ha, với sự tham gia của 53 xã viên, thu nhập mỗi hộ thành viên khoảng 6 đến 7 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, kết quả hợp tác, liên kết tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh phía bắc vẫn còn một số khó khăn, bất cập do sản xuất các mặt hàng nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ; việc quản lý chất lượng sản phẩm trong quá trình trồng và lưu thông, công tác bảo quản, sơ chế còn hạn chế; còn ít doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho nông dân, dẫn đến khi các doanh nghiệp phân phối cần lượng hàng hóa lớn với chất lượng bảo đảm, đồng nhất gặp khó khăn. Một cán bộ chuyên thu mua hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Hà Nội phản ánh, vùng nguyên liệu xuất khẩu còn phân tán, giống cây chưa đồng đều, diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn còn thấp so với tổng diện tích; còn phát sinh lúng túng trong tổ chức thu hoạch nông sản theo thời vụ, làm chậm tiến độ đơn hàng xuất khẩu…

Ðể việc kết nối, giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục chủ động đề xuất, phối hợp trong việc thực hiện các chương trình, hoạt động liên kết trên cả năm nhóm nhiệm vụ, từ tổ chức vùng nguyên liệu bền vững theo quy hoạch, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực đơn vị thu gom phân phối và xuất khẩu, thu hút đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến, xuất khẩu và làm tốt công tác dự báo thị trường.

Về phía Hà Nội, thành phố cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, tiếp cận kênh phân phối. Mục tiêu là tạo ra những chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa hiệu quả, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn phục vụ xuất khẩu lâu dài, bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội các địa phương, giữ vững an ninh - quốc phòng của khu vực.

(Còn nữa)
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top