Tăng cường liên kết để phát triển kinh tế (Tiếp theo và hết)

15:07 - Thứ Năm, 29/11/2018 Lượt xem: 8069 In bài viết

Bài 2: Du lịch khởi sắc

Hoạt động liên kết du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía bắc trong thời gian gần đây đã giúp tăng cường hiệu quả khai thác, thu hút khách, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần đánh thức các tiềm năng du lịch. Nhiều chương trình du lịch liên kết giữa các tỉnh, thành phố được thiết kế hài hòa giữa việc tham quan danh lam, thắng cảnh với thưởng thức vẻ đẹp văn hóa của các vùng miền. Nhờ đó, số lượng khách và doanh thu từ du lịch đều tăng mạnh.

 

Du khách tham quan đồi chè Mộc Châu (Sơn La).

Khai thác điểm mạnh của từng địa phương

Chỉ cách đây ít ngày, Tuần Văn hóa du lịch Sơn La được tổ chức tại không gian đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Những sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông được tái hiện sống động giữa lòng Thủ đô; đặc sản của vùng núi rừng Tây Bắc như măng khô, mật ong, trà các loại... cũng hấp dẫn khách du lịch. Hàng chục nghìn lượt người đã háo hức đến với sự kiện này. Chương trình kết thúc mở ra nhiều cơ hội, khi rất nhiều khách tham quan trong nước, quốc tế muốn tìm đến Sơn La để thưởng ngoạn cảnh đẹp, thưởng thức các đặc sản văn hóa... Ðây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch đang diễn ra sôi động tại Hà Nội.

Tại các tỉnh miền bắc, hoạt động liên kết phát triển du lịch được triển khai theo hai xu thế chính: Liên kết để phát huy thế mạnh của địa phương trên cơ sở tương đồng về tài nguyên, thí dụ như: Hải Phòng - Quảng Ninh liên kết về du lịch biển; các liên kết cùng khu vực: Lào Cai - Yên Bái, Thái Nguyên - Bắc Cạn - Cao Bằng - Tuyên Quang - Hà Giang - Lạng Sơn… hoặc liên kết để bổ trợ cho nhau như liên kết giữa các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình với các tỉnh vùng núi phía bắc, nơi hạ tầng chưa phát triển, nhân lực làm du lịch còn hạn chế. Trong đó Hà Nội đóng vai trò trung tâm, vừa là thị trường du lịch lớn nhất, vừa là nơi thu hút đông khách du lịch nhất, đồng thời cũng là nơi "phân phối" khách quốc tế đi các tỉnh, bởi Hà Nội đóng vai trò cửa ngõ giao thương quốc tế. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải cho biết: Ðặc thù của lĩnh vực du lịch là nhà quản lý đóng vai trò "tạo hành lang" cho các doanh nghiệp hoạt động. Hà Nội vừa là thị trường du lịch, vừa là cửa ngõ đón khách quốc tế, qua đó có thể kết nối các địa phương với khách hàng trong nước và thế giới.

Thời gian qua, một trong những hoạt động nổi bật của Hà Nội là hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác quảng bá du lịch. Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh: Hà Giang, Ðiện Biên, Sơn La... tiếp cận thị trường khách hàng thông qua tổ chức thành công các tuần văn hóa du lịch, liên hoan du lịch của các tỉnh tại Hà Nội; tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia miễn phí các chương trình tìm hiểu tiềm năng du lịch tại các địa phương. Ngược lại, các tỉnh, thành phố tham gia ký kết chương trình liên kết tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Hà Nội có thể đầu tư, hoặc tổ chức các tua đến các địa phương.

Tuyến du lịch Tây Bắc gồm: Hà Nội - Sơn La - Ðiện Biên được xem là một trong những điển hình thành công của hoạt động liên kết. Tương tự như Tuần Văn hóa du lịch Sơn La, đầu năm 2018, ngành du lịch Ðiện Biên và Hà Nội đã tổ chức Chương trình xúc tiến du lịch Ðiện Biên tại Hà Nội. Qua chương trình, người dân Thủ đô biết đến Ðiện Biên không chỉ có Di tích Quốc gia đặc biệt Ðiện Biên Phủ, mà còn có nhiều tiềm năng du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá khác. Hai bên phối hợp tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, giới thiệu tiềm năng, những ưu đãi của tỉnh Ðiện Biên dành cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch Hà Nội nói riêng, các tỉnh, thành phố khác nói chung.

Nhờ việc tích cực xúc tiến, "tạo hành lang" giữa ngành du lịch các tỉnh mà hiện tại, hàng chục hãng lữ hành trên địa bàn Hà Nội tổ chức tua du lịch từ Hà Nội đi Sơn La, điểm cuối là Ðiện Biên. Ðiểm nhấn trên hành trình ấy là cao nguyên Mộc Châu, đỉnh Pha Luông, Tà Xùa... (Sơn La); di tích Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ngã ba biên giới A Pa Chải, hồ Pá Khoang, cửa khẩu Tây Trang... (Ðiện Biên). Những chương trình du lịch được thiết kế hài hòa giữa tham quan danh lam, thắng cảnh với thưởng thức vẻ đẹp văn hóa của các vùng miền.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên Ðoàn Văn Trì cho biết: "Ngành du lịch tỉnh Ðiện Biên đã chủ động phối hợp các tỉnh trong khu vực Tây Bắc để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù; đồng thời, liên kết với những thị trường du lịch lớn ở khu vực đồng bằng. Kết quả từ sự liên kết thể hiện rõ qua các con số tăng trưởng. Tính đến hết tháng 10-2018, Ðiện Biên đón gần 620 nghìn lượt khách, tăng 34% so cùng kỳ năm 2017. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 928,8 tỷ đồng". Ðối với Sơn La, năm qua, tỉnh đã ghi nhận một kỷ lục về lượng khách du lịch, với gần hai triệu lượt khách, tổng thu đạt 1.040 tỷ đồng.

Ba địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác kinh tế trọng điểm của khu vực phía bắc và có hợp tác phát triển du lịch hết sức chặt chẽ. Năm 2016, ba Sở Du lịch tỉnh, thành phố đã ký kết chương trình liên kết trong giai đoạn 2016 - 2020. Triển khai chương trình này, ba địa phương đã tích cực phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; phối hợp triển khai hỗ trợ quản lý lữ hành, vận chuyển, lưu trú, dịch vụ du lịch; tăng cường sự liên kết, hợp tác kết nối tua đón khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ đến Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng và ngược lại với tinh thần "Ba tỉnh, thành phố - Một điểm đến".

Kết quả của sự hợp tác này là ngoài những tua du lịch Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng, tua du lịch Hà Nội - Hạ Long - Cát Bà đi qua ba địa phương đã trở thành một trong những tua hấp dẫn khách trong nước và quốc tế nhất trong khu vực. Hiện tại, cùng với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng mới đi vào hoạt động tiếp tục tạo xung lực mới cho du lịch ba tỉnh, thành phố.

Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình là một điểm sáng về du lịch. Năm 2018, tỉnh ước đón 7,3 triệu lượt khách du lịch, tăng 4,3% so năm 2017; doanh thu du lịch ước đạt 3.200 tỷ đồng. Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Thành Ðông khẳng định: "Trong thời kỳ hội nhập, liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đối với mỗi địa phương. Qua đó giúp xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc gắn liền với tiềm năng du lịch để bổ sung cho nhau, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Ninh Bình đã chủ động hợp tác với các địa phương và những thành quả của du lịch Ninh Bình có được một phần là nhờ hiệu quả của các chương trình liên kết này".

Còn nhiều vướng mắc

Nếu so sánh về tài nguyên du lịch giữa Sơn La và Ðiện Biên, có thể thấy nhiều khác biệt, nhưng cũng có nhiều yếu tố tương đồng. Cả hai địa phương đều có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, nhất là người Thái. Vậy nên, cả Sơn La và Ðiện Biên đều khai thác nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái để tạo nên sản phẩm du lịch. Ðây là thế mạnh, nhưng đồng thời cũng là điểm "trừ". Một số doanh nghiệp lữ hành sau khi khảo sát tiềm năng du lịch các tỉnh Tây Bắc đã chia sẻ rằng: "Ðến bản nào cũng được chiêu đãi xem tiết mục múa xòe".

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải cũng trăn trở: "Nếu tỉnh nào cũng có sản phẩm du lịch giống nhau thì khó có thể gọi là sản phẩm đặc thù được. Cái đặc thù cần được nhìn trong tổng thể của khu vực, để mỗi địa phương khi xây dựng sản phẩm du lịch thì hạn chế được sự trùng lặp với địa phương bạn. Chỉ như vậy mới thuyết phục được các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát xây dựng tua, qua đó mới xây dựng được các tua liên kết giữa các địa phương. Chẳng hạn khi xây dựng chương trình khảo sát du lịch "Hành trình qua các kinh đô Việt cổ", với sự tham gia của các tỉnh, thành phố gồm Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, tuy điểm chung là du lịch các kinh đô Việt cổ, nhưng khi đi vào thực tế, mỗi địa phương lại "tiếp đón" khách bằng những sản phẩm văn hóa khác nhau. Liên kết chính là thảo luận để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, tránh trùng lặp, nhưng chúng ta còn yếu trong hoạt động này".

Du lịch gồm nhiều khâu: lữ hành, lưu trú, vận chuyển, khai thác điểm đến; không doanh nghiệp nào có thể ôm đồm làm tất cả các khâu này. Tuy nhiên, nếu như vài năm trở lại đây, các cơ quan quản lý đã tích cực vào cuộc, thì sự liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch trong xây dựng chuỗi sản phẩm còn hời hợt, lỏng lẻo. Doanh nghiệp kinh doanh lưu trú chỉ tập trung vào khai thác lợi nhuận từ khách sạn, nhà nghỉ, "mặc kệ" hoạt động lữ hành. Ðiển hình là những dịp cao điểm du lịch, hầu hết các cơ sở lưu trú đều tăng giá dịch vụ rất cao, nhất là ở Quảng Ninh, Lào Cai, khiến các doanh nghiệp lữ hành gặp khó. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với khách hàng sớm buộc phải đưa khách đi mà lợi nhuận thu về không đáng kể.

Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực phía bắc nói riêng vẫn thường "chăm chăm" vào lợi ích trước mắt của doanh nghiệp mình, mà không san sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khác. Liên kết yếu khiến chất lượng tua không bảo đảm, giá lại cao. Bên cạnh đó, bản thân cơ quan quản lý một số địa phương cũng còn những khúc mắc với nhau, điển hình như những "va chạm" giữa du lịch Hạ Long và Cát Bà, khi tàu du lịch Cát Bà gặp khó khăn những lúc đưa khách sang Hạ Long. Tranh cãi giữa hai bên thậm chí khiến Tổng cục Du lịch phải vào cuộc để giải quyết. Ðây là điểm yếu cố hữu của hoạt động du lịch cần khắc phục ngay để môi trường du lịch trong nước trở nên thân thiện hơn.

Liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong khu vực là chủ trương lớn của Trung ương. Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong vùng đã bước đầu phát huy các lợi thế so sánh của từng địa phương trên cơ sở phân công lao động hợp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển. Thị trường tiêu thụ được mở rộng, các liên kết về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa các địa phương, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã tạo ra sự sôi động trong quá trình phát triển trong phạm vi không gian lãnh thổ của vùng nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hiệu quả hợp tác liên kết mới chỉ rõ nét trên lĩnh vực thương mại và du lịch; các lĩnh vực hợp tác còn chưa đa dạng, sâu rộng và toàn diện. Việc huy động các nguồn lực đầu tư các dự án mới chỉ xuất phát từ nhu cầu của các tỉnh, thành phố, chưa được cân nhắc, xem xét trên góc độ vùng, chưa thể hiện được tính liên kết, phát triển.

Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khu vực miền bắc nói riêng, cả nước nói chung, đồng thời phát huy vai trò động lực, đầu tàu, lôi kéo sự phát triển của các địa phương trong vùng và các vùng khác trong cả nước, thời gian tới, thành phố Hà Nội cùng các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng các kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển, tạo cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, đầu tư, quản trị, dịch vụ công, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ… phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương nói riêng và cho cả vùng nói chung. Trước hết là trong công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch của mỗi địa phương, phải thể hiện rõ tính liên kết vùng, sớm xóa bỏ tình trạng phát triển kinh tế khép kín.

 
Nghiên cứu giải pháp thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với tính đặc thù của vùng, chú trọng đến tính đặc thù và lợi thế của các tỉnh, thành phố trong vùng. Hà Nội, các tỉnh, thành phố cần đề cao trách nhiệm trong liên kết, kết nối, điều phối phát triển, phối hợp thực thi các chính sách chung của Chính phủ, khắc phục tính cục bộ trong các hoạt động đầu tư, xây dựng và phát triển ở các địa phương. Có như vậy, mới đạt được hiệu quả từ liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa Hà Nội và các địa phương trong vùng.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top